"Vua cá tra" Dương Ngọc Minh lại gây sốc cho cổ đông
Lực bán tăng mạnh, thị trường chứng khoán ghi nhận phiên giảm điểm khá mạnh trong ngày giao dịch hôm nay.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hôm nay đã quay đầu giảm điểm khá mạnh sau chuỗi ngày hồi phục. Lực bán đổ mạnh vào các cổ phiếu lớn đã khiến các chỉ số chứng khoán chìm trong sắc đỏ trong suốt thời gian giao dịch. Điểm tích cực là lượng tiền đổ vào thị trường đã được cải thiện, đạt tổng cộng gần 4.500 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/6, VN-Index mất 7,9 điểm (0,82%) xuống 954,17 điểm. Tại sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 0,4 điểm (0,38%) xuống 103,56 điểm, Upcom Index cũng mất 0,02 điểm xuống 55,12 điểm.
Thị trường giảm khá mạnh trong phiên giao dịch 12 tháng 6
Khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng 30 tỷ đồng trên cả ba sàn. Trong đó, các doanh nghiệp bị khối này rút tiền nhiều nhất là VHM (Vinhomes), SBT (Mía Đường Thành Thành Công), SSI (Chứng khoán SSI), MSN (Masan).
Đà sụt giảm ghi nhận ở nhiều nhóm cổ phiếu như: ngân hàng, dầu khí, bất động sản, chứng khoán, sản xuất bán lẻ hàng tiêu dùng, thủy sản, dệt may...
Các mã cổ phiếu vốn hóa lớn cũng đồng loạt đi xuống do áp lực bán mạnh: VIC (Vingroup) giảm 0,9%, VHM (Vinhomes) giảm 2,3%, GAS (PVGas) giảm 2,4%, VCB (Vietcombank) giảm 0,6%, MSN (Masan) giảm 1,2%, SAB (Sabeco) giảm 0,7%. Tuy nhiên, vẫn có một số mã lớn tăng giá, đáng chú ý như: MWG (Thế giới di động), HVN (Vietnam Airlines), HPG (Hòa Phát) hay HDB (HDBank).
Ở nhóm cổ phiếu thị giá nhỏ và mang tính đầu cơ cao: FLC và QCG thu hút được dòng tiền và có kết quả khá tốt. Đáng chú ý, cổ phiếu HVG của Thủy sản Hùng Vương bất ngờ bị bán tháo và giảm kịch sàn với khối lượng dư bán lớn.
Cụ thể, HVG kết phiên mất 240 đồng xuống còn 3.250 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh vỏn vẹn 129 ngàn đơn vị, dư bán sàn lên tới 1,86 triệu cổ phiếu. Diễn biến này xảy ra sau khi HVG công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2019 sau soát xét với kết quả gây sốc với cổ đông.
Ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch Thủy sản Hùng Vương
Theo đó, doanh thu trong kỳ của HVG ghi nhận ở mức 2.885 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước. Do không còn đột biến, doanh thu tài chính chỉ còn 7 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 140 tỷ kỳ trước. Sau khi trừ chi phí, HVG lỗ 134 tỷ đồng trong nửa đầu niên độ kinh doanh 2018-2019. Kết quả này khiến nhà đầu tư ngỡ ngàng, khi trong báo cáo tự lập, Hùng Vương của "vua cá tra" Dương Ngọc Minh đã báo lãi sau thuế tổng cộng gần 28 tỷ đồng trong hai quý đầu của niên độ.
Ngoài ra, kiểm toán còn ghi nhận sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Hùng Vương. Kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ về khoản lỗ luỹ kế tại ngày 31/3/2019 gần 528 tỷ đồng, và lỗ thuần trong kỳ kế toán sáu tháng kết thúc cùng ngày là 112 tỷ đồng. Trước đó, Hùng Vương và cổ đông đã phải đón nhận cú sốc POR14 khi bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên mặt hàng cá tra ở mức cao nhất trong đợt xem xét.
Sở hữu khối tài sản hơn 15.600 tỉ đồng nhưng ngay trong năm đầu tiên cổ phần hóa, lợi nhuận trước thuế của Tổng...