Vụ vay 8,5 triệu vọt lên 8,8 tỷ đồng: Lỗi tại ai?
Thẻ tín dụng là một giải pháp tài chính được phía ngân hàng cung cấp cho khách hàng, chi tiêu trước, trả tiền sau. Tuy nhiên chỉ cần một chút lơ là, sơ sảy, khách hàng dễ dàng dính “bẫy nợ” từ phương thức thanh toán thời 4.0 này.
Câu chuyện khách hàng ở Quảng Ninh mở thẻ tín dụng tại Eximbank và có phát sinh dư nợ hơn 8,5 triệu đồng nhưng không thanh toán, 11 năm sau khoản dư nợ này lên tới hơn 8,8 tỷ đồng đang gây xôn xao dư luận. Từ vụ việc này, nhiều người lo lắng không biết mình có đang là “con nợ” ngân hàng khi mở thẻ tín dụng. Chia sẻ cùng PV báo Tiền Phong, các chuyên gia kinh tế “mách nước” dùng thẻ tín dụng khôn ngoan, cũng như "mổ xẻ" lỗi tại ai từ câu chuyện hy hữu trên.
Con nợ “âm thầm”
Chuyên gia tài chính cá nhân Lâm Minh Chánh cho rằng, thẻ tín dụng là một ứng dụng tiện nghi tuyệt vời của cuộc sống. Nó giúp chúng ta vẫn có thể chi tiêu mà không cần đem theo tiền mặt, đặc biệt là không tính lãi suất từ 45 - 60 ngày kể từ ngày sử dụng (tùy ngân hàng).
Chuyên gia tài chính cá nhân Lâm Minh Chánh.
Thẻ tín dụng đặc biệt cần thiết khi đi nước ngoài, nhất là ở những quốc gia phát triển, ít dùng tiền mặt. Thẻ tín dụng cũng rất tiện lợi trong việc mua hàng online, đặc biệt là những website quốc tế chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng. Đôi khi thẻ tín dụng còn là công cụ để vay khẩn cấp, mức vay có thể lên đến 80 - 90% mệnh giá của thẻ. Tất nhiên mức lãi suất sẽ cao hơn lãi suất ngân hàng rất nhiều, nhưng vẫn thấp hơn lãi suất vay tiêu dùng.
Ông Lâm Minh Chánh lưu ý, khi chi tiêu, mua sắm bằng thẻ tín dụng sau thời gian không lãi suất, khách hàng phải trả nợ trong thời gian từ 45-60 ngày. Quá thời gian này, người sử dụng phải trả tiền phạt và khoản lãi suất rất cao, có thể lên tới 4-6%/tháng, tùy theo ngân hàng.
Với trường hợp câu chuyện của khách hàng nợ ngân hàng từ 8,5 triệu đồng biến thành 8,8 tỷ đồng sau 132 tháng (11 năm) thì lãi suất và phạt là 5,4%/tháng, tương đương 88%/năm. Tiền phạt trả chậm và mức lãi suất này đã được thể hiện trong hợp đồng ký kết và đương nhiên vẫn theo luật pháp.
“Sau thời gian 45-60 ngày (không tính lãi suất) thì lãi suất của thẻ tín dụng cực kỳ cao. Do đó khách hàng phải thanh toán ngay, không nên để nợ vượt qua thời gian trên” - chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh nhấn mạnh.
Theo quan điểm của ông Chánh, trường hợp khách hàng nợ thẻ tín dụng tiền tỷ như trên dường như có vấn đề về việc ký hợp đồng, cấp thẻ. Giữa khách hàng và ngân hàng đang có những thông tin trái ngược.
Người tiêu dùng cần hiểu biết khi dùng thẻ tín dụng
“Theo luật, nếu khách hàng chứng minh được ngân hàng không có bất kỳ tương tác gì với khách hàng để chứng tỏ khách hàng biết đang nợ ngân hàng, thì sau thời gian 2 năm ngân hàng không thể khởi kiện thương mại” - ông Chánh nói.
Giải đáp về các trường hợp nhiều người đang lo lắng khi đã cung cấp số điện thoại cho nhân viên ngân hàng, sợ rằng mình có thẻ tín dụng và phát sinh nợ "âm thầm", ông Chánh nói rõ muốn cấp thẻ tín dụng cho khách hàng, ngân hàng phải xét thân nhân, chỉ số tín nhiệm cá nhân, phải có bản sao giấy tờ cá nhân và chữ ký của khách hàng. Ngân hàng không thể cấp thẻ tín dụng dựa trên số điện thoại của khách hàng. Vì thế, người tiêu dùng không nên quá lo lắng nếu chưa cung cấp giấy tờ và chưa ký kết gì.
“Thẻ tín dụng rất tiện lợi, nhưng người tiêu dùng phải đọc kỹ và hiểu rõ hợp đồng trước khi ký kết để tránh rủi ro đáng tiếc - ông Chánh lưu ý.
Phải “đo bò làm chuồng”
TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng - cho rằng nhiều người dùng thẻ tín dụng cứ đinh ninh nếu trễ hạn trả nợ thẻ tín dụng trong 1-2 ngày thì ngân hàng chỉ tính lãi trong 1-2 ngày đó. Nhưng thực ra không phải như vậy, ngân hàng sẽ tính lãi bắt đầu từ ngày mua sắm tiêu dùng, tức là từ khoảng 1 tháng trước đó.
Tại Mỹ, nhiều người quan niệm rằng mình có thu nhập trong tương lai thì mình dùng thu nhập trong tương lai để trả cho một món nợ đang phát sinh ở hiện tại. Trong cuộc sống tân tiến, nhu cầu tài chính tăng cao thì phải sử dụng thẻ tín dụng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng.
“Riêng bản thân tôi, không bao giờ tôi dùng thẻ tín dụng. Có tiền mặt thì tôi sẽ sử dụng, hết tiền chấp nhận nhịn đói chứ không dùng thẻ tín dụng” - ông Hiếu chia sẻ.
Cũng theo ông Hiếu, các ngân hàng khi cấp thẻ tín dụng thường yêu cầu khách hàng xem những quy định chung, thường họ mở thẻ sau đó gửi đến nhà khách hàng. Khách hàng cần xem các hướng dẫn cách chi tiết để hiểu. Sau khi nhận thẻ, phải đến trạm ATM để kích hoạt thì mới có thể sử dụng được. Đó là điều chắc chắn. Ông Hiếu cho rằng, trường hợp khách hàng nợ lên đến cả tỷ đồng, họ có thể không nắm được những hướng dẫn như vậy.
"Để sử dụng thẻ tín dụng an toàn, người có thẻ phải hiểu tất cả những hướng dẫn sử dụng; lập mật khẩu và giữ mật khẩu không để lộ ra ngoài; trả nợ đúng hạn để không bị tính lãi. Quan trọng hơn nữa là phải biết “đo bò làm chuồng”, nghĩa là khi mua món hàng nào đó phải xem mình có đủ khả năng trả nợ hay không. Thường thường ngân hàng dùng chỉ tiêu nợ mỗi tháng chia cho thu nhập của người đó. Tỷ lệ an toàn nhất là 50%. Tỷ lệ này lên càng cao thì càng rủi ro" - ông Hiếu nói.
Vị chuyên gia tài chính ngân hàng này bày tỏ rất ngạc nhiên với số tiền nợ từ vài triệu lên gần chục tỷ đồng trong vòng chỉ hơn 10 năm từ thẻ tín dụng.
“Ngay cả khi tính lãi kép, tức là lãi mẹ đẻ lãi con cộng cả lãi phạt, tôi không thấy cách tính nào để lên đến số tiền “khủng” như vậy. Đặc biệt, món nợ sau khoảng 90 ngày mà không khách hàng trả nợ thì ngân hàng đã phải ngưng hạch toán lãi rồi. Trong khi Eximbank lại vẫn cứ tính lãi. Tôi cũng không hiểu ngân hàng làm như vậy có đúng luật hay không? Tôi rất mong chờ Ngân hàng Nhà nước công bố kết quả để tất cả mọi người được biết” - TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Người dân mơ hồ, ngân hàng yếu kém
TS. Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế - cho rằng vụ việc trên đôi khi lại là điều tốt cho người dân và cả ngân hàng, mặc dù đây có vẻ như vụ việc khá là sốc.
Phân tích sâu hơn, ông Hiển lưu ý người tiêu dùng, dù chỉ nợ một món tiền nhỏ nhưng nếu không chú ý, vô tình không trả nợ sẽ rất phiền phức. Cụ thể như vị khách hàng ở Quảng Ninh, khi cần vay vốn ở ngân hàng thì không được vì vướng nợ xấu, dù nợ xấu chỉ có 10 triệu đồng.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển.
“Dù nợ rất nhỏ nhưng dính ở ngân hàng thì sau này rất khó tiếp cận được vốn vay. Do đó, khi đã vay tiền ngân hàng thì phải nhớ thời gian trả nợ; đã làm việc với ngân hàng luôn phải căn cứ vào quy định pháp lý chứ không được ỷ y” - ông Hiển nhấn mạnh.
Theo ông Hiển, khi vay tiền với lãi suất thấp trong thời gian dài cũng sẽ không có tác hại bao nhiêu cho sự trả lãi. Ví dụ như vay 100 triệu đồng với lãi suất 10%/năm trong 10 năm, số tiền cả gốc lẫn lãi phải trả cùng lắm chỉ lên gấp đôi. Nhưng cũng số tiền đó nhưng lãi suất 20% là có vấn đề.
Với thời gian 10 năm, số tiền lãi này có thể lên đến 1-2 tỷ đồng. Nếu lãi suất trong thẻ tín dụng 2 chiều lên đến gần 100% thì số nợ lên đến khủng khiếp, cụ thể là từ 10 triệu đồng lên tới gần 9 tỷ đồng như trường hợp khách hàng ở Quảng Ninh. Như vậy lãi suất rất quan trọng, người đi vay phải chú ý lãi suất.
Đánh giá về thẻ tín dụng, TS. Đinh Thế Hiển nói rằng đây là sự phát triển của nền kinh tế hiện đại nhưng nếu chúng ta không biết sử dụng tốt sẽ dễ gặp tai nạn. Ở Mỹ có cả hệ thống giáo dục để dạy biết cách sử dụng thẻ như thế nào, là nền tảng trong tài chính cá nhân. Nhưng tại Việt Nam chưa có trong hệ thống phổ thông.
Vụ việc nợ 8,8 tỷ đồng từ số tiền 10 triệu đồng từ thẻ tín dụng, ông Đinh Thế Hiển cho rằng để xảy ra chuyện này thể hiện sự yếu kém, vô trách nhiệm của ngân hàng.
Thêm vào đó, người dân cũng chưa trang bị kiến thức khi sử dụng thẻ tín dụng. Người dùng cần trang bị kiến thức về thẻ tín dụng nói riêng và tiền bạc cũng như công cụ tài chính trong nền kinh tế nói chung.
Ở góc độ ngân hàng, ông Hiển cho rằng đã thể hiện sự máy móc, sự vô trách nhiệm, chỉ dựa trên cơ sở pháp lý quy định của mình mà không tính tới những lợi ích của người dùng.
“Vụ việc trên không những làm cho hình ảnh ngân hàng trở nên rất xấu, mà còn thể hiện sự yếu kém của ngân hàng này trong mối quan hệ từ hội sở đến những giám đốc chuyên ngành như giám đốc bán lẻ, giám đốc khu vực, giám đốc chi nhánh…” - ông Hiển nói.
Trả lời câu hỏi sau vụ việc vay 8,5 triệu vọt lên 8,8 tỷ đồng liệu thẻ tín dụng tiêu dùng có bị tẩy chay không? TS. Đinh Thế Hiển khẳng định: “Tôi cho rằng không có, nhưng người ta sẽ chú ý hơn, học hỏi cách dùng thẻ tín dụng sao cho an toàn hơn. Phía ngân hàng cũng sẽ nâng trách nhiệm, nâng dịch vụ của mình lên. Tóm lại theo tôi, vụ việc này đôi khi là tốt cho tài chính tiêu dùng nói riêng và cho việc phát triển hệ thống tiền tệ nói chung”.
Một khách hàng xài thẻ tín dụng của Eximbank phát sinh dư nợ 8,5 triệu đồng nhưng không thanh toán, 11 năm sau dư nợ thẻ tín dụng được ngân hàng thông báo lên gấp cả ngàn lần, vì sao?
Nguồn: [Link nguồn]