“Vỡ mộng” giàu nhanh vì đi vay tiền đầu tư bất động sản
Trong giai đoạn thị trường bất động sản sốt sình sịch, không ít nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm đã nhảy vào cuộc bằng việc đi vay tiền để đầu tư. Tuy nhiên, không nắm bắt được xu hướng của thị trường nên đến nãy đã “vỡ mộng” và phải ôm một đống nợ.
“Vỡ tan” hạnh phúc gia đình vì đầu tư bất động sản
Anh H. A -một nhà đầu tư tại Hà Nội - cho biết, thời gian sốt đất, sẵn trong túi có một ít tiền anh đã huy động thêm được gần 10 tỷ đồng từ người thân, bạn bè để mua vào nhiều lô đất ở các địa phương như Quảng Trị, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Hà Nội và TP.HCM hồi năm 2021.
Tuy nhiên, “người tính không bằng trời tính”, chỉ sau một thời gian ngắn sau giá những lô đất nhà đầu tư này mua vào được đính giá khá cao, nhưng anh A không bán và đợi thêm một thời gian nữa với hy vọng có lãi sao hơn. Bước sang năm 2022, thị trường bất động sản bắt đầu “chững lại”, dù có nhiều nhà đầu tư bắt đầu thoát hàng.
Thế nhưng, anh H. A vẫn không bán, đến thời điểm này những lô đất này không thể bán được, tiền nợ cộng lãi vay tăng cao đã khiến nhà đầu tư này phải bán đi căn hộ chung cư của mình đang ở để tạm giải quyết một phần nợ, từ đó tình cảm vợ chồng anh bắt đầu xảy ra mâu thuẩn nên đã “đường ai nấy đi”.
Chia sẻ với chúng tôi, nhà đầu tư này cho biết, hiện nay không thể xoay tiền trả nợ, tình cảm với những người thân đã từng cho vay để mua đất đã rạn nứt. Tuy vậy, hiện nay cũng là giai đoạn khó khăn nên chưa thể giải quyết được dứt điểm những lô đất tồn đọng để mang về trả nợ cho họ.
“Tôi đang cố cầm cư một thời gian nữa may ra thị trường khởi sắc trở lại, rồi bán đi để thanh toán các khoản nợ cho những người mình đã vay, từ đó đến nay lãi vay phải trả cho họ cũng khiến tôi “kiệt quệ”, vụ làm ăn này chắc chắn sẽ khiến tôi sạt nghiệp”, nhà đầu tư này nói.
Tương tự, chị Nguyễn Minh Ngọc (tên nhân vật đã thay đổi) 36 tuổi, đang là một giáo viên tiểu học ở Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Hồi năm 2021, lúc thị trường bất động sản đang trong giai đoạn “sôi động” nhất, vợ chồng chị đã huy động được hơn 4 tỷ đồng từ những người thân trong gia đình để tham gia đầu tư lướt sóng bất động sản ở nơi mình đang sinh sống.
Lúc đầu hoạt động đầu tư này của chị cũng mang lại một khoản lợi nhuận kha khá, thấy đây là cơ hội để đổi đời, chị Ngọc đã xin nghỉ dạy để tập trung buôn đất, nợ trước chưa trả được, chị tiếp tục đi vay thêm tiền của bạn bè khoảng hơn 2 tỷ đồng nữa để tham gia đầu tư.
Chị này cho biết, thời điểm cuối năm 2021, chị đã mua vào nhiều lô đất ở một số địa phương như ở TP. Long Khánh, huyện Trảng Bom, huyện Long Thành và lên cả Bảo Lộc (Tỉnh Lâm Đồng) để đầu tư, cứ nghĩ thị trường sẽ tiếp tục duy trì tốt hoạt động thanh khoản thì đầu năm 2022, nhiều hoạt động kiểm soát phân lô bán nền xảy ra, từ đó thị trường bắt đầu chững lại đã khiến chị mất ăn, mất ngủ.
Từ giai đoạn cuối năm 2022 đến nay, gia đình chị không có tiền để trả lãi vay cho người thân nên đã xảy ra mâu thuẩn, tình cảm gia đình, bạn bè đổ vỡ, công việc không có, vợ chồng anh chị không đủ sức chống chọi vì không có thu mà chỉ chi, nên dẫn đến hạnh phúc “vỡ tan”, anh chị ly hôn, chị trở nên kiệt quệ.
Hiện tại chị chưa biết phải giải quyết bài toán này như thế nào, một số lô đất đang được chị mang đi làm thủ tục thế chấp vay tiền của một số người khác nhằm giải quyết trước mắt những khó khăn.
Lĩnh án tù vì đi vay tiền để “ôm đất”
Mới đây, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã mở phiên toàn xét xử Phạm Thị Oanh, 43 tuổi, trú xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, liên quan đến vấn đề huy động tiền của người thân để đầu tư buôn đất trong đợt sốt đất ở Hà Tĩnh.
Theo cáo trạng, năm 2021, Phạm Thị Oanh đã vay nhiều người để đầu tư mua bán đất ở huyện Lộc Hà, song thua lỗ, nợ hơn 6 tỷ đồng tiền gốc, mỗi tháng phải trả 300 triệu đồng tiền lãi. Đến tháng 5/2022, Oanh mất khả năng thanh toán.
Huy động tiền của người thân để đầu tư buôn đất, Phạm Thị Oanh phải lĩnh án tùBị nhiều chủ nợ hối thúc, nên Oanh gặp người thân, hàng xóm, bạn bè vay tiền hoặc rủ chung vốn mua đất, hứa trả lãi đúng hạn, ngoài ra còn chia đôi tiền lời sau khi bán đất. Để tạo sự tin tưởng, Oanh tự nhận một số miếng đất mặt đường xã Thạch Châu và thị trấn Lộc Hà là của mình rồi dẫn họ đi xem, nói "đã có cò trả giá cao hơn vài trăm triệu đồng, nếu hùn vốn đầu tư thì chắc chắn vài ngày là có lời".
Tháng 5-7/2022, ba phụ nữ ở xã Thạch Kim và Thạch Châu, huyện Lộc Hà cho Oanh vay gần 4,7 tỷ đồng, người nhiều nhất là hơn 2,6 tỷ đồng. Nhận tiền, Oanh đem trả nợ, tiêu xài hết. Đến hẹn không có tiền trả gốc và lãi, bị hối thúc, Oanh nhắn tin cho các chủ nợ cùng nội dung: "Em bị bể nợ rồi, xin lỗi gia đình anh chị". Từ tố cáo của các nạn nhân, hồi tháng 10 năm 2021, Oanh bị cảnh sát bắt.
Tại phiên toàn, Oanh khai trước đây làm lao động tự do, thỉnh thoảng cùng bạn bè chung vốn mua đất rồi bán lại để kiếm lời nhưng hiệu quả không cao. Năm 2021, Hà Tĩnh xảy ra cơn sốt đất từ nông thôn đến thành thị, một miếng đất vùng quê rộng 200m2 trước đây giá chỉ vài trăm triệu đồng bỗng tăng lên hơn một tỷ, thậm chí qua nhiều lần "sang tay" đã vượt mức 2 tỷ. Oanh làm liều vay mượn tiền bạn bè, họ hàng đi mua đất bán lại, với hy vọng kiếm được nhiều tiền để cải thiện cuộc sống.
Bị cáo vỡ mộng làm giàu do thiếu vốn, kinh nghiệm kinh doanh bất động sản hạn chế. Vay tiền tỷ mua đất với giá cao nhằm "lướt sóng" nhưng sau vài tháng thì không có khách hàng đoái hoài, đành phải hạ giá bán lỗ. Số tiền thu về không đủ trả gốc và lãi cho chủ nợ, sau vài tháng nợ nần chồng chất, không còn cách nào khác Oanh đành phải dùng chiêu trò đi vay tiền của người khác về để khắc phục.
Tại phiên tòa, chị Trần Thị Thư, 47 tuổi, huyện Lộc Hà (bị hại trong vụ án này) cho hay tháng 5/2022, Oanh hai lần đến nhà nói mới mua hai miếng đất trị giá 2-6 tỷ đồng, muốn vay 1,1 tỷ đồng để làm thủ tục, sau một tuần sẽ trả hết và cho thêm 2 triệu đồng tiền "hoa hồng". Là hàng xóm buôn đất với nhau từ 2020, lại được viết giấy vay nợ rồi dẫn đi xem một số miếng đất mặt tiền nên chị Thư đồng ý, mà không biết đây là lô đất Oanh nhận vơ.
Tại phần luận tội, đại diện VKS nói không chỉ riêng bị cáo Oanh, mà trong xã hội hiện nay nhiều gia đình cũng lao đao vì sốt đất. Công tố viên đề nghị người dân cần biết cách quản lý tài sản của mình, nếu không có chuyên môn, kiến thức sâu về bất động sản thì không nên "lướt sóng làm liều", sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, ngoài mất tiền còn có nguy cơ dính đến lao lý.
Xét hành vi của Oanh là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản người khác được pháp luật bảo vệ, đại diện VKS đề nghị tuyên phạt Oanh 14 -15 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự, đồng thời phải trả hết hết các khoản tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.
Các doanh nghiệp như PVD, BTP, TDC... đều có điều chỉnh phần lợi nhuận trước và sau kiểm toán. Trong đó, có đơn vị sụt giảm lợi nhuận, có nơi chuyển từ lỗ sang lỗ lớn hơn.
Nguồn: [Link nguồn]