Vợ chồng ông chủ hãng hàng không bỏ trốn vì "nổ" đặt mua 150 máy bay Boeing 737 MAX
Chỉ có ít vốn liếng nhưng cựu CEO Jet Airways vẫn đặt mua của Boeing 150 chiếc 737 Max trị giá 8,8 tỷ USD. Đến khi vỡ nợ, hãng hàng không phải ngừng hoạt động, vị này tìm cách bỏ trốn sang Anh nhưng bị cảnh sát ngăn chặn kịp thời.
Tờ Indiatimes đưa tin cựu CEO Jet Airways Naresh Goyal và vợ vừa bị cảnh sát giữ lại khi đang cố tìm cách bỏ trốn.
Theo đó, dù đã lên máy bay của hãng hãng hàng không Emirates để tới London (Anh). Máy bay đã di chuyển tới sát đường băng và chuẩn bị cất cánh thì bị lực lượng an ninh chặn lại.
Ông Goyal và vợ bị các nhân viên xuất nhập cảnh sân bay Mumbai bắt giữ, tuy nhiên sau đó hai người này được thả. Nhà chức trách Ấn Độ ra lệnh cấm vợ chồng cựu CEO của Jet Airways xuất cảnh. Như vậy, ông Goyal sẽ phải đối mặt với hậu quả của việc quản lý yếu kém Jet Airways.
Vợ chồng cựu CEO Jet Airways Naresh Goyal
Hãng hàng không Jet Airways được thành lập vào ngày 01/4/1992 bởi tỷ phú Naresh Goyal với hoạt động ban đầu là vận tải thương mại nội địa theo yêu cầu.
Năm 2017, Jet Airways là hãng hàng không lớn thứ hai tại Ấn Độ, chỉ sau IndiGo, nhưng hiện tại tình hình kinh doanh khá bi đát khi đang đứng trước bờ vực của sự sụp đổ.
Hồi tháng 3, ông Goyal và vợ rời khỏi ban giám đốc Jet Airways. Kể từ tháng 1/2019, hơn 22.000 nhân viên của hãng không được trả lương. Jet Airways buộc phải ngừng mọi hoạt động từ ngày 17/4.
Đây là vụ ngừng bay lớn nhất tại Ấn Độ từ khi hãng hàng không Kingfisher Airlines của tỷ phú Vijay Mallya từng gặp phải năm 2012. Đây cũng là một đòn giáng mạnh vào ngành hàng không Ấn Độ trong bối cảnh các hãng phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu tăng cao với chi phí thấp.
Rắc rối của Jet Airways bắt đầu vào năm 2018 khi hãng đặt mua thêm 75 chiếc Boeing 737 Max với giá 8,8 tỷ USD. Trước đó hãng đã đặt mua 150 chiếc 737 Max.
Trên thực tế, Jet Airways buộc phải dựa vào các công ty cho thuê máy bay khi thực hiện các hợp đồng mua máy bay mới. Trong giao dịch này, hãng hàng không chỉ cần chuẩn bị vài phần trăm giá trị hợp đồng để đặt cọc cho Boeing.
Khi nhận hàng từ nhà sản xuất, hãng bán lại tàu bay cho bên thứ ba là các công ty cho thuê máy bay. Số tiền bán máy bay này sẽ được hãng dùng để thanh toán cho Boeing. Sau đó, hãng hàng không lại đi thuê chính những máy bay này từ công ty cho thuê để khai thác.
Các máy bay của Jet Airways đỗ tại sân bay Chhatrapati Shivaji Maharaj ở Mumbai (Ấn Độ). Ảnh: Bloomberg
Vấn đề là các hợp đồng giữa Jet Airways với công ty cho thuê đổ vỡ, do đó hãng hàng không này phải đi vay tiền để thanh toán chi phí mua máy bay và vỡ nợ. Sau khi không thể vay khẩn cấp 217 triệu USD, Jet Airways buộc phải ngừng hoạt động.
Cựu CEO Jet Airways Naresh Goyal sinh ngày 29/7/1949 trong một gia đình buôn đá quý tại Sangrur, Punjab, Ấn Độ. Năm 12 tuổi, cha ông mất, gia đình tán gia bại sản và phải chuyển đến ở nhờ nhà người bác của Naresh vốn nghèo đến mức không có cả điện để dùng. Trước bất hạnh ập đến, Naresh vẫn quyết tâm theo đuổi việc học. Ông dành cả tuổi thơ ngồi học dưới ánh đèn đường với mơ ước làm kế toán, song điều kiện gia đình đã khiến ông phải lựa chọn trở thành cử nhân thương mại. Sau khi tốt nghiệp, Naresh Goyal có quãng thời gian dài làm cho các hãng hàng không dân sự quốc tế. Đây cũng là quãng thời gian ông ấp ủ mong muốn tạo lập một doanh nghiệp cho riêng mình. Tuy vậy, với những gì đang diễn ra, giấc mơ của ông Naresh Goyal đang dần trở thành cơn ác mộng. |
Hãy học cách đầu tư vào thị trường chứng khoán ngay từ khi bạn còn trẻ.