Vĩnh Hoàn lãi 1.452 tỷ, “nữ hoàng cá tra” Trương Thị Lệ Khanh bỏ xa ông Dương Ngọc Minh
Công ty CP Vĩnh Hoàn (VHC) do bà Trương Thị Lệ Khanh giữ vị trí Chủ tịch HĐQT ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế trong quý IV.2018 lên tới 416 tỷ đồng, gấp 20 lần so với lợi nhuận sau thuế của Công ty CP Hùng Vương (HVG) - "vua cá tra" một thời do ông Dương Ngọc Minh giữ vị trí Chủ tịch HĐQT.
“Nữ hoàng cá tra” Trương Thị Lệ Khanh bỏ xa "cựu vương" Dương Ngọc Minh
Quý I niên độ 2018-2019, Công ty CP Hùng Vương (HVG) - "vua cá tra" một thời do ông Dương Ngọc Minh giữ vị trí Chủ tịch HĐQT ghi nhận lợi nhuận trước thuế 155 tỷ đồng trong bối cảnh doanh thu “bốc hơi” 50%, xuống mức 1.345 tỷ đồng.
Ông Dương Ngọc Minh là chủ tịch HĐQT Công ty CP Hùng Vương. (Ảnh: Internet)
Kỳ này, Hùng Vương cũng không còn doanh thu từ việc thoái vốn nên doanh thu tài chính giảm 99%, chỉ còn hơn 2 tỷ đồng. Chi phí lãi vay dù đã giảm 59% nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả khoản chi phí lãi vay 49 tỷ đồng trong kỳ kế toán. Thêm vào đó, lãi liên doanh liên kết cũng giảm mạnh 93% xuống vỏn vẹn gần 2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của Hùng Vương giảm mạnh, lần lượt 25% và 48% nên dù lỗ hơn 3 tỷ đồng thì Công ty vẫn lãi trước thuế 22 tỷ đồng, tăng mạnh 207% so cùng kỳ.
Trong niên độ 2018 - 2019, Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh đề ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế 255 tỷ đồng, trong đó 75 tỷ đồng từ mảng kinh doanh cá, còn thức ăn thủy sản sẽ mang về 180 tỷ đồng. Sau quý đầu tiên, Hùng Vương chỉ mới thực hiện được 7% chỉ tiêu đề ra trong niên độ.
"Nữ hoàng cá tra" Trương Thị Lệ Khanh. (Ảnh: Internet)
Theo tính toán, con số lợi nhuận của Hùng Vương - "vua cá tra" một thời hiện chỉ bằng 1/20 mức lợi nhuận của "nữ hoàng cá tra" Vĩnh Hoàn (VHC) do bà Trương Thị Lệ Khanh giữ vị trí Chủ tịch HĐQT.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV.2018 của Vĩnh Hoàn cho thấy, doanh thu thuần của doanh nghiệp tăng 27% so cùng kỳ, đạt 2.754 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tăng 62% lên gần 573 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong quý IV.2018, Vĩnh Hoàn ghi nhận khoản lãi liên doanh liên kết hơn 17 tỷ đồng và doanh thu từ hoạt động tài chính là 33 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí bán hàng giảm 23% xuống 55,2 tỷ đồng, còn chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2017.
Kết quả, Vĩnh Hoàn đạt lợi nhuận sau thuế 416 tỷ đồng trong quý IV.2018, tăng 113% so cùng kỳ. Năm 2018, doanh thu thuần của Vĩnh Hoàn tăng 14%, lên 9.323 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 1.452 tỷ đồng, tăng 140%. Đông thời, gấp 2,3 lần kế hoạch đặt ra.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VHC bứt phá mạnh trong năm 2018, thậm chí lập đỉnh ở mức giá hơn 110.000 đồng/cổ phiếu trước khi rơi vào giai đoạn điều chỉnh, và hiện đang giao dịch ở mức giá trên 90.000 đồng/cổ phiếu giúp tài sản bà Trương Thị Lệ Khanh đạt mức hơn 3.600 tỷ đồng.
Trong khi đó, giá trị giao dịch của cổ phiếu HVG vẫn liên tục giảm sút, có thời điểm chỉ giao dịch với mức giá dưới 5.000 đồng/cổ phiếu khiến tài sản ông Dương Ngọc Minh hiện chỉ còn hơn 422 tỷ đồng.
Hi vọng vươn cao nhờ cá tra
Theo bản tin IR tháng 12 của Công ty CP Vĩnh Hoàn, giá trị xuất khẩu trong tháng 12 của doanh nghiệp đạt 39 triệu USD, ghi nhận mức tăng cao kỷ lục 76% so với cùng kỳ năm trước. Cả sản lượng và giá bán cùng tăng lần lượt 28% và 37%.
Tổng giá trị xuất khẩu trong năm 2018 đạt 378 triệu USD, tăng 26% so với năm trước. Trong khi sản lượng cả năm rơi nhẹ thì giá bán bình quân duy trì mức tăng 33% so với cùng kỳ năm trước do giá nguyên liệu thô tăng.
Cơ cấu sản phẩm của Vĩnh Hoàn không có nhiều thay đổi so với năm 2017, cá tra fillet vẫn chiếm tỷ trọng chủ đạo trong tổng giá trị xuất khẩu và tăng 34% so với năm trước. Collagen và gelatin có mức tăng ấn tượng với 11,2 triệu USD, gấp đôi năm 2017.
Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chính của Vĩnh Hoàn trong năm 2018 với 64%, Trung Quốc đứng thứ hai với 18%. Riêng đối với thị trường Mỹ, thị phần của Vĩnh Hoàn và Viễn Đông cộng lại chiếm hơn 92%, trong khi thị phần Hùng Vương khoảng 4%, còn lại 4% là các doanh nghiệp khác.
Cơ cấu sản phẩm của Vĩnh Hoàn
Theo thông tin từ VASEP, năm 2018, xuất khẩu hải sản Việt Nam đạt gần 9 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu cá tra ghi nhận mức cao kỷ lục 20 năm khi đạt 2,3 tỷ USD, tăng 27%. Sự phát triển của mặt hàng cá tra sẽ tiếp tục trong năm 2019 với kỳ vọng đạt 3 triệu tấn cá, tăng 4,6% so với năm 2018.
Tại Việt Nam, vùng nuôi cá tra đạt 5.400 ha trong năm 2018, tăng nhẹ 3,3% so với năm 2017. Sản lượng thu hoạch đạt 1,42 triệu tấn, tăng 8,4%.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu của Vĩnh Hoàn
Hiện tại, Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra số một của Việt Nam với 549 triệu USD, tăng 60%. Trung Quốc – Hong Kong xếp hạng 2 trong tổng giá trị xuất khẩu với 529 tỷ USD, chiếm 23% tổng giá trị xuất khẩu cá tra 2018 của Việt Nam và tăng 29% so với năm trước. Thị trường châu Âu sau một thời gian giảm sút về sản lượng và giá trị xuất khẩu bắt đầu có dấu hiệu hồi phục với giá trị xuất khẩu đạt 244 triệu USD, tăng 20% so với năm trước đó.
Với những Hiệp định thương mại tự do đã sẽ được ký kết như CPTPP và EVFTA, thuế nhập khẩu cá tra từ Việt Nam đến nhiều thị trường sẽ nhanh chóng giảm về 0%, tạo cơ hội tốt hơn cho xuất khẩu cá tra.