'Vietnam Airlines không thể mãi trông vào Nhà nước mỗi khi lỗ'
Đại biểu Nguyễn Văn Thân nhìn nhận gói hỗ trợ, gia hạn khoản vay chỉ là biện pháp tình thế, không thể liên tục giúp Vietnam Airlines mỗi khi lỗ.
Chiều 26/6, Quốc hội thảo luận phương án gia hạn trả nợ với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020 của Quốc hội.
Từ tháng 7 đến cuối năm 2021, Vietnam Airlines đã hoàn thành sử dụng gói vay vốn với tổng giá trị xấp xỉ 4.000 tỷ đồng. Đây giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho hãng hàng không quốc gia do ảnh hưởng của Covid-19 cùng 8.000 tỷ để tăng vốn điều lệ qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Đến hết năm ngoái, hãng thanh toán đủ 220 tỷ đồng lãi vay cho các ngân hàng. Theo quy định tại Nghị quyết 135/2020 của Quốc hội và các hợp đồng tín dụng, Vietnam Airlines có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ dư nợ gốc từ tháng 7 đến tháng 12/2024.
Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 3 lần khi đến hạn trả với khoản vay 4.000 tỷ đồng của Vietnam Airlines để hãng khắc phục khó khăn trước mắt.
Ủy viên Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Thân. Ảnh: Media Quốc hội
Ủy viên Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Thân ủng hộ Quốc hội cho phép gia hạn gói nợ của Vietnam Airlines vì đây là "con đẻ của quốc gia, thương hiệu quốc gia". Song, dẫn số liệu hãng hàng không Vietjet sau kiểm toán báo lãi 600 tỷ đồng, ông hỏi: "Chúng ta phải nghĩ, tìm hiểu nguyên tắc tại sao Vietnam Airlines cứ lỗ, trước hay trong Covid-19 đều lỗ".
Ông đặt câu hỏi giả sử sau khi được hỗ trợ, "hãng vẫn báo lỗ thì sao?". Theo ông, Chính phủ phải tìm ra giải pháp căn cơ, thấu đáo bởi hãng báo lỗ, Nhà nước lấy tiền ra hỗ trợ lại lỗ tiếp "thì nguy hiểm". Ông đề nghị hãng hàng không quốc gia tinh giản biên chế, cơ cấu lại tổ chức để tránh các hệ lụy về sau.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Phó đoàn Hòa Bình) đồng tình với đề xuất của Chính phủ cần có giải pháp tháo gỡ, song nữ đại biểu nhìn nhận đây chỉ là giải pháp ngắn hạn giúp Vietnam Airlines tạm thời có dòng tiền để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Bà cho rằng tái cơ cấu nguồn vốn, tài chính; tăng vốn điều lệ; thoái vốn tại các doanh nghiệp thành viên mới là giải pháp căn cơ xử lý âm vốn chủ sở hữu.
Nhắc lại về đề án tổng thế phục hồi và phát triển bền vững Vietnam Airlines được Chính phủ xây dựng từ năm 2021, bà Ngọc băn khoăn khi "đến nay vẫn chưa được phê duyệt". Bà đề nghị Chính phủ làm rõ vướng mắc để sớm ban hành nội dung này.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho biết từ năm 2021, đại dịch phức tạp khiến Vietnam Airlines lỗ trên 11.800 tỷ đồng, năm 2022 lỗ 8.841 tỷ và năm 2023 tiếp tục lỗ gần 4.800 tỷ. Tính cả 2020, hãng đã qua 4 năm lỗ trên 32.000 tỷ. So với vốn chủ sở hữu khoảng 22.000 tỷ thì Vietnam Airlines âm trên 8.000 tỷ.
"Với tình hình này, nếu chúng ta không cho Việt Nam Airlines gia hạn nợ thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình thanh khoản, đến khả năng duy trì hoạt động cũng như có khả năng phá sản", đại biểu Ngân lo ngại.
Theo ông Ngân, Chính phủ cần có giải pháp căn cơ để đảm bảo sự phát triển bền vững của Vietnam Airlines thời gian tới. Theo đó, ông đề xuất giảm nợ ngắn hạn bằng cách tăng vốn chủ sở hữu thông qua phát hành cổ phiếu.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Media Quốc hội
Ông Ngân cho biết vốn hóa của Vietnam Airlines đã lên tới 3 tỷ USD. Việc phát hành cổ phiếu ở thời điểm này rất thuận lợi khi giá cổ phiếu của hãng là 34.350 đồng, tức gấp 3 lần mệnh giá. Bên cạnh đó, ông đề xuất cho phép hãng hàng không quốc gia phát hành trái phiếu doanh nghiệp để thay thế nguồn vốn ngắn hạn hiện nay.
Thẩm tra về nội dung này trước đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn về khả năng trả nợ của Vietnam Airlines. Chính phủ cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng các giải pháp, phương án xử lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ cho Vietnam Airlines, bao gồm cả nguồn từ khoản vay tái cấp vốn nếu được Quốc hội đồng ý gia hạn trả nợ đối với khoản vay này.
Để bảo đảm tính công khai, minh bạch giữa các cổ đông Vietnam Airlines và với các doanh nghiệp khác trong ngành hàng không, cơ quan thẩm tra đề nghị chỉ xem xét khoản vay tái cấp vốn là khoản hỗ trợ tạm thời của nhà nước với doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối.
Năm nay, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu công ty mẹ ở mức 80.984 tỷ đồng, thu hợp nhất 105.946 tỷ đồng. Đây đều là các mức cao nhất từ trước đến nay của hãng bay này. Thời điểm đạt đỉnh doanh thu năm 2019, công ty cũng chỉ ghi nhận nguồn thu khoảng 72.980 tỷ đồng và hợp nhất 99.099 tỷ.
Hãng hàng không quốc gia lên kế hoạch thoái vốn tại Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) trong năm nay, giúp mang về nguồn thu khoảng 1.700 tỷ đồng. Nhờ thương vụ này và lợi nhuận các công ty con khác cải thiện, hãng đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trên 4.230 tỷ đồng.
Tại đại hội cổ đông thường niên ngày 21/6, Vietnam Airlines (mã: HVN) công bố doanh thu hợp nhất năm 2023 hơn 93 nghìn tỷ. Mục tiêu lớn nhất của hãng là giảm lỗ còn lại, tiến tới cân đối được thu chi trong năm 2024
Nguồn: [Link nguồn]