Vì sao Nhà máy in tiền Quốc gia báo lỗ ròng hơn 11 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019?

Liên tục tăng trưởng về lợi nhuận qua các năm, Nhà máy in tiền Quốc gia bất ngờ báo lỗ hơn 11 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019.

Nhà máy in tiền Quốc gia (trực thuộc Ngân hàng Nhà nước) vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng năm 2019 và báo cáo tài chính năm 2018.

Tại báo cáo tài chính năm 2018, Nhà máy in tiền Quốc gia ghi nhận 2.337 tỷ đồng doanh thu, tăng 11% so với năm 2017.

Vì sao Nhà máy in tiền Quốc gia báo lỗ ròng hơn 11 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019? - 1

Tương ứng, giá vốn hàng bán tăng từ 1.980 tỷ đồng lên 2.234 tỷ. Giá vốn tăng nhanh hơn doanh thu khiến lợi nhuận gộp của Nhà máy in tiền Quốc gia giảm 23% xuống còn 102 tỷ đồng (năm 2017 đạt 132 tỷ đồng).

Điểm sáng đến từ hoạt động tài chính với doanh thu tăng 10 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong khi đó chi phí tài chính lại giảm gần 2/3 so với năm 2017.

Chưa kể, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm từ 67 tỷ xuống chỉ còn hơn 62 tỷ. Ngược lại, chi phí bán hàng tăng nhẹ song khoản mục chi phí này chỉ vào khoảng 200 triệu nên không tác động quá lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Kết thúc năm 2018, Nhà máy in tiền Quốc gia đạt 63,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 14% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế đạt 51 tỷ đồng, tăng 15% và cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. Năm 2013, Nhà máy in tiền Quốc gia lãi ròng 21 tỷ đồng; 25,4 tỷ đồng lãi ròng ghi nhận vào năm 2014; 23,5 tỷ đồng năm 2015; 42 tỷ đồng năm 2016 và năm 2017 là 44,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau thời kỳ dài tăng trưởng đều, tình hình kinh doanh của Nhà máy in tiền Quốc gia lại bất ngờ đi xuống trong nửa đầu năm 2019.

Vì sao Nhà máy in tiền Quốc gia báo lỗ ròng hơn 11 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019? - 2

Theo đó, doanh thu nửa đầu năm nay của nhà máy in tiền Quốc gia ở mức 906 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi gần 887 tỷ đồng giá vốn, lợi nhuận gộp của Nhà máy in tiền chỉ còn gần 20,3 tỷ đồng, chỉ bằng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng kỳ năm nay, doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm từ 17 tỷ xuống chỉ còn 10 tỷ đồng, chi phí tài chính giảm một nửa.

Trái ngược với đà giảm của doanh thu, chi phí quản lý doanh nghiệp kỳ này lại “phình to” từ mức 29 tỷ lên 32 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ nên kết thúc nửa đầu năm 2019, Nhà máy in tiền Quốc gia chịu lỗ trước thuế 6,3 tỷ đồng. Sau khi trừ đi thuế, mức lỗ sau thuế tăng gần gấp đôi lên gần 11,2 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 30/6/2019, tổng tài sản của Nhà máy in tiền quốc gia là 2.266 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,7% so với hồi đầu năm. Phần lớn tài sản tập trung ở hàng tồn kho với 950 tỷ đồng (tăng hơn gấp đôi cùng kỳ); tài sản cố định với 548 tỷ đồng và tiền cùng các khoản tương đương tiền với 331 tỷ đồng (giảm 1,3 lần so với nửa đầu năm 2018).

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của nhà máy đến hết ngày 30/6/2019 ở mức 1.907 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,6% so với đầu năm. Đồng thời, nợ phải trả tăng thêm 50 tỷ, lên 359 tỷ đồng.

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh nửa đầu năm nay âm “nặng” 438 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước. “Sóng” tiền thuần trong kỳ cũng vì thế âm 439 tỷ, cùng kỳ năm trước chỉ âm 214 tỷ đồng.

Vì sao Nhà máy in tiền Quốc gia báo lỗ ròng hơn 11 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019? - 3

Nhà máy in tiền quốc gia là doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Ngành nghề kinh doanh chính của nhà máy là in, đúc tiền, sản xuất vàng miếng, vật phẩm, lưu niệm bằng vàng và các loại giấy tờ có giá theo kế hoạch được giao của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Trước đó, trong báo cáo chế độ, tiền lương, tiền thưởng gần đây của Nhà máy in tiền Quốc gia cho thấy, năm 2018, số lượng lao động kế hoạch của Nhà máy in tiền Quốc gia là 794 người, tuy nhiên tổng số lao động sử dụng bình quân là 791 người. Trong năm 2019, dự kiến lao động khoảng 794 lao động.

Đáng chú ý, mức thu nhập bình quân của người lao động là trên 19 triệu đồng/người/tháng.

Vì sao Nhà máy in tiền Quốc gia báo lỗ ròng hơn 11 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019? - 4

Trong năm 2018, số lượng người quản lý thực hiện bằng số lượng người quản lý theo kế hoạch của doanh nghiệp là 12 người, với thu nhập bình quân mỗi tháng gần 39,5 triệu đồng, tăng gần 3 triệu đồng so với năm trước.

Trong đó, mức thu nhập cao nhất thuộc về ông Nguyễn Văn Toản, Chủ tịch HĐTV Nhà máy in tiền Quốc gia, với 47,32 triệu đồng/tháng, bình quân cả năm là 567,84 triệu đồng. Đứng vị trí thứ 2 là ông Trần Văn Tiến với thu nhập bình quân gần 45,8 triệu đồng/tháng. Ông Tiến chính là Tổng giám đốc Nhà máy in tiền Quốc gia

Trong 12 người quản lý, 10 người có thu nhập trên 41 triệu đồng, 1 các nhân thu nhập trên 38 triệu là kế toán trưởng. Thu nhập bình quân thấp nhất 11 triệu đồng với chức vụ kiểm soát viên không chuyên trách.

Như vậy, tổng thu nhập bình quân của 12 người trong bộ máy quản lý là trên 430 triệu đồng/tháng.

Chủ tịch Nhà máy in tiền Quốc gia Nguyễn Văn Toản thu nhập trên nửa tỷ đồng/năm

Năm 2018, tổng thu nhập bình quân của 12 cán bộ trong bộ máy quản lý Nhà máy in tiền Quốc gia trên 430 triệu đồng/tháng,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyên Phương ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN