Vì sao Intel, LG không chọn Việt Nam để đầu tư tiếp dự án tỷ USD?
Các tập đoàn nước ngoài như Intel, LG,... đến Việt Nam khảo sát đầu tư, nhưng rồi lại quyết định rót tiền đầu tư các dự án tỷ USD tại quốc gia khác.
Tại tờ trình dự thảo nghị định thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) thống kê, thời gian qua, có nhiều tập đoàn lớn đã đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư tại Việt Nam, nhưng cuối cùng đã chuyển sang quốc gia khác.
Theo Bộ KH-ĐT, hiện các quốc gia tập trung thu hút vào lĩnh vực công nghệ cao nói chung, trong đó có các lĩnh vực là xu hướng của thế giới như chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI).
Nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, các quốc gia châu Âu hay thậm chí các quốc gia láng giềng như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan,... đều có các chính sách hỗ trợ đa dạng và hấp dẫn, với việc áp dụng song song các chính sách ưu đãi trên thu nhập (miễn, giảm thuế) và ưu đãi dựa trên chi phí với các gói hỗ trợ có thể lên đến nhiều tỷ USD.
Intel khảo sát đầu tư dự án sản xuất chip vốn đầu tư 3,3 tỷ USD tại Việt Nam nhưng sau đó chuyển sang Ba Lan. Ảnh: Intel Products Việt Nam
Nhờ sự phản ứng nhanh trong việc đổi mới chính sách, các quốc gia này, đặc biệt là các quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, đã thu hút được những dự án rất lớn trong lĩnh vực công nghệ cao.
Trong khi đó, Bộ KH-ĐT lưu ý: Tại Việt Nam, mặc dù thu hút đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng qua các năm gần đây, nhưng số lượng các dự án quy mô vốn đầu tư lớn với hàm lượng công nghệ cao còn khiêm tốn.
Việc mở rộng của một số dự án công nghệ cao cũng có dấu hiệu tạm ngừng, một số doanh nghiệp đã thông báo chính thức về việc đang tạm dừng kế hoạch đầu tư mới, mở rộng tại Việt Nam (LG, Samsung, Intel).
Ngoài ra, một số tập đoàn lớn đã đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư, nhưng không lựa chọn Việt Nam hoặc lựa chọn chờ đợi nhằm theo dõi phản ứng chính sách của Việt Nam.
Nổi bật là LG Chemical đề xuất dự án sản xuất pin với đề nghị Việt Nam hỗ trợ 30% chi phí sản xuất (tiền mặt), sau đó chuyển sang Indonesia. Intel đề xuất dự án sản xuất chip vốn đầu tư 3,3 tỷ USD, đề xuất Việt Nam hỗ trợ 15% tiền mặt, sau đó chuyển sang Ba Lan. Tập đoàn bán dẫn AT&S của Áo đã khảo sát, dự kiến đầu tư, nhưng Việt Nam không đáp ứng được về hỗ trợ theo chi phí và lao động công nghệ cao có sẵn, nên đã chuyển sang Malaysia.
Ngoài ra, một số dự án công nghệ cao có quy mô lớn cũng chững lại, chờ đợi chính sách mới của Việt Nam. Điển hình là Samsung cho biết sẽ dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang Ấn Độ, LG đang tạm dừng kế hoạch đầu tư mới sản xuất thiết bị điện tử trị giá 5 tỷ USD, SMC (Nhật) đang xem xét đầu tư 500 triệu - 1 tỷ USD tại Đồng Nai.
Trong bối cảnh như trên, Bộ KH-ĐT cho rằng: Việt Nam cần đưa ra chính sách hỗ trợ đầu tư mang tính đột phá, chọn lọc cao nhằm đảm bảo vị thế cạnh tranh, đặc biệt giữ chân và thu hút các doanh nghiệp đại bàng với chuỗi cung ứng và mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh lớn, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội.
Chính sách này không nhằm bù đắp cho các nhà đầu tư thuộc phạm vi thuế tối thiểu toàn cầu, mà để khuyến khích tất cả doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí thuộc lĩnh vực đầu tư ưu tiên, đồng thời thể hiện tinh thần “thiện chí đồng hành” của Chính phủ Việt Nam đối với các nhà đầu tư trong bối cảnh tình hình quốc tế thay đổi.
"Với mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài đầy tham vọng (giai đoạn 2021-2025 khoảng 150-200 tỷ USD, 30-40 tỷ USD/năm; giai đoạn 2026-2030 khoảng 200-300 tỷ USD, 40-50 tỷ USD/năm), và trong bối cảnh quốc tế cạnh tranh gay gắt như hiện tại, việc đưa ra chính sách hỗ trợ đầu tư mới ở thời điểm này là vô cùng cấp thiết", Bộ KH-ĐT nêu quan điểm.
Không phải ai cũng biết những địa danh nào được in trên các đồng tiền mà mình tiêu mỗi ngày.
Nguồn: [Link nguồn]