Vì sao 'gã khổng lồ' Shopee ngập ngụa trong thua lỗ?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Shopee là nền tảng thương mại điện tử có gần 85 triệu lượt truy cập web mỗi tháng. Tuy nhiên, Shopee đang lỗ lũy kế lên đến hơn 7.500 tỷ đồng. Hết năm 2021, vốn chủ sở hữu của công ty này âm hơn 2.200 tỷ đồng.

Ngập ngụa vì nợ nần

Xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ năm 2015 nhưng tới ngày 8/8/2016, Công ty TNHH Shopee mới chính thức ra mắt. Mô hình ban đầu được công ty này áp dụng là C2C Marketplace - trung gian trong quy trình mua bán giữa các cá nhân với nhau. Sau đó, Shopee Việt Nam mở rộng sang mảng B2C - doanh nghiệp đến người tiêu dùng.

Thống kê của iPrice cho thấy, trong quý IV/2021, Shopee là nền tảng thương mại điện tử dẫn đầu Việt Nam với gần 90 triệu lượt truy cập web mỗi tháng. Đáng chú ý, lượng truy cập của sàn thương mại điện tử đứng sau là Tiki, Lazada và Sendo cộng lại chưa bằng một nửa lượng truy cập của Shopee.

Doanh thu lớn nhưng Shopee đang thua lỗ nặng.

Doanh thu lớn nhưng Shopee đang thua lỗ nặng.

Đến quý I/2021, Shopee còn gần 85 triệu lượt truy cập website mỗi tháng nhưng vẫn nhiều gấp 2,6 lần tổng lượng truy cập của 2 là Lazada và Tiki.

Tại Việt Nam, Shopee hiện diện ở mọi ngóc ngách của lĩnh vực thương mại điện tử. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Shopee lại chìm trong thua lỗ.

Ra mắt chính thức năm 2016 nhưng trong năm 2017 và 2018, Shopee Việt Nam không phát sinh doanh thu từ hoạt động kinh doanh. Kéo theo đó, số lỗ của công ty tăng từ hơn 600 tỷ đồng vào năm 2017 lên gần 2.000 tỷ đồng năm 2018 tương đương 207%.

Shopee bắt đầu ghi nhận lợi nhuận từ năm 2019, đạt hơn 800 tỷ đồng do thu phí người dùng, nhưng tính tới ngày 31/12/2019, Shopee lỗ hơn 2.400 tỷ đồng.

Theo báo cáo tình hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Bộ Tài chính, năm 2020 doanh thu của Shopee đạt hơn 2.300 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2020, tổng tài sản của Shopee đạt hơn 3.400 tỷ đồng, tăng gần 1.800 tỷ đồng so với năm 2019. Tuy nhiên, số nợ phải trả của công ty này lên tới gần 5.000 tỷ đồng, tăng hơn 200% so với năm trước, trong đó nợ ngắn hạn chiếm tỷ lệ gần 100%.

Điều này khiến vốn chủ sở hữu của Shopee đã âm gần 1.500 tỷ đồng. Lỗ lũy kế lên tới hơn 6.700 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2019. Năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Shopee âm hơn 1.600 tỷ đồng. Doanh nghiệp này chỉ nộp ngân sách nhà nước 48 tỷ đồng trong năm 2020.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính không đánh giá cao khả năng thanh toán ngắn hạn và thanh toán nhanh của Shopee khi cùng ở mức 0,64 lần. “Khả năng thanh toán của Shopee thấp và có thể gặp rủi ro tài chính khi thanh toán các khoản nợ đến hạn do tài sản ngắn hạn thấp hơn nợ phải trả ngắn hạn”, báo cáo của Bộ Tài chính nêu.

Năm 2021, doanh thu thuần của Shopee Việt Nam là gần gần 5.700 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần con số của năm 2020 và gấp 7 lần năm 2019. Tuy nhiên, cùng với doanh thu tăng, khoản lỗ ghi nhận hàng năm của nền tảng này có xu hướng giảm.

Cụ thể, năm 2019, Shopee ghi nhận khoản lỗ hơn 2.400 tỷ đồng, đến năm 2020 là 1.600 tỷ đồng và năm 2021 là gần 800 tỷ đồng. Tại 31/12/2021, lỗ lũy kế của Shopee Việt Nam đã lên đến hơn 7.500 tỷ đồng. Hết năm 2021, vốn chủ sở hữu của công ty này âm hơn 2.200 tỷ đồng.

Không riêng Shopee, thua lỗ là tình trạng chung của hầu hết các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam.

Không riêng Shopee, thua lỗ là tình trạng chung của hầu hết các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam.

Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia tài chính Lê Chương Bảo - Công ty GIBB - nói rằng, không riêng Shopee, thua lỗ là tình trạng chung của hầu hết các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam. Bởi thương mại điện tử vốn được coi là cuộc đua đốt tiền của các nền tảng.

Phân tích kỹ hơn về trường hợp của Shopee, ông Bảo nói mọi thứ quá rõ khi nhìn vào chi phí bán hàng của Shopee Việt Nam. Năm 2020, chi phí bán hàng của công ty này gấp 1,6 lần lợi nhuận gộp. Ở năm 2019, chi phí bán hàng gấp đến 5 lần lợi nhuận gộp.

Thông điệp 1.000 từ và biện pháp cắt giảm chi phí

Công ty TNHH Shopee là công ty con của Sea Limited - một "gã khổng lồ" thương mại điện tử có trụ sở tại Singapore. Hiện tại, Sea Limited đang đối mặt với triển vọng huy động vốn ảm đạm do thị trường biến động.

Theo Bloomberg, Sea Limited đã mất khoảng 170 tỷ USD giá trị thị trường trong vòng một năm qua, điều này trái ngược hẳn với thời điểm tháng 9/2021 - khi Sea Limited thu về 6 tỷ USD thông qua đợt bán cổ phần và trái phiếu chuyển đổi trong vòng gọi vốn được xem là lớn nhất Đông Nam Á.

Trong quý II/2022, Sea Limited lỗ ròng hơn 930 triệu USD, gấp đôi mức lỗ của cùng kỳ, dù mảng thương mại điện tử Shopee cải thiện đáng kể. Khoản lỗ này cũng bao gồm việc ghi giảm giá trị gần 180 triệu USD từ các thương vụ thâu tóm trước đó vì giá thị trường thấp hơn và việc chi trả thù lao bằng cổ phiếu.

Hôm 15/9, trong một thông điệp dài 1.000 từ gửi cho nhân viên, ông Forrest Li - nhà sáng lập, Chủ tịch và CEO Shopee - đã nêu ra các biện pháp cắt giảm chi phí mạnh mẽ sẽ được triển khai trong 12-18 tháng tới.

“Đây là thời kỳ khó khăn, khi các quốc gia mở cửa trở lại sau đại dịch, người dùng thay đổi thói quen chi tiêu. Vì thế, hoạt động kinh doanh của chúng ta đã không còn được bùng nổ như trước nữa. Sau đó, thế giới lại phải hứng chịu một loạt đòn kinh tế vĩ mô, từ xung đột ở châu Âu, sự gián đoạn chuỗi cung ứng khổng lồ đến việc lạm phát tăng vọt và tăng trưởng kinh tế chậm lại”, ông Forrest Li mở đầu bức thư.

CEO Shopee thừa nhận rằng tình hình này có thể sẽ tồn tại trong trung hạn. Mục tiêu số một của công ty trong 12-18 tháng tới là đạt được khả năng tự cung tự cấp, đồng nghĩa với việc đạt được dòng tiền dương càng sớm càng tốt.

Shopee đang cắt giảm chi phí và nhân viên.

Shopee đang cắt giảm chi phí và nhân viên.

Để đạt được điều này, ông Forrest Li nói rằng, toàn thể Sea Limited cần làm hai điều. Trước mắt, phải tìm mọi cách để giảm chi phí hoạt động. Về lâu dài, phải thiết lập văn hóa nhạy cảm với chi phí trong toàn tổ chức. Trước đây, công ty đã tập trung ưu tiên tăng trưởng và đôi khi là tăng trưởng bằng mọi giá. Bây giờ các điều kiện đã thay đổi nên cũng phải thích ứng. Cần ưu tiên kiểm tra chi phí, không chỉ riêng với công ty, mà trong toàn ngành.

Các biện pháp mà Sea Limited sẽ áp dụng trên toàn cầu, gồm giới hạn các chuyến bay công tác ở hạng phổ thông và chi phí lưu trú khách sạn ở mức 150 USD/đêm, giới hạn chi phí bữa ăn khi đi công tác quốc tế xuống 30 USD/ngày, không hoàn trả các bữa ăn hoặc giải trí bên trong hoặc bên ngoài, đối với di chuyển bằng ôtô thì chọn dịch vụ đặt xe hoặc taxi địa phương tiết kiệm nhất.

“Những quy định mới này sẽ áp dụng cho mọi nhân viên và toàn bộ đội ngũ lãnh đạo, bao gồm cả tôi. Ngoài ra, ban lãnh đạo sẽ không nhận bất kỳ khoản thù lao nào cho đến khi công ty đạt được khả năng tự cung tự cấp”, ông Forrest Li viết.

Thị trường chứng khoán thổi bay 9.000 tỷ USD tài sản của người Mỹ

Cơn bão sụt giảm trên thị trường chứng khoán đã quét sạch hơn 9 nghìn tỷ USD tài sản của các hộ gia đình ở Mỹ, làm dấy lên quan ngại về nhiều hệ luỵ kinh tế xuất phát...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Quang ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN