Vì sao doanh nghiệp Việt thích vay ngân hàng, ngại phát hành trái phiếu?

Quy định mới của Chính phủ với nhiều điểm nới lỏng điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng giúp doanh nghiệp huy động thêm vốn qua kênh này.

Nghị định 163 thay thế Nghị định 90 của Chính phủ quy định về việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp (DN) theo hình thức riêng lẻ trong nước và quốc tế, hiệu lực từ đầu năm nay có nhiều điểm mới, theo hướng nới lỏng điều kiện cho DN.

Huy động vốn dài hạn, lãi suất ổn định

Theo các chuyên gia tài chính, có 2 điểm mới cơ bản của Nghị định 163 so với trước đó là về phát hành riêng lẻ, quy định không giới hạn quyền của tổ chức phát hành, không bắt buộc DN phát hành phải có lãi năm liền trước. Trước đây, DN muốn phát hành trái phiếu phải có lãi. Quy định này được cho là không phù hợp thông lệ quốc tế trong bối cảnh điều kiện vay, tiếp cận vốn ngân hàng của DN ngày càng khó, nhất là DN đang niêm yết trong lĩnh vực tài chính, bất động sản, chứng khoán… cần nhiều vốn lưu động.

TS Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho biết thời gian qua, sự phát triển của thị trường trái phiếu DN còn nhiều hạn chế, chưa thực hiện tốt vai trò là kênh cung cấp vốn cho các DN. Dư nợ thị trường trái phiếu DN ước khoảng 7% GDP, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của các nước trong khu vực (21%). Điều này khiến cho việc cung ứng vốn dài hạn cho nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều thách thức và rủi ro mất cân đối kỳ hạn nguồn vốn của khu vực ngân hàng cũng gia tăng hơn.

Do đó, các chuyên gia cho rằng việc nới lỏng quy định về phát hành trái phiếu DN sẽ kích thích thị trường này sôi động hơn, nhất là các DN quy mô vừa, nhỏ. Hiện một số DN niêm yết đã thông báo việc phát hành trái phiếu DN để huy động vốn.

Trên thực tế, huy động vốn qua kênh trái phiếu đã được một số DN lớn triển khai thời gian qua và đạt hiệu quả nhờ mức lãi suất ổn định trong thời gian dài. Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho biết từ giữa năm 2018 đến nay đã thu xếp phát hành thành công trái phiếu cho một số DN lớn trị giá hàng ngàn tỉ đồng như REE, PAN, Nam Long... Đầu năm 2019, Công ty CP Cơ Điện Lạnh (REE) đã phát hành thành công đợt huy động vốn trái phiếu trị giá 2.318 tỉ đồng (tương đương 100 triệu USD) với lãi suất cố định 7%/năm, kỳ hạn 10 năm.

Vì sao doanh nghiệp Việt thích vay ngân hàng, ngại phát hành trái phiếu? - 1

Huy động vốn qua phát hành trái phiếu sẽ giúp doanh nghiệp giảm lệ thuộc vào ngân hàng. Ảnh: NLĐ

Ông Nguyễn Ngọc Thái Bình, Giám đốc Tài chính, REE, cho biết việc phát hành trái phiếu thành công giúp tiếp cận thị trường vốn để huy động được nguồn vốn dài hạn với lãi suất cố định, giúp DN đa dạng hóa các phương án và nguồn huy động vốn cho nhu cầu phát triển mở rộng hoạt động kinh doanh.

Trước đó, Công ty CP Tập đoàn PAN cũng phát hành thành công đợt trái phiếu đầu tiên trị giá 1.135 tỉ đồng với lãi suất cố định 6,8%/năm và kỳ hạn 5 năm. Nguồn vốn thu được từ đợt phát hành trái phiếu sẽ giúp công ty thực hiện các kế hoạch của mảng kinh doanh thực phẩm đóng gói, bao gồm hoạt động mua bán, đầu tư vào tài sản cố định, chi phí vốn và mở rộng quy mô hoạt động. Hay Công ty CP Đầu tư Nam Long phát hành thành công đợt trái phiếu trị giá 660 tỉ đồng với lãi suất cố định 6,5%/năm và kỳ hạn 7 năm.

Ông Nirukt Sapru, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á, nhận định việc DN gọi vốn thành công qua phát hành trái phiếu đã góp phần phát triển thị trường vốn trong nước, qua đó khuyến khích thêm nhiều DN tham gia thị trường trái phiếu như một phương án huy động vốn hiệu quả.

Đòi hỏi khắt khe về minh bạch thông tin

Nghị định 163 cũng nêu rõ điều kiện cho DN phát hành trái phiếu với nguyên tắc minh bạch, rõ ràng dựa trên nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và bảo đảm khả năng trả nợ. DN phải đáp ứng các tỉ lệ an toàn tài chính, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành…

TS Bùi Quang Tín, trường Đại học Ngân hàng TP HCM, cho biết dù được nới lỏng điều kiện về lợi nhuận DN nhưng khắt khe hơn về tính minh bạch thông tin, nhất là quy định về xếp hạng tín nhiệm của DN và minh bạch thông tin. Ở nước ngoài, giao dịch đều thông qua tài khoản ngân hàng, cách thức quản lý hệ thống thuế rất minh bạch nên các thông tin dữ liệu rõ ràng sẽ thuận lợi để các tổ chức có đủ thông tin phục vụ cho hoạt động xếp hạng tín nhiệm. Nhưng ở Việt Nam, việc nắm thông tin của DN chỉ thông qua các báo cáo của DN cho cơ quan nhà nước, lại không đầy đủ nên nếu dùng cho hoạt động xếp hạng tín nhiệm khó chính xác.

Chuyên gia tài chính chứng khoán Phan Dũng Khánh cũng cho rằng về nguyên tắc, quy định phát hành trái phiếu được nới lỏng so với trước là điều tốt, tạo thuận lợi hơn cho DN. Có điều, trái phiếu không hấp dẫn nhà đầu tư cá nhân khi cổ phiếu trên sàn vẫn dễ bán hơn trái phiếu… Còn lại, với các tổ chức, các DN muốn phát hành trái phiếu phải lệ thuộc vào việc hoàn chỉnh các điều kiện, trong đó cần phải có ý kiến từ Ủy ban chứng khoán, đặc biệt là phải có đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu bảo lãnh.

"Lâu nay, những DN phát hành thành công trái phiếu thường là DN có uy tín, có lãi và được các tổ chức quan tâm, chứ các DN nhỏ và không niêm yết chính thức, báo cáo tài chính không minh bạch thì khó "có cửa" để phát hành trái phiếu dù điều kiện có nới lỏng" - ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Evererst, nhận định.

Một số ngân hàng thương mại trong nước gần đây cũng tập trung vào phân khúc hỗ trợ khách hàng DN phát hành trái phiếu. Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), cho biết cùng với định hướng của Ngân hàng Nhà nước về phát triển trái phiếu DN hướng tới mục tiêu đạt 20%GDP Việt Nam đến năm 2030, Techcombank đã tư vấn phát hành hơn 60.000 tỉ đồng trái phiếu DN (tương đương 2,6 tỉ USD) để đáp ứng nhu cầu vốn của DN lớn trong năm 2018, tăng 82% so với năm trước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Nhung - Thái Phương ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN