Vì sao chưa bỏ room tín dụng?
Do đặc thù nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào kênh tín dụng ngân hàng, nếu không kiểm soát bằng hạn mức sẽ nguy cơ tăng nợ xấu, đe dọa an toàn hệ thống
Sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đang khẩn trương tiến hành các bước để công bố quyết định thanh tra theo đúng quy định liên quan đến điều hành chỉ tiêu, hạn mức tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm 2022 và 2023. Thực tế, việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng đã được NHNN thực hiện hơn chục năm qua. Vì sao đến giờ chưa hạn chế và tiến tới xóa bỏ?
Chia lại "miếng bánh" tín dụng
Số liệu của NHNN đến gần cuối tháng 11-2023, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống mới đạt 8,21%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu được định hướng từ đầu năm là khoảng 14%-15%. Tuy vậy, trong bối cảnh đó vẫn có một số NH đã sử dụng hết hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng được cấp nên đã kiến nghị nới room để đáp ứng nhu cầu vay vốn thường tăng vào cuối năm.
NHNN sau đó đã thừa nhận mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống không đồng đều, một số tổ chức tín dụng tăng trưởng khá cao, số khác lại tăng trưởng thấp, thậm chí âm. Để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu vốn cho quá trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế, cơ quan này quyết định điều hòa room tín dụng trong toàn hệ thống từ nơi không sử dụng hết sang nơi cần. NHNN khẳng định việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động, các tổ chức tín dụng không cần thiết phải đề nghị hoặc xin bổ sung.
Nền kinh tế vẫn đang phụ thuộc nhiều vào vốn tín dụng để phục vụ sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng. Ảnh: TẤN THẠNH
Trước đó, hồi tháng 7, NHNN đã phân bổ hạn mức tín dụng cho toàn hệ thống với tổng mức tăng trưởng 14,5% so với mức 11% được giao hồi tháng 2.
Sau động thái chia lại "miếng bánh" tín dụng, một số ý kiến cho rằng vì sao NHNN không bỏ công cụ điều tiết tăng trưởng tín dụng bằng room như các nước? Bởi, việc phân giao hạn mức tín dụng thời gian qua của NHNN chưa thực sự khoa học, kịp thời và hiệu quả.
Thực tế, giai đoạn cuối năm 2022, khi nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế tăng cao, nhiều doanh nghiệp (DN) và cá nhân xếp hàng chờ được giải ngân vốn tín dụng nhưng một NH thương mại hết room cho vay. Không ít dự án của DN vì thiếu vốn tín dụng hoặc giải ngân chưa như kỳ vọng, cam kết trong hợp đồng tín dụng mà bị ảnh hưởng tiến độ, ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Một chuyên gia tài chính phân tích nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của khách hàng cá nhân và DN. Khi kinh tế khởi sắc, nhu cầu vay vốn rất cao; ngược lại khi kinh tế khó khăn, dù lãi suất giảm, DN cũng không muốn vay. Trong khi đó, hạn mức tăng trưởng tín dụng lại được định hướng thường xuyên trong khoảng 14%-15% hằng năm là chưa thật sự khoa học, linh hoạt.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động bên lề cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Phó Tổng TTCP Bùi Ngọc Lam cho biết cơ quan này đang khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của NHNN trong điều hành tăng trưởng tín dụng; xây dựng, giao, điều hành chỉ tiêu, hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 và 2023; công tác quản lý, giám sát việc thực hiện tăng trưởng tín dụng. Kết quả thanh tra sẽ được báo cáo Chính phủ trong tháng 1-2024.
NHNN cũng được yêu cầu rút kinh nghiệm việc điều hành tăng trưởng tín dụng chậm năm 2022; khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực đến thời điểm hiện tại để có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023 kịp thời, hiệu quả, khả thi; bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống; tuyệt đối không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm…
Khó bỏ hạn mức tín dụng
Trong báo cáo trả lời Quốc hội mới đây, NHNN đã đưa ra những lý do chưa thể hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng. Bởi, áp lực lạm phát dù đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
"Việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng nhằm bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống NH, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô. Việc dỡ bỏ biện pháp này cần được tiếp cận một cách thận trọng, bảo đảm đồng bộ các điều kiện cần thiết và từng bước thực hiện phù hợp với điều kiện thị trường" - đại diện NHNN nói.
Đặc thù nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào kênh tín dụng NH để cung ứng vốn cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng nên tỉ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện ở mức cao, tiềm ẩn rủi ro bất ổn vĩ mô. "Nếu tổ chức tín dụng tự tăng trưởng tín dụng mà không có biện pháp kiểm soát thông qua cả hệ thống, các chỉ tiêu an toàn hoạt động và hạn mức tăng trưởng tín dụng… hệ thống có thể quay lại tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng như giai đoạn trước năm 2011. Không chỉ tạo nợ xấu gia tăng, đe dọa sự an toàn của hệ thống NH mà còn rủi ro gây bất ổn vĩ mô chung cho nền kinh tế, rủi ro lạm phát" - NHNN giải thích thêm.
Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành cũng nhận định trong bối cảnh hiện tại vẫn cần phải duy trì công cụ phân bổ tăng trưởng tín dụng bởi nền kinh tế đang phụ thuộc nhiều vào vốn tín dụng NH. Phải 2-3 năm tới, khi thị trường vốn, tài chính phát triển, chia sẻ với vốn tín dụng mới có thể tính tới bỏ room tín dụng. Trong tương lai, thị trường vốn phát triển, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam sẽ xuống dưới 10%, không còn 13%-15% như hiện nay.
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cũng cho rằng room tín dụng là một công cụ cần thiết để NHNN giám sát mức cung tiền ra thị trường, nhất là trong bối cảnh hiện tại. Nếu không, một vài NH thương mại có thể cho vay vượt hạn mức đối với một số khách hàng, rồi sẵn sàng huy động vốn với lãi suất cao để có nguồn cho vay.
Việc này gây ra những hệ lụy và rủi ro lớn cho cả hệ thống tổ chức tín dụng và nền kinh tế. Do đó, việc giữ room tín dụng trong chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là cần thiết.
Tín dụng bắt đầu phục hồi
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Maybank, nhận định tốc độ tăng trưởng tín dụng đã có sự phục hồi trong 3 tháng liên tiếp gần đây. Cho vay phát triển bất động sản đóng góp nhiều nhất vào mức độ tăng trưởng, tiếp theo là cho vay sản xuất tập trung vào DN lớn và DN nước ngoài. Riêng cho vay cá nhân mua bất động sản năm nay tăng trưởng kém do lãi suất cao ảnh hưởng đến nhu cầu vay trong suốt 10 tháng của năm 2023.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngân hàng Nhà nước đã cấp hạn mức (room) tín dụng đợt 1 cho nhiều ngân hàng thương mại trong năm 2023, trong đó mức cao nhất tính đến thời điểm này thuộc về MSB với 13,5%.