Vi phạm xây dựng, kinh doanh bất động sản phạt kịch khung 1 tỷ đồng
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường thanh tra các dự án năm 2022 và nhiều quy định mức trong xử phạt các hành vi vi phạm lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản,... trong đó phạt kịch khung lên đến 1 tỷ đồng.
Theo ông Tuấn, với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, Nghị định 16/2022/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng vừa ban hành tăng mức phạt kịch khung 1 tỷ đồng trong kinh doanh bất động sản đảm bảo tính răn đe.
Theo đó, mức phạt lên đến 600 triệu đồng như kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định; thu tiền của bên mua, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng tiến độ thực hiện dự án hoặc thu vượt tỷ lệ phần trăm giá trị hợp đồng theo quy định.
"Đặc biệt tăng mức phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng đối với một số hành vi vi phạm của chủ đầu tư liên quan việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án vi phạm trình tự thủ tục quy định; huy động vốn không đúng quy định; bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn thành đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ trong dự án đã được phê duyệt hoặc đưa công trình vào khai thác, sử dụng khi chưa đảm bảo kết nối với hạ tầng chung của khu vực...", ông Tuấn nói.
Ngoài ra, ông Tuấn cho biết thêm, về lĩnh vực nhà ở, nhiều hành vi vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư được Thanh tra Bộ đề xuất trong dự thảo nhằm xử lý triệt để vấn đề nóng hiện nay là “om” quỹ bảo trì tại các chung cư
Nghị định số 16/2022/NĐ-CP đã bổ sung 23/26 hành vi vi phạm còn thiếu và tăng mức xử phạt hiện đang áp dụng còn thấp đối với 3/26 hành vi vi phạm về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư với mức xử phạt “kịch khung” số tiền là 300 triệu đồng/hành vi.
Tương tự như chủ đầu tư, nghị định cũng quy định chế tài xử lý đối với Ban quản trị nhà chung cư, Đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư và người sử dụng nhà chung cư trong việc quản lý, sử dụng nhà chung cư.
"Ngoài việc xử phạt bằng tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm hoặc buộc hoàn trả lại chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư khoản tiền chênh lệch (nếu có) do tính sai diện tích….", ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, trong đợt thanh tra vừa qua, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành 18 kết luận thanh tra đối với 18 chủ đầu tư và 17 ban quản trị tại 24 nhà chung cư/cụm nhà chung cư trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư.
Kết luận thanh tra đã buộc 12/18 chủ đầu tư phải thực hiện gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định và quyết toán số liệu để chuyển sang ngay trong vòng 10 ngày cho ban quản trị nhà chung cư, tổng số kinh phí bảo trì là hơn 344,96 tỷ đồng.
Đồng thời buộc chủ đầu tư trả lại ngày trong phạm vi 20 ngày 2.080 m2 diện tích lấn chiếm về cho cư dân (tương đương số tiền khoảng 62,4 tỷ đồng) đối với 5/18 chủ đầu tư do tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung hoặc tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần diện tích không phải để ở trong nhà chung cư có mục đích hỗn hợp (chung cư ít nhất là 25 m2, chung cư nhiều nhất là 1.580 m2).
Thời gian gần đây nhiều tỉnh thành siết phân lô, bán nền; ngân hàng có động thái siết tín dụng bất động sản; lạm phát; đặc biệt là hai lãnh đạo doanh nghiệp bất động...
Nguồn: [Link nguồn]