Vị bộ trưởng quản "túi tiền quốc gia" lo điều gì năm 2019?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận trong điều hành vẫn còn hạn chế, yếu kém cần tiếp tục nghiên cứu khắc phục.
Trả lời báo chí đầu năm mới, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thống kê lại, thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2018 vượt 7,8% so dự toán (đạt hơn 1,422 triệu tỷ đồng), trong đó thu ngân sách Trung ương vượt 4,3%, thu ngân sách địa phương vượt 12,5%.
Theo Bộ trưởng, bội chi ngân sách năm 2018 dưới 3,6%GDP (dự toán là 3,7%GDP); nợ công khoảng 61%GDP.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận trong điều hành vẫn còn hạn chế.
Tuy nhiên, về vướng mắc, ông thẳng thắn: Bên cạnh những kết quả đạt được thì trong điều hành chúng ta vẫn còn hạn chế, yếu kém cần tiếp tục nghiên cứu khắc phục.
Bộ trưởng lấy ví dụ về công tác xây dựng, thể chế chính sách vẫn còn một số trường hợp chưa đảm bảo tiến độ, phải chuyển sang năm sau; công tác quản lý thu ngân sách ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa thực sự quyết liệt, nợ thuế còn lớn.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nhắc tới việc cơ cấu lại đầu tư công chưa chuyển biến rõ nét, giải ngân vốn đầu tư công chậm, hiệu quả đầu tư một số chương trình, dự án thấp hay tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm so yêu cầu đề ra.
Vị tư lệnh ngành tài chính không quên nhắc tới việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật tài chính ở một số đơn vị còn chưa nghiêm, tình trạng chi sai chính sách, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức vẫn còn xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị.
Ông khẳng định: "Trong năm 2019 và các năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Quốc hội có giải pháp và bản thân ngành Tài chính phải quyết liệt triển khai các giải pháp để khắc phục triệt để các yếu kém này".
Tuy nhiên, lo lắng gửi tới Bộ trưởng còn là việc, số thu vượt dự toán năm nay chủ yếu từ các nguồn thu về nhà, đất và dầu thô trong khi 3 khu vực quan trọng khác là khu vực doanh nghiệp Nhà nước, khu vực FDI và khu vực ngoài quốc doanh lại thấp.
Trả lời, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, số thu NSNN từ 3 khu vực kinh tế trên năm 2018 đã có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể: khu vực DNNN tăng 4%; khu vực FDI tăng 8,8%; khu vực ngoài quốc doanh tăng 15,8%. Tính chung cả 3 khu vực tăng khoảng 10%.
"Như vậy, chúng ta thấy rằng thu ngân sách từ khu vực kinh tế khá phù hợp với mức tăng trưởng kinh tế của cả nước tăng khoảng 7,08% và lạm phát tăng khoảng 3,5%, góp phần vào việc nâng cao tính bền vững của NSNN", Bộ trưởng nêu quan điểm.
Tuy vậy, người đứng đầu ngành tài chính cũng thừa nhận, số thu NSNN từ 3 khu vực kinh tế đã không đạt so với dự toán đề ra. Theo ông, ngoài nguyên nhân dự toán thu của các khu vực này được giao ở mức phấn đấu cao để có thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội thì một trong những nguyên nhân chính còn do hoạt động sản xuất kinh doanh của một số lĩnh vực, ngành hàng nhìn chung còn khó khăn.
Ngoài ra, quá trình tái cấu trúc kinh tế, xử lý nợ xấu còn chậm đã tạo áp lực lên thu ngân sách.
Bộ trưởng cũng cho rằng, số không đạt của 3 khu vực này đã được bù do số tăng thu từ dầu thô, nhà, đất vượt dự toán được giao. Do đó, tổng cân đối thu NSNN đã hoàn thành và vượt dự toán được Quốc hội giao.
Đánh thuế người giàu thế nào để tạo sự công bằng xã hội luôn là câu hỏi mà đến nay, câu trả lời vẫn trái chiều...