Vay tiêu dùng dưới 100 triệu theo quy định mới liệu có dễ như 'ăn bánh'?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Từ nay, những khoản vay tiêu dùng có giá trị nhỏ, dưới 100 triệu đồng sẽ không cần phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi mà chỉ cần cam kết sử dụng vốn hợp pháp.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 12/2024, sửa đổi bổ sung Thông tư 39 về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, có hiệu lực thi hành từ 1-7-2024, trong đó quy định những khoản vay dưới 100 triệu đồng sẽ không cần phải có phương án kinh doanh khả thi như trước đây.

Không phải là "lá bùa" để phê duyệt khoản vay tiêu dùng

Chia sẻ với PLO, ông Nguyễn Đức Tuấn, quận Tân Bình, TPHCM cho biết: Quy định này chỉ giúp đơn giản hóa thủ tục vay tiêu dùng hơn một chút thôi, chứ nó không phải là “lá bùa” để khách hàng tiếp cận khoản vay tiêu dùng dễ dàng hơn. Với tư cách là người đi vay tiêu dùng, tôi quan tâm đến lãi suất nhiều hơn là các thủ tục.

Hiện nay, có một số ngân hàng thương mại đang áp dụng lãi suất tiêu dùng chỉ có 10%/năm, song có ngân hàng đẩy lên tới 15% -20%/năm. Riêng với công ty tài chính thì mức lãi suất này có thể bị đẩy lên quanh ngưỡng 35-45%/năm.

"Thực tế để được vay tiêu dùng với lãi suất 10%/năm, đương nhiên khách hàng phải chứng minh được khả năng tài chính tốt, thu nhập cao, điểm tín dụng tốt… Còn nếu không đủ điều kiện để vay tiêu dùng tại các ngân hàng thương mại, khách hàng phải tìm đến các công ty tài chính vay với mức lãi suất ở đây chỉ được xem là thấp hơn so tín dụng đen mà thôi”, ông Tuấn nhận xét.

Đồng quan điểm, ông Phong – nhân viên tín dụng tại một ngân hàng thương mại quốc doanh cho biết thêm: Mặc dù NHNN đã đưa ra quy định, nhưng các nhân viên tín dụng như chúng tôi vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn chi tiết từ lãnh đạo Ban điều hành ngân hàng. Do đó, quy định này vẫn chưa triển khai trên hệ thống, hay nói cách khác nó cần có độ trễ nhất định.

Ông Phong giải thích thêm: "Tương tự như Thông tư 06/2023 của NHNN được ban hành vào đầu tháng 9 năm ngoái, trong đó cho phép người dân vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác, tuy nhiên phải đợi vài tháng sau, Thông tư này mới được triển khai trên thực tế”.

Vay tiêu dùng có dễ thở hơn nhờ Thông tư 12/2024. Ảnh minh họa

Vay tiêu dùng có dễ thở hơn nhờ Thông tư 12/2024. Ảnh minh họa

Đứng từ góc nhìn của ngân hàng thương mại, bà Hoàng Thị Mai Thảo, Phó Tổng Giám đốc SHB nêu quan điểm: Chúng tôi đánh giá sự thay đổi này là phù hợp với nhu cầu của thị trường vì với những khoản vay nhỏ lẻ phục vụ tiêu dùng, khách hàng luôn mong muốn thời gian phục vụ nhanh nhất, thủ tục đơn giản nhất.

Ngoài ra, quy định mới cũng giúp tăng cường quá trình số hóa các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, giảm thiểu các giấy tờ, đẩy mạnh khả năng tiếp cận vốn nhanh chóng cho khách hàng hơn.

"Đặc biệt, SHB đánh giá sự thay đổi này sẽ đóng góp tích cực cho lĩnh vực tiêu dùng bán lẻ và giảm thiểu tình trạng tín dụng đen”, bà Thảo nhấn mạnh.

Vay tiêu dùng chiếm 21% tổng dư nợ nền kinh tế

Bà Nguyễn Linh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN có đánh giá: Việc ban hành Thông tư số 12 nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho tổ chức tín dụng thực hiện các quy định tại Luật tổ chức tín dụng năm 2024. Đồng thời cũng là để phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vay vốn ngân hàng.

Tại Thông tư 12 có hai cái điểm bổ sung quan trọng. Thứ nhất là Thông tư 12 quy định khách hàng phải cung cấp thông tin về người có liên quan khi vay vốn. Quy định này đưa ra để giúp tổ chức tín dụng xác định được giới hạn cấp tín dụng của khách hàng và người có liên quan để từ đó tính toán các trường hợp cần hạn chế cấp tín dụng. Và đây cũng là cơ sở để cho tổ chức tín dụng thu thập thông tin và tính toán các tỉ lệ bảo đảm an toàn.

Thứ hai, đó là với khoản vay có giá trị nhỏ, không vượt quá 100 triệu đồng thì không bắt buộc khách hàng phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi.

“Đây là những điểm mới và điểm thuận lợi nhằm thúc đẩy nhanh hơn quá trình thẩm định và quyết định cho vay vốn. Qua đó, giúp khách hàng tiếp cận khoản vay nhỏ một cách nhanh chóng, thuận tiện và dễ dàng hơn. Từ đó cũng hạn chế được vấn nạn tín dụng đen trên thị trường”, bà Phương nói.

Trao đổi về thắc mắc liệu thay đổi Thông tư 12 có tạo cú hích giúp thúc đẩy tín dụng tiêu dùng hay không, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN khẳng định: Với quy định này chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu vay tiêu dùng. Bởi vì vay tiêu dùng thường là những khoản nhỏ lẻ dưới 100 triệu đồng.

Tốc độ tăng của tín dụng tiêu dùng rất tích cực và bản thân các ngân hàng thương mại cũng chuyển hướng sang cho vay tiêu dùng rất tích cực. Chính vì vậy, cho vay tiêu dùng hiện nay đạt gần 3 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 21% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Nếu như trước đây, các ngân hàng thương mại chủ yếu chỉ tập trung cho vay bán buôn tức là hướng tới những tập đoàn lớn, hoặc những nhu cầu vay để sản xuất kinh doanh. Nhưng hiện nay cũng chuyển hướng sang cho vay tiêu dùng, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, đóng học phí cho con, chi phí tổ chức đám cưới, mua sắm trang thiết bị cho gia đình.

“Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì cũng có những mặt trái cần chấn chỉnh. Theo đó là một số công ty tài chính cho vay tiêu dùng có hình thức đòi nợ không phù hợp hay vấn đề lãi suất còn quá cao…”, Phó Thống đốc nói.

Giúp đẩy mạnh tài chính tiêu dùng trong thời gian tới

Việc ban hành Thông tư 12, sẽ tạo điều kiện cho người dân cũng như doanh nghiệp nhỏ vay vốn sẽ đơn giản hơn, thuận tiện hơn, bớt đi điều kiện mà trước đây NHNN cho là tương đối chặt chẽ.

Tuy nhiên, việc bỏ bớt quy định trong quá trình phê duyệt hồ sơ vay vốn không có nghĩa là nó khiến quy trình phê duyệt khoản vay trở nên lỏng lẻo, mà là để cho phù hợp với yêu cầu của thực tế cũng như giúp đẩy mạnh tài chính tiêu dùng trong thời gian tới.

Song có một điều kiện bất di bất dịch đó là cho dù tổ chức tín dụng cho vay tiêu dùng, hay vay để sản xuất kinh doanh, vay mua nhà... vẫn phải đảm bảo khoản vay đó sẽ thu hồi được vốn, an toàn, lành mạnh.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú

Nguồn: [Link nguồn]

Ngân hàng Nhà nước đang thí điểm giải pháp giám sát các tài khoản thanh toán, ví điện tử nghi ngờ gian lận, giả mạo… để xác định tình huống bất thường hoặc yêu cầu bắt buộc phải xác thực.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THÙY LINH ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN