Vay núi tiền để “sống sót” qua chiến tranh, Ukraine mất bao lâu mới trả hết nợ?
Ủy ban châu Âu đã công bố chi tiết về gói hỗ trợ kinh tế trị giá 18 tỷ euro để giúp Ukraine có thể sống sót đến năm 2023, tuy nhiên đi kèm với đó là quy định thời gian phải trả hết nợ.
Theo kế hoạch, EU sẽ gửi cho Kyiv 1,5 tỷ euro mỗi tháng dưới hình thức cho vay cho đến năm 2023 để hỗ trợ chính phủ Ukraine đối mặt với cuộc tấn công của Nga. Các khoản vay sẽ được trả dần trong 35 năm. EU sẽ vay tiền từ các thị trường toàn cầu và trả lãi cho các khoản vay.
Phó Chủ tịch Ủy ban Valdis Dombrovskis nói với các phóng viên tại Brussels: “Chúng tôi đang đưa ra gói tài chính mới này cho Ukraine vào thời điểm đất nước này đối mặt với nhiều nhu cầu cấp thiết, khi các cuộc tấn công không ngừng của Nga tiếp tục phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng.”
Gói cho vay vẫn sẽ phải được các nước thành viên EU thông qua, tuy nhiên một số nước đã thể hiện thái độ hoài nghi đối với khoản nợ ngày càng tăng của Ukraine. Dombrovskis kêu gọi các nước EU và Nghị viện châu Âu thông qua kế hoạch trước cuối năm để thực hiện các khoản thanh toán đầu tiên kể từ tháng 1 năm sau.
Ông nói: “Cần phải nhanh chóng quyết định, năm 2023 đang đến rất nhanh và nhu cầu tài chính của Ukraine là cấp bách”.
Các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh thường kỳ vào ngày 15-16 tháng 12 để xem xét các biện pháp của năm nay và thảo luận về sự hỗ trợ thêm của khối đối với Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã hối thúc các nhà lãnh đạo phương Tây viện trợ tài chính để quốc gia có thể duy trì nền kinh tế và hoạt động quân sự. Trong một đoạn video gửi tới Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế hồi tháng 10, nhà lãnh đạo nói rằng đất nước của ông sẽ cần 55 tỷ USD vào năm tới để bù đắp thâm hụt ngân sách dự toán và xây dựng lại cơ sở hạ tầng quan trọng trong bối cảnh xung đột với Nga.
Vào tháng 5, Ủy ban EU đã công bố hỗ trợ tài chính vĩ mô cho Ukraine lên tới 9 tỷ Euro, nhưng chính phủ các nước thành viên EU vẫn chưa thể thống nhất về việc tài trợ toàn bộ số tiền này.
Do việc cung cấp viện trợ tài chính vĩ mô chậm, chính phủ Ukraine đã phải sử dụng đến phương pháp tài chính tiền tệ, tự in tiền để hỗ trợ cho hoạt động chiến tranh. Nếu chiến lược này được sử dụng quá nhiều, nó có thể dẫn đến lạm phát cao, khiến chính phủ gặp khó khăn hơn trong việc tài trợ cho chiến tranh.
Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính rằng Kyiv sẽ cần từ 3-4 tỷ euro mỗi tháng trong năm tới do nước này phải vật lộn để duy trì các dịch vụ của chính phủ trong khi chống lại cuộc tấn công của Nga đã chiếm gần 1/5 lãnh thổ của mình.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đưa ra tầm nhìn dài hạn về tái thiết để biến Ukraine trở thành một trung tâm sản xuất công nghiệp và thành viên EU. Giới lãnh đạo Đức và Ukraine đều thống nhất kêu gọi triển khai một kế hoạch trợ giúp Ukraine tương tự như “Kế hoạch Marshall” từng giúp tái thiết Tây Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Nguồn: [Link nguồn]
Các nhà sản xuất dầu của Mỹ đã kiếm được hơn 200 tỷ USD lợi nhuận kể từ khi Nga tấn công Ukraine trong bối cảnh bất ổn địa chính trị đã làm rung chuyển thị trường...