Vay nóng 16 tỉ đồng, trả lãi 20 tỉ vẫn chưa hết nợ
Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen vẫn phức tạp, đặc biệt trong dịch Covid-19, có người vay nóng 16,2 tỉ đồng, trả lãi hơn 20 tỉ đồng nhưng vẫn còn nợ khoảng 11 tỉ đồng…
Ngày 2-12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước, Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an và Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tổ chức hội thảo Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng đen khu vực nông thôn qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg tháng 4-2019, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen. Ngành ngân hàng triển khai nhiều giải pháp nhằm gia tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, đặc biệt là những đối tượng yếu thế trong xã hội.
Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, cho biết tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Tình trạng tạm dừng kinh doanh, kinh doanh không có lãi; nợ lương, mất việc làm, giảm thu nhập khiến nhu cầu vay tiền để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh tăng cao.
Thiếu tướng Trần Ngọc Hà phát biểu tại hội thảo (ảnh chụp qua màn hình trực tuyến)
Đáng lưu ý, các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lợi dụng công nghệ, mạng xã hội để mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên vay tiền. Các đối tượng hoạt động tín dụng lập doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)…
Về thủ đoạn hoạt động tín dụng đen, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà phân tích các đối tượng quảng cáo là không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng… nhưng thực chất thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật (để lách số tiền lãi vượt ngưỡng theo quy định của pháp luật). Họ còn lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống; ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay. Một số hợp đồng vay tiền tuy số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn nhưng lãi suất gấp nhiều lần định mức pháp luật cho phép.
"Như tuần qua, Cục Cảnh sát hình sự đã triệt phá một nhóm đối tượng người gốc Hải Phòng, hoạt động ở TP HCM cho vay nặng lãi. Có một bị hại, người này vay của nhóm đối tượng trên 16,2 tỉ đồng và đã trả trên 20 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn còn nợ khoảng 11 tỉ đồng. Tính ra, lãi suất cho vay cao nhất lên tới 1.700%/năm" - Thiếu tướng Trần Ngọc Hà dẫn chứng.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thừa nhận thực tế một bộ phận người dân cần vay vốn phục vụ các nhu cầu cấp bách hoặc các nhu cầu trái pháp luật, không có khả năng đáp ứng các yêu cầu, điều kiện vay ngân hàng sẽ tìm tới tín dụng đen do các thủ tục vay vốn đơn giản, giải ngân nhanh chóng mà không cần tài sản thế chấp.
Để góp phần hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết ngành ngân hàng sẽ đẩy mạnh triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19, thiên tai, dịch bệnh hoặc khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng. Cụ thể: xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, không phải đi vay nặng lãi từ tín dụng đen. Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ tập trung nguồn lực, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng chính sách, góp phần đẩy lùi tín dụng đen…
Nguồn: [Link nguồn]
Có tới 210 vụ việc do người dân trình báo bị các đối tượng lạ mặt ném chất bẩn vào nhà, gọi điện đe dọa do họ...