Vay 1 tỷ đồng mua nhà, bị ngân hàng ép mua bảo hiểm nhân thọ 25 triệu đồng
Phải tìm đến ngân hàng, thế chấp tài sản để vay tiền mua nhà, thế nhưng vợ chồng chị Thanh lại bị ép mua gói bảo hiểm nhân thọ với mức phí 25 triệu đồng/năm, nợ chồng nợ.
Chị Thanh (SN 1988), quê Thanh Hoá cho biết, hai vợ chồng có mở cửa hàng kinh doanh hải sản tại Hà Nội. Sau 5 năm cày kéo, vợ chồng chị để ra được hơn 1 tỷ đồng và quyết định đi tìm mua nhà để lấy chỗ ở ổn định.
Sau một thời gian tìm hiểu, năm 2020, chị Thanh quyết định mua căn nhà rộng 50m2, đã có sẵn 3 tầng, 1 tum ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội với giá 3,1 tỷ đồng. Dồn hết toàn bộ tiền tiết kiệm, cùng với sự hỗ trợ của gia đình, anh em, vợ chồng chị vẫn còn thiếu khoảng 1 tỷ đồng.
Vay tiền ngân hàng để mua nhà, thế nhưng chị Thanh lại bị ép mua thêm bảo hiểm nhân thọ. (Ảnh minh hoạ).
Anh chị quyết định vay nóng rồi thế chấp chính căn nhà mới mua để vay ngân hàng số tiền 1 tỷ đồng. Sau khi tìm hiểu và làm hồ sơ thế chấp nhà để vay, chị Thanh được nhân viên ngân hàng yêu cầu mua bảo hiểm nhân thọ để quá trình giải ngân diễn ra nhanh hơn.
“Tôi vay 1 tỷ đồng, trả góp trong vòng 15 năm, mỗi tháng phải trả cả gốc lẫn lãi gần 20 triệu đồng. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng đó nói rằng, phải mua một gói bảo hiểm nhân thọ cho cả gia đình, đóng 15 năm, mỗi năm gần 25 triệu đồng thì mới giải ngân được. Do cần tiền quá nên tôi cũng kí, coi như là phí bôi trơn cho nhanh”, chị Thanh nói.
Để có tiền trả các khoản vay, chị Thanh phải tận dụng cả bán online, bán hải sản chế biến để kiếm thêm thu nhập, mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình phải cắt giảm tối đa.
Hơn 1 năm còng lưng gánh nợ ngân hàng, trong khi dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, việc kinh doanh của hai vợ chồng lại không thuận lợi như trước nên chị Thanh gặp không ít khó khăn.
Đến kỳ đóng phí bảo hiểm tiếp theo, chị Thanh mới xem lại hợp đồng bảo hiểm thì thấy nhân viên ngân hàng thiết kế gắn kèm quá nhiều gói bảo hiểm bổ trợ.
Chị Thanh đặt bút kí để mua bảo hiểm nhân thọ vì nghĩ rằng mua xong thì khoản vay của mình sẽ được giải ngân nhanh hơn. (Ảnh minh hoạ).
Cụ thể, gói bảo hiểm chính của chị chỉ khoảng 10 triệu đồng nhưng gói bảo hiểm bổ trợ lên đến gần 15 triệu đồng. Vì thế, sau thời gian đóng phí 15 năm, số tiền chị Thanh thu về chỉ khoảng hơn 150 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu hủy ngang sau khi đóng phí 1 năm thì chị Thanh chỉ nhận về số tiền hơn 1 triệu đồng sau khi khấu trừ các khoản phí.
“Lúc vay tiền, nhân viên ngân hàng nói gì tôi cũng nghe, chỉ mong khoản vay của mình được giải ngân thật nhanh. Sau này, thấy gói bảo hiểm nhân thọ được thiết kế không hợp lý, đồng thời không thể thu xếp 1 tháng gần 45 triệu đồng để vừa trả gốc và lãi khoản vay mua nhà vừa đóng tiền phí bảo hiểm nên tôi phải huỷ ngang hợp đồng bảo hiểm”, chị Thanh cho hay.
Vợ chồng chị Thanh không phải là trường hợp duy nhất bị ép hoặc được tư vấn mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn ngân hàng để mua đất, mua nhà, mua ô tô. Tâm lý người đi vay đều mong muốn nhanh nhận được vốn nên họ sẵn sàng chấp nhận chi thêm vài chục triệu đồng để mua bảo hiểm.
Tuy nhiên, sau khi mua bảo hiểm nhân thọ, vay xong thì họ cũng bỏ luôn gói bảo hiểm đó, coi như mất trắng số tiền vài chục triệu đồng.
Tâm lý người đi vay đều mong muốn nhanh nhận được vốn nên họ sẵn sàng chấp nhận chi thêm vài chục triệu đồng để mua bảo hiểm. (Ảnh minh hoạ).
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã có các quy định nhằm bảo đảm việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, nghiêm cấm việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm ép buộc khách hàng giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Cụ thể: Khoản 4 Điều 10 Luật Kinh doanh bảo hiểm đã nghiêm cấm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ định, yêu cầu, ép buộc, ngăn cản tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm;
Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định không tổ chức, cá nhân nào được phép can thiệp trái pháp luật đến quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài của bên mua bảo hiểm;
Khoản 3 Điều 38 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đã ký với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật khác có liên quan.
Trường hợp phát hiện có vi phạm quy định về hoạt động đại lý cần có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời theo quy định tại hợp đồng đại lý bảo hiểm và quy định pháp luật có liên quan.
Nguồn: [Link nguồn]
Từng là Giám đốc điều hành doanh nghiệp về thương mại điện tử với mức thu nhập từ 100-300 triệu đồng/tháng nhưng...