Vàng, chứng khoán, BĐS và gửi ngân hàng: 6 tháng đầu năm, kênh nào sinh lời cao nhất?
Thanh khoản mất hút, diễn biến của thị trường chứng khoán lẫn bất động sản nhiều thời điểm cũng khiến nhà đầu tư mất ăn, mất ngủ... Vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, kênh đầu tư nào sinh lời cao nhất?
Trải qua 2 năm dịch bệnh kéo dài, thị trường nhà đất, vàng, chứng khoán và tiền gửi tiết kiệm ghi nhận nhiều diễn biến thăng trầm. Dữ liệu của chuyên trang bất động sản thống kê trong hơn 2 năm, từ 1/2020 đến tháng 6/2022, cho thấy đất và nhà ở có chỉ số tăng giá cao nhất, xếp sau đó là vàng, chứng khoán và tiền gửi tiết kiệm.
Đặc biệt, trong tháng 6/2022, chỉ số giá đất tăng 86% so với tháng 1/2020. Mặc dù chỉ số giá vàng và chứng khoán đã tăng mạnh vào tháng 1 năm nay, lần lượt tăng 44% và 57% so với tháng 1/2020, nhưng sang tháng 6/2022, giá vàng và chứng khoán đã giảm, nên mức tăng so với tháng 1/2020 còn 34% và 21%.
Chứng khoán lao dốc, loạt F0 và Fn mất nhà, mất xe
Diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 gây ra nhiều cú sốc, giằng co trong quý I và bất ngờ lao dốc kể từ sau tháng 4. VN-Index bị bán tháo mạnh mẽ về 1.197,6 điểm trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6.
“Loạt cổ phiếu bốc hơi từ 20 – 60%. Từ F0 tới Fn đều chung số phận bay sổ đỏ, xe hơi”
Theo thống kê, chỉ số đại diện sàn HoSE đã đánh mất hơn 20% kể từ đầu năm và đánh mất ngưỡng tâm lý quan trọng 1.200 điểm. Đà lao dốc này khiến VN-Index rơi vào top 15 chỉ số chứng khoán có hiệu suất tệ nhất thế giới trong 6 tháng đầu năm, theo thống kê từ StockQ.
Thị trường chứng khoán ghi nhận đà lao dốc mạnh trong nửa đầu năm 2022
Áp lực bán tháo còn được ghi nhận trên các sàn tại Hà Nội, trong đó bộ chỉ số HNX-Index thậm chí còn lao dốc 41,4% và UPCoM-Index rơi 2,14% so với đầu năm.
Việc các chỉ số đi xuống khiến giá trị vốn hóa toàn thị trường cũng bốc hơi hơn 1,22 triệu tỷ đồng (tương đương 52 tỷ USD). Trong đó riêng sàn HoSE đánh mất gần 1,08 triệu tỷ đồng (khoảng 46 tỷ USD).
Anh Nguyễn Hải một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm tại Hà Nội thừa nhận nhiều nhà đầu tư trong hội nhóm của anh đã “mất nhà, mất xe” bởi đà lao dốc nhanh và mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ nửa sau tháng 4 đến nay.
Trên các diễn đàn về đầu tư chứng khoán, hàng loạt nhà đầu tư đã khoe những khoản lỗ từ vài triệu đến vài tỷ đồng.
Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tới hết tháng 6 đạt hơn 6,1 triệu, nếu tính mỗi cá nhân sở hữu một tài khoản thì tỷ lệ số tài khoản cá nhân hiện tương đương 6,2% dân số.
Không chỉ các nhà đầu tư cá nhân, các quỹ đầu tư nước ngoài cũng lỗ nặng bởi đà suy giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa đầu năm.
Báo cáo hiệu suất đầu tư vừa công bố, quỹ đầu tư PYN Elite ghi nhận lỗ 7,94% trong tháng 6. Đây là tháng lỗ nặng nhất trong 9 năm kể từ năm 2014 của quỹ ngoại này, đồng thời đánh dấu chuỗi thua lỗ liên tiếp 5 tháng của PYN Elite tại thị trường Việt Nam trong năm nay.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6, hiệu suất của PYN Elite âm 20,3% đồng thời là mức lỗ lịch sử kể từ khi hoạt động ở thị trường Việt Nam. Tính riêng tháng 6, giá trị tài sản ròng của PYN Elite giảm hơn 38 triệu euro (gần 902 tỷ đồng), xuống còn gần 441 triệu Euro.
Các quỹ đầu tư lớn cũng lỗ nặng trong nửa đầu năm
Nhóm "cầm đèn đỏ" vẫn là 3 quỹ ETF quen thuộc gồm V.N.M ETF và FTSE Vietnam ETF hay SSIAM VNFinLead ETF với hiệu suất đều âm trên 25%. Nhiều quỹ chủ động lớn cũng ghi nhận đầu tư lỗ như KIM Vietnam Korea (-3,81%), VOF VinaCapital (-5,1%), hay DCDS thuộc Dragon Capital (-5,58%).
Trái ngược với đà suy giảm của thị trường, số tài khoản chứng khoán mở mới tăng mạnh. 6 tháng đầu năm, cá nhân trong nước mở mới gần 1,85 triệu tài khoản, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm trước và cao hơn 21% so với mức 1,5 triệu tài khoản mở mới cả năm 2021.
Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tới hết tháng 6 đạt hơn 6,1 triệu, nếu tính mỗi cá nhân sở hữu một tài khoản thì tỷ lệ số tài khoản cá nhân hiện tương đương 6,2% dân số.
Bất động sản: Nghịch lý giá nhà đất tăng cao dù mức độ quan tâm giảm
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc chuyên trang bất động sản, thị trường đất nền toàn quốc trong quý 2/2022 tại miền Bắc và miền Nam có mức độ quan tâm giảm lần lượt là 16% và 12% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng mặt bằng giá rao bán vẫn tăng ở nhiều tỉnh so với trung bình giá 2021.
“Mức độ quan tâm giảm lần lượt là 16% và 12% so với cùng kỳ năm 2021, Hà Nội chứng kiến nhu cầu tìm kiếm đất nền giảm đến 23%. Tuy nhiên, mặt bằng giá rao bán vẫn tăng ở nhiều tỉnh so với trung bình giá 2021”.
Mức độ quan tâm đến đất nền miền Bắc và miền Nam đều giảm trong quý 2/2022 so với cùng kỳ năm 2021. Hà Nội chứng kiến nhu cầu tìm kiếm đất nền giảm đến 23% nhưng mặt bằng giá rao bán đất ở nhiều quận, huyện vùng ven tăng mạnh. Trong đó, đất nền huyện Đông Anh, Gia Lâm, Quốc Oai tăng lần lượt tăng 31%, 27% và 20% so với trung bình giá năm 2021.
Giá BĐS nhiều nơi vẫn ghi nhận mức tăng mạnh dù lượng giao dịch trầm lắng
Tại TP. HCM ghi nhận mức độ quan tâm đất giảm 11%. Tuy nhiên, giá rao bán đất nền trong quý 2/2022 ở nhiều khu vực của thành phố đều tăng so với trung bình năm 2021, như quận 9 tăng 11%, Củ Chi tăng 8%, Nhà Bè tăng 4%.
“Yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng giá BĐS tăng hay không là nhu cầu của thị trường” ông Nguyễn Quốc Anh
Ông Nguyễn Quốc Anh nhận định “Yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng giá BĐS tăng hay không là nhu cầu của thị trường. 80% lượng giao dịch, tìm kiếm BĐS tập trung tại Hà Nội và TP.HCM. Tốc độ đô thị hóa từ hai đô thị này cao và đông dân cư, do đó nhu cầu về nhà ở vẫn cao”.
Còn theo báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản quý II/2022 của DKRA Việt Nam, cho thấy 6 tháng qua, phân khúc đất nền tại TP HCM và vùng phụ cận tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới.
Ở phân khúc căn hộ, TP HCM dẫn đầu nguồn cung khi chiếm 75,6% nguồn cung và gần 80% lượng tiêu thụ mới toàn thị trường. Đặc biệt, căn hộ dưới 35 triệu đồng/m2 gần như đã mất tích, còn căn hộ 40 triệu đồng/m2 cũng rất hiếm.
Thị trường BĐS nhiều nơi tiếp tục thiết lập mặt bằng giá mới
Giá bán sơ cấp ngày càng tăng, thị trường TP HCM đã thiết lập mặt bằng giá mới với mức giá lên đến gần 700 tỉ đồng/căn. Tại Đồng Nai, giá bán cao nhất lên đến 107 tỉ đồng/căn.
“Thực tế thị trường giao dịch thấp, hạn chế bởi giá bị đẩy quá cao” - ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam
Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, nhận định giá BĐS tăng là do một số vùng được nhà nước triển khai hạ tầng; nguồn tiền đền bù dự án sân bay Long Thành lan tỏa ra các vùng phụ cận; nguồn vốn ngân hàng thương mại có lãi suất khá rẻ được đổ vào thị trường; ngoài ra còn có sự hạn chế về nguồn cung mới và chi phí xây dựng tăng.
Nói thêm về thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - cho hay, thực tế thị trường giao dịch thấp, hạn chế bởi giá bị đẩy quá cao, giá không phản ánh đúng giá trị thực. Các nhà đầu tư, người mua cũng tính được giá trị ở mức độ nào hợp lý. Vì vậy, người có nhu cầu thực sẽ không mua những sản phẩm bị thổi giá quá cao, dẫn đến tình trạng hấp thụ kém.
Đu đỉnh giá vàng, nhiều nhà đầu tư vẫn lạc quan chờ “về bờ”
Trong 6 tháng đầu năm, thị trường vàng trong nước có nhiều biến động khi từ mốc 60,8 – 61,8 triệu đồng/lượng (giá mua – bán kết phiên giao dịch ngày 31/12/2021) có thời điểm tăng vọt lên tận 74 triệu đồng/lượng rồi quay đầu giảm.
Chốt phiên 30/6, giá vàng SJC niêm yết ở mức 68,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 68,9 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Giá vàng từng cán mốc 74 triệu đồng trong những tháng đầu năm khiến nhu cầu mua bán của người dân nhộn nhịp
Trước sự biến động của giá vàng trong 6 tháng đầu năm, vợ chồng anh Thắng (Hoàng Mai, Hà Nội) đã nhiều lần xảy ra những tranh cãi vì giá vàng gần đây liên tục giảm.
“Vợ chồng tôi dành dụm được hơn 150 triệu đồng gửi tiết kiệm. Với số tiền đó, nếu gửi tiết kiệm chỉ được vài triệu đồng/năm, nhưng nếu mua vàng từ đầu năm thì lúc này số tiền lời lên đến cả chục triệu đồng” - Anh Thắng (Hoàng Mai, Hà Nội).
Anh Thắng chia sẻ dành dụm được hơn 150 triệu đồng gửi tiết kiệm. Đầu năm nay, vợ chồng anh tiếc hùi hụi vì không mua vàng để dành. Với số tiền đó, anh chị gửi tiết kiệm chỉ được vài triệu đồng/năm, nhưng nếu mua vàng thì số tiền lời lên đến cả chục triệu đồng.
Nhận thấy giá vàng giảm từ tháng 6, anh rút hết tiền tiết kiệm để mua 3 cây vàng với giá 69,52 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, sau khi anh Thắng mua, giá vàng trong nước liên tục giảm theo chiều thế giới. Từ mốc trên 69 triệu đồng/lượng, vàng đã giảm xuống chỉ còn 68 triệu đồng/lượng; ở chiều mua vào, nhiều thời điểm vàng còn giảm về mức trên 67 triệu đồng/lượng.
Nhìn giá vàng giảm, anh Thắng sốt ruột, còn vợ anh liên tục cằn nhằn vì mua không đúng thời điểm khiến lỗ hàng triệu đồng.
Trường hợp anh Thắng mới chỉ lỗ vài triệu, nhiều nhà đầu tư khác còn lỗ cả chục triệu vì mua vàng ở những thời điểm đỉnh. Bà Linh (Hoàng Mai, Hà Nội) đang tiếc đứt ruột khi trót mua 4 cây vàng từ mức giá 74 triệu đồng/lượng cuối tháng 3.
“Ở thời điểm đó, cứ nghĩ vàng lên trên 80 triệu đồng/lượng, kiểu gì cũng có lời nên tôi liều mua 4 cây vàng. Ai dè giờ đang lỗ quá, không biết bao giờ mới về giá đó để bán”, bà Linh cho biết.
Nhiều nhà đầu tư vẫn mắc kẹt với vàng khi giá quay đầu giảm trong thời gian gần đây
Dù mua lỗ nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn khá lạc quan với vàng, bà Hồng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, so với mức độ dao động của các kênh khác như chứng khoán, bất động sản hay tiền số thì vàng vẫn được coi là ổn định. Bà có niềm tin rằng vàng sẽ không bao giờ bị giảm sâu hay mất giá quá bán (mất giá trị một nửa) như một số loại hình rót vốn khác.
“So với mức độ dao động của các kênh khác như chứng khoán, bất động sản hay tiền số thì vàng vẫn được coi là ổn định. Tôi tin vàng không bao giờ bị giảm sâu hay mất giá quá bán” - bà Hồng (Thanh Xuân, Hà Nội).
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, trong 6 tháng đầu năm giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/6/2022, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.843,29 USD/ounce, giảm 0,54% so với tháng 5/2022. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 6/2022 giảm 1,14% so với tháng trước; tuy nhiên bình quân 6 tháng đầu năm 2022 vàng trong nước vẫn ghi nhận mức tăng 6,63%.
Lãi suất tăng cao, tiền gửi vào ngân hàng tăng mạnh
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, 2 quý đầu năm 2022, số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán cá nhân tại hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng mạnh. Đặc biệt, riêng quý 1 năm nay, số dư đã tăng gần 103.600 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 11% và lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu tỷ đồng.
Kết quả này có được nhờ lãi suất huy động liên tục tăng. Nhìn lại 6 tháng đầu năm, lãi suất tiền gửi đã tăng trung bình khoảng 0,5-1 điểm phần trăm cho kỳ hạn 6-12 tháng so với cuối năm 2021.
Mức lãi cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về SCB (7,55% kỳ hạn 18 tháng trở lên), gửi theo hình thức trực tuyến.
Tiền gửi vào ngân hàng tăng mạnh khi nhiều nhà băng tăng lãi suất huy động lên trên 7%/năm ở nhiều kỳ hạn
Một số nhà băng quy mô nhỏ như BacABank, BaoVietBank, Nam A Bank, CBBank, PvcomBank, SHB, KienLongBank đều niêm yết trên mức 7,0% cho kỳ hạn dài 12 tháng trở lên. Chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng lên tới gần 3% tùy vào từng kỳ hạn gửi tiền.
“Lạm phát không còn là nguy cơ mà đang hiện hữu” - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, tính đến thời điểm 20/6/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,3% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 3,48%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,97% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 3,13%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,51% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 5,47%).
“Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, lạm phát 6 tháng đầu năm ở mức 2,44%. Áp lực lạm phát những tháng cuối năm rất lớn”.
Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, trong nước, lạm phát không còn là nguy cơ mà đang hiện hữu. Tình hình tài chính tiền tệ toàn cầu nói chung có nhiều biến động sẽ tác động tới nước ta vì nền kinh tế Việt Nam có độ mở khá lớn. Giá cả hàng hóa, xăng, dầu đang nóng lên thời gian gần đây. Những vấn đề này sẽ tác động trực tiếp đến việc điều hành tỷ giá, lãi suất…
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, lạm phát 6 tháng đầu năm ở mức 2,44%. Áp lực lạm phát những tháng cuối năm rất lớn.
“Cửa” nào cho kênh đầu tư nửa cuối năm?
Với việc thị trường bất động sản chững lại, chứng khoán đang le lói phục hồi sau khi sụt giảm sâu trong quý II/2022, vàng biến động khó lường và giá chênh lệch quá cao so với thế giới, trái phiếu doanh nghiệp đóng băng, lãi suất tiết kiệm tuy có xu hướng tăng song vẫn ở mức thấp... khiến nhà đầu tư loay hoay tìm nơi rót vốn nửa cuối năm 2022.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc lạm phát được kiểm soát tốt, chống dịch hiệu quả, tỷ lệ tiêm phòng cao, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đang được triển khai, lượng nhà đầu tư mở mới tài khoản liên tục lập kỷ lục, khối ngoại mua ròng từ đầu năm đến nay, T+2 sắp áp dụng… là các điểm tích cực cho thị trường chứng khoán nửa cuối năm.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm nay rất sáng sủa và VN-Index sẽ đóng cửa năm ở mức 1.436 - 1.614 điểm.
TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính (Trường đại học Kinh tế TP HCM)
Theo thống kê của Dragon Capital, trong các kênh đầu tư có triển vọng dài hạn, chứng khoán vẫn đứng đầu về độ hấp dẫn, tiếp theo là bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, tiền gửi ngân hàng, vàng, USD...
““Tiền mặt là vua”, ai giữ càng nhiều tiền mặt càng có lợi thế và gửi tiết kiệm là một lựa chọn tốt” - TS Nguyễn Hữu Huân.
Ở góc nhìn của mình, trao đổi với báo chí trong nước TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, “tiền mặt là vua”, ai giữ càng nhiều tiền mặt càng có lợi thế và gửi tiết kiệm là một lựa chọn tốt. Thị trường chứng khoán sẽ lình xình đi ngang và tích lũy từ nay đến cuối năm. Trong khi đó, thị trường bất động sản chưa thể nóng trở lại do bị siết tín dụng, siết trái phiếu doanh nghiệp, nguy cơ bị đánh thuế căn nhà thứ hai...
Hiện nhiều nhà đầu tư có xu hướng quay lại “phòng thủ” với vàng. Tuy vậy, theo các chuyên gia, vàng chỉ nên được coi là kênh trú ẩn thay vì kênh kiếm lời.
Nhìn chung, theo các chuyên gia, nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục đầu tư, song phải dựa trên hiểu biết và khẩu vị rủi ro của mình để quản trị rủi ro trước những biến động có thể xảy ra.