Vàng hạ nhiệt, tiền “ào ào” chảy vào đâu?
Sau khi lập đỉnh 62,4 triệu đồng/lượng vào đầu tháng 8, giá vàng trong nước đã giảm nhiệt trong thời gian gần đây và đang quanh quẩn mốc 56-58 triệu đồng/lượng. Khi vàng không còn “lấp lánh”, một lượng lớn tiền nhàn rỗi của người dân đang tìm đến những kênh đầu tư khác.
Vàng không còn lấp lánh
Ngày 5-9 vừa qua, giá vàng thế giới kết thúc tuần giao dịch ở mức 1.934,8 USD/ounce. Đây là tuần thứ 4 liên tiếp giá vàng thế giới kết thúc tuần giao dịch dưới ngưỡng 2.000 USD/ounce.
Việc giá vàng thế giới liên tục được điều chỉnh giảm so với mức đỉnh 2.070 USD/ounce của ngày 8/8 cũng đã tác động đến giá vàng trong nước. Theo đó, giá vàng miếng SJC trong nước sáng 7/9 được niêm yết bán ra mức 56,65 triệu đồng/lượng, mua vào 55,80 triệu đồng/lượng.
Không còn cảnh người dân phải xếp hàng chờ đến lượt giao dịch tại các cửa tiệm vàng trong thời gian gần đây - Ảnh Hồng Cảnh
Chị Nguyễn Dung tại Hà Đông (Hà Nội) cho biết đang mắc kẹt với khỏan đầu tư vào vàng. Theo đó, cách đây gần 1 tháng chị đã rút toàn bộ số tiền tiết kiệm gần 200 triệu đồng để lướt sóng vàng khi vàng SJC giảm về vùng giá 57,77 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, đến nay thì khoản đầu tư của chị vào vàng vẫn đang lỗ gần 2 triệu đồng/lượng.
Chị thừa nhận, do có nguồn thu nhập ổn định nên vợ chồng chị không phát sinh những mâu thuẫn về khoản đầu tư này trong những ngày qua. Từ suy nghĩ đầu tư lướt sóng, anh chị xác định sẽ tiếp tục chờ khi nào giá vàng lên trở lại trước khi bán chốt lời và coi đây là một khoản đầu tư về lâu dài.
Bà mẹ 2 con cũng cho biết hiện vàng không còn là kênh đầu tư hấp dẫn với bản thân cũng như nhiều đồng nghiệp do giá vàng liên tục được điều chỉnh giảm trong thời gian gần đây. Theo khảo sát của phóng viên, những ngày qua dù một số tiệm vàng đã rút ngắn chênh lệch mua bán về mức 500.000đ đến 1 triệu đồng/lượng (tùy phiên) nhưng lượng khách đến giao dịch tại các cửa hàng là không nhiều.
Trong khi đó, trên các diễn đàn về vàng, hàng loạt người cho biết đã lỡ ôm vàng ở vùng giá đỉnh trên 60 triệu đồng/lượng, và đặt câu hỏi rằng có nên cắt lỗ lúc này để chuyển vốn sang kênh đầu tư khác.
Tiền đổ mạnh vào chứng khoán
Do vàng không còn sức hút lớn với các nhà đầu tư như giai đoạn tháng 7 và đầu tháng 8/2020, thời gian qua đã có hàng chục nghìn tỷ đồng đổ vào thị trường chứng khoán. Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết trong tháng 8, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 28.362 tài khoản, tăng gần 1.200 tài khoản so với tháng trước đó. Trong đó, số lượng nhà đầu tư cá nhân mở mới tài khoản trong tháng 8 là 28.271.
Không chỉ tiếp tục tăng về số lượng tài khoản mở mới, báo cáo chiến lược đầu tư tháng 9 của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cũng cho biết các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã chuẩn bị một lượng tiền lớn để sẵn sàng thực hiện các giao dịch. Theo đó, tổng tiền gửi tại 40 công ty chứng khoán lớn nhất trong nửa đầu năm tăng gần gấp đôi, lên trên 31.000 tỷ đồng.
Số tiền có sẵn để giao dịch (bao gồm tiền ký quỹ và tiền gửi của khách hàng) cao gần 17 lần giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên của tháng 8 và gấp đôi so với tháng 3/2018 – giai đoạn thị trường lập đỉnh lịch sử 1.204 điểm.
Báo cáo của KIS Việt Nam cho biết nhiều nhà đầu tư “F0” đã thực hiện giao dịch suốt ngày đêm trong thời gian các ngành kinh tế khác bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Và chính các nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán với dòng tiền dồi dào được xem là động lực giúp VN-Index thăng hoa khi hồi phục mạnh từ vùng 650 điểm vào cuối tháng 3 và hiện đã tiến gần ngưỡng 900 điểm, đây là mức tăng mạnh nhất trong vòng 10 năm qua.
Tiền gửi ngân hàng cũng tiếp tục tăng bất chấp lãi suất giảm
Cùng với kênh chứng khoán, kênh tiết kiệm ngân hàng cũng hưởng lợi khi vàng không còn được xem là kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn ở thời điểm này.
Các chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết trong suy nghĩ của nhiều người, đặc biệt là những người “ăn chắc mặc bền”, hoặc lớn tuổi, ít kinh nghiệm đầu tư thì ngân hàng giống như một chiếc két lớn, bất khả xâm phạm trong mọi điều kiện. Vì vậy, dù lãi suất kỳ hạn 1 năm có kéo thấp xuống tới 6-7%/năm thì nhiều người dân vẫn chọn đây như một kênh đầu tư an toàn, hiệu quả và không rủi ro.
Theo đánh giá của một lãnh đạo ngân hàng có vốn nhà nước, tuy lãi suất ngày càng thấp nhưng tiền gửi tiết kiệm chảy vào ngân hàng vẫn tăng hàng ngày. Trong bối cảnh doanh nghiệp thu hẹp hoạt động hoặc ngủ đông chờ qua dịch bệnh, hiện nhiều ngân hàng đang rơi vào trạng thái có tiền nhưng không cho vay được. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng khiến lãi suất huy động tiền gửi của nhiều ngân hàng cũng liên tục được điều chỉnh giảm thời gian gần đây. Có một số ngân hàng thì lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 1 tháng thậm chí đã xuống dưới 3%/năm.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, thời điểm hiện tại rất khó để có thể khẳng định kênh đầu tư nào sẽ tạo ra mức sinh lời cao nhất. Và câu trả lời hợp lý nhất lúc này có lẽ là phân bổ tài sản, phân tán rủi ro bằng cách đa dạng hóa các khoản đầu tư của bản thân. Các nhà đầu tư cần lưu ý, trong đầu tư thông thường có 3 mục tiêu chính là tính an toàn, khả năng sinh lời và có tính thanh khoản cao. Đặc biệt, không nên đầu tư theo kiểu "bỏ tất cả trứng vào một giỏ".
Người dân trong làng nhận số tiền lớn nhưng họ có cuộc sống khiến ai cũng bất ngờ.
Nguồn: [Link nguồn]