Vận đen liên tiếp: 33.000 công nhân đình công, Boeing đối mặt với thiệt hại 3 tỷ USD
Nếu cuộc đình công kéo dài hơn 50 ngày, Boeing có thể thiệt hại từ 3-3,5 tỷ USD.
96% công nhân đồng ý đình công
Sáng 13/9 (theo giờ bờ tây nước Mỹ), khoảng 33.000 công nhân Boeing thuộc công đoàn IAM (Hiệp hội Công nhân và thợ máy hàng không quốc tế) đã tiến hành đình công. Vụ việc xảy ra sau khi 94,6% công nhân bác bỏ bản thỏa thuận lao động kéo dài 4 năm được đề xuất bởi nhà sản xuất máy bay này. 96% công nhân đã đồng ý đình công.
Thỏa thuận bao gồm các điều khoản như: tăng 25% lương trong vòng 4 năm tới, cải thiện chế độ chăm sóc sức khỏe và phúc lợi hưu trí, cam kết lắp ráp máy bay thương mại tiếp theo ở một nhà máy có công đoàn... Tuy nhiên, các công nhân muốn đàm phán tăng 40% lương và lấy lại khoản thưởng hàng năm bị cắt.
Jon Holden, Chủ tịch Liên đoàn IAM tại Boeing, nhấn mạnh rằng cuộc đình công là "cuộc chiến cho tương lai" và cho biết công đoàn sẽ tiếp tục đàm phán khi có thể.
33.000 công nhân Boeing đình công
Tuy nhiên, sự bất mãn của các công nhân Boeing không chỉ đến từ thỏa thuận hiện tại mà còn bắt nguồn từ nhiều vấn đề tích tụ trong nhiều năm, bao gồm cả việc sa thải và chuyển một số công việc sang các nhà máy không có công đoàn. Một nhân viên của Boeing, Jim Bloomer, cho biết: "Chúng tôi đã biết điều này sẽ xảy ra trong nhiều năm. Chúng tôi đã bị đối xử bất công."
Kelly Ortberg, Giám đốc điều hành mới của Boeing, đã kêu gọi các thành viên công đoàn bỏ qua những vấn đề trong quá khứ để tập trung vào tương lai của công ty. Tuy nhiên, sự bất mãn của công nhân với các điều khoản hợp đồng trước đây, cũng như áp lực từ lạm phát và mức lương không đáp ứng, khiến nhiều thành viên cảm thấy thỏa thuận mới không đủ để bảo vệ lợi ích của họ.
Boeing sẽ bị ảnh hưởng thế nào?
Đây là cuộc đình công đầu tiên tại Boeing trong suốt 16 năm qua. Cuộc đình công gần đây nhất của công nhân Boeing vào năm 2008 đã khiến nhà máy phải đóng cửa trong 52 ngày, gây thiệt hại doanh thu ước tính 100 triệu USD/ngày. Nếu cuộc đình công hiện tại kéo dài trong khoảng thời gian tương tự, Boeing có thể mất ít nhất 3 tỷ USD, theo ước tính của Cai von Rumohr, một nhà phân tích nghiên cứu tại ngân hàng đầu tư TD Cowen. Cuộc đình công cũng gây nguy hiểm cho kế hoạch tăng sản lượng máy bay của Boeing vào năm 2025.
Nếu cuộc đình công kéo dài hơn 50 ngày, Boeing có thể mất ít nhất 3 tỷ USD
Cuộc đình công dự kiến sẽ làm đình trệ hoạt động sản xuất máy bay thương mại tại Boeing, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Mỹ do Boeing là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất nước này và có ảnh hưởng lớn đến hơn 10.000 nhà cung cấp trên toàn quốc. Hiện tại, Boeing có khoảng 150.000 nhân viên và đóng góp 79 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế Mỹ, hỗ trợ hơn 1,6 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp.
Trong 5 năm qua, Boeing đã gặp phải vô số vấn đề, trong đó có 2 vụ tai nạn gây chết người vào năm 2018 và 2019. Những vấn đề này đã gây thiệt hại lớn về mặt tài chính cho công ty, khiến hãng phải ngừng giao hàng và chịu sự giám sát nghiêm ngặt từ các cơ quan chức năng.
Cổ phiếu của Boeing đã mất hơn 60% giá trị trong 5 năm qua. Công ty cũng đang gánh khoản nợ gần 60 tỷ USD và đối mặt với sự giám sát từ các cơ quan quản lý và khách hàng, sau sự cố bung chốt cửa 737 Max do Alaska Airlines khai thác gần đây.
Từ năm 2018 đến nay, Boeing chưa từng báo cáo lợi nhuận hàng năm và lỗ lũy kế đã vượt quá 33 tỷ USD. Công ty cũng đang đối mặt với nguy cơ bị hạ xếp hạng tín dụng xuống mức "không khuyến nghị đầu tư" nếu tình hình không được cải thiện.
Dù vậy, cuộc đình công lần này không ảnh hưởng ngay đến hoạt động hàng không dân dụng, vì các máy bay đã được giao cho các hãng hàng không vẫn tiếp tục hoạt động bình thường. Tuy nhiên, nó sẽ làm gián đoạn các đợt giao máy bay mới, làm gián đoạn nguồn thu chính của Boeing.
Nguồn: [Link nguồn]
Tỷ phú này đang có nhiều dự định đầu tư vào Việt Nam với số vốn lên tới hàng tỷ USD.