Vạ miệng chê bai giới trẻ, nữ giám đốc của Xiaomi phải từ chức vì dân mạng phẫn nộ
Wang Mei buộc phải từ chức tại công ty điện thoại di động và thiết bị Xiaomi sau khi mô tả khách hàng bằng một từ lóng Trung Quốc ám chỉ những người thanh niên trẻ kém cỏi.
Wang Mei là lãnh đạo cấp cao giám sát các chương trình đào tạo nhân tài cho nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi, được cho là thương hiệu điện tử tiêu dùng thành công nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên vừa qua, nữ giám đốc này đã phát biểu công khai rằng tương lai của Xiaomi phụ thuộc vào doanh số bán sản phẩm cho “Diaosi” - một thuật ngữ tiếng lóng của Trung Quốc được sử dụng để mô tả những thanh niên trẻ kém cỏi về kinh tế. Hiện cô đã từ chức và xin lỗi vì “nhận xét không phù hợp”.
Điện thoại Xiaomi chủ yếu tập trung vào người dùng thu nhập thấp (Nguồn: SCMP)
Tất nhiên, hàm ý của nữ lãnh đạo này không có ý miệt thị ai. Ý của cô là giới trẻ sẽ là lực lượng tiêu dùng cốt lõi và tập đoàn của mình sẽ tạo ra những sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu tiêu dùng cho những người trẻ tuổi này.
Wang nói: “Những nhận xét mà tôi đưa ra là không đúng đắn và không có ý định chia sẻ ngoài một sự kiện trong ngành công nghệ. Bài phát biểu của tôi không đại diện cho quan điểm của Xiaomi. Tôi hy vọng rằng những lời nói của tôi sẽ không gây ra bất kỳ hiểu lầm nào về công ty.”
Trong một tuyên bố khác từ Xiaomi, nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc đã tuyên bố cách chức Wang, nói rằng cựu giám đốc điều hành hoàn toàn chịu trách nhiệm về những bình luận của cô và công ty không tham gia vào quá trình viết bài phát biểu của cô.
Wang đã có bài phát biểu tại một diễn đàn quản lý nguồn nhân lực ở Bắc Kinh vào ngày 21 tháng 11. Khi giải thích về thị trường mục tiêu chính của Xiaomi, Wang nói rằng công ty coi trọng những khách hàng trẻ tuổi “diaosi”.
“Tương lai thuộc về những người trẻ tuổi. Và, tất nhiên, khi chúng lớn lên khỏi giai đoạn diaosi, chúng ta mới cân nhắc việc sản xuất những chiếc điện thoại thông minh đắt tiền,” vị nữ giám đốc phát biểu.
Thuật ngữ “diaosi” xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2010 như một cách nói xúc phạm đối với những người nam thanh niên có ngoại hình không nổi bật và công việc bế tắc. Hay, dịch một cách đơn giản và chính xác đó là: kẻ thua cuộc. Ban đầu được sử dụng như một sự xúc phạm, thuật ngữ này nhanh chóng trở nên phổ biến khi một thế hệ thanh niên - cả nam và nữ - chấp nhận nó một cách tự ti và coi nó như một danh tính cho những người trẻ bình thường đang vật lộn để kiếm sống, không có mối quan hệ quyền lực hoặc tiền bạc trong một xã hội cạnh tranh cao.
Mặc dù thuật ngữ này ngày càng được chấp nhận rộng rãi và loại bỏ hàm ý tiêu cực của nó trong những năm qua, tuy nhiên một nhóm người dùng Xiaomi vẫn chỉ trích bài phát biểu của Wang, chỉ trích cô vì không tôn trọng nhóm khách hàng lớn nhất của thương hiệu.
“Có vẻ như mô hình kinh doanh của Xiaomi về cơ bản là kiếm tiền từ người nghèo trong khi coi thường họ,” một người dùng Weibo viết. “Tôi hoàn toàn có thể tưởng tượng một nhóm giám đốc điều hành Xiaomi đang thảo luận về các sản phẩm mới phù hợp với diaosi trong khi chế giễu chúng tôi tại một cuộc họp.” một người khác bình luận.
Công ty Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (ITA) của đại gia Đặng Thị Hoàng Yến vừa ghi nhận lợi nhuận lập đỉnh sau 10...
Nguồn: [Link nguồn]