Ủy ban chứng khoán nói gì về việc thị trường liên tục lao dốc?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa lên tiếng về những biến động trên thị trường chứng khoán (TTCK) thời gian qua. Theo UBCKNN, điều này xuất phát từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn, triển vọng kém tích cực về kinh tế - chính trị thế giới.

UBCKNN cho biết, biến động trên TTCK xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả trong nước và quốc tế.

UBCKNN cho biết, biến động trên TTCK xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả trong nước và quốc tế.

Với các biện pháp hỗ trợ kinh tế sau đại dịch COVID-19, lạm phát đã tăng mạnh ở nhiều nơi trên thế giới, nhiều nền kinh tế phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ với nhịp độ nhanh, mạnh nhằm kiểm soát lạm phát.

Trong năm 2022, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất điều hành thêm 3,75% qua 6 lần điều chỉnh liên tiếp (tháng 3/2022 tăng 0,25%, tháng 5/2022 tăng 0,5% và 4 lần liên tiếp tăng 0,75%, vào tháng 6, 7, 9 và 11/2022, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994).

Tương tự, Ngân hàng Trung ương Anh đã điều chỉnh tăng lãi suất 7 lần liên tiếp kể từ tháng 12/2021, lên mức 2,25%. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng ba lần điều chỉnh tăng lãi suất trong năm 2022 trong bối cảnh lạm phát tiếp tục xu hướng tăng ở khu vực này.

Động thái thắt chặt chính sách tiền tệ trên thế giới đang làm dấy lên lo ngại về rủi ro “suy thoái - lạm phát” ở một số quốc gia. Các tổ chức quốc tế tiếp tục điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 và 2023. Trong đó, IMF hạ mức dự báo xuống còn 3,2% cho năm 2022 và 2,7% cho năm 2023, Ngân hàng Thế giới ước tính tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm xuống còn 0,5% trong năm 2023.

Tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong năm 2022.

Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán (TTCK) trên thế giới cũng trải qua nhiều biến động. Tính đến ngày 31/10/2022, chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI ACWI đã giảm 21,98%; chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 12,3%, chỉ số DAX của Đức giảm 16,63%, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 23,82%, chỉ số Shang Hai của Trung Quốc giảm 19,89%, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 36,48%, chỉ số S&P 500 của Mỹ giảm 18,15% so với cuối năm 2021.

Trong nước, dòng tiền trên TTCK đã chịu sự tác động của các thay đổi trong mặt bằng lãi suất. Sau các bước điều chỉnh lãi suất liên tục của Fed trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có hai lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành nhằm ứng phó với lạm phát và giảm tác động từ bên ngoài.

Mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại cũng đã gia tăng, thu hút dòng tiền quay trở lại hệ thống ngân hàng và giảm sự hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán trong ngắn hạn. Dòng vốn đầu tư trên TTCK cũng có sự dịch chuyển trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát.

Bên cạnh đó, TTCK đã tăng trưởng mạnh trong năm 2021 đến quý I/2022. Do vậy, khi xuất hiện các yếu tố tác động không thuận, nhà đầu tư sẽ có tâm lý chốt lời nhằm bảo vệ thành quả, tạo nên áp lực bán trên thị trường.

Ngoài ra, việc điều tra, khởi tố một số doanh nghiệp bất động sản lớn trong thời gian vừa qua liên quan đến các sai phạm trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng tác động đến tâm lý chung trên TTCK, tạo tâm lý thận trọng trong đầu tư, tác động đến dòng tiền trên thị trường.

UBCKNN cho rằng, TTCK Việt Nam biến động mạnh trong thời gian qua xuất phát từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế - chính trị thế giới và có sự đồng pha với diễn biến trên TTCK thế giới.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính và nhằm bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững và minh bạch của TTCK Việt Nam, UBCKNN đã và đang triển khai một số giải pháp.

Theo đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống, chính xác về chủ trương, định hướng điều hành và tình hình kinh tế vĩ mô, TTCK, an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ để ổn định tâm lý nhà đầu tư, tăng cường minh bạch cho TTCK.

Cơ quan quản lý sẽ tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trên TTCK, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; phối hợp với cơ quan điều tra trong xác minh, điều tra các sai phạm nghiêm trọng trên TTCK như vụ thao túng cổ phiếu FLC, Louis,... và xử lý các tin đồn thất thiệt nhằm trấn an tâm lý nhà đầu tư.

Hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát và giao dịch cho thị trường TPDN phát hành riêng lẻ thông qua việc trình Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế và nhằm tăng cường tính minh bạch, an toàn và giảm thiểu rủi ro cho thị trường; đồng thời chuẩn bị nền tảng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm phát triển một thị trường thứ cấp minh bạch, an toàn, tăng cường khả năng quản lý, giám sát, giảm thiểu rủi ro.

Cơ quan quản lý cũng điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng trong ngày đáo hạn phái sinh, theo đó không lấy giá đóng cửa phiên ATC của thị trường cơ sở vào ngày đáo hạn phái sinh mà lấy giá trung bình trong 30 phút cuối cùng trước khi đóng cửa của thị trường cơ sở (gồm 15 phút khớp lệnh định kỳ và kết quả phiên ATC).

Trong thời gian tới, UBCKNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam để kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm TTCK Việt Nam phát triển ổn định, minh bạch.

UBCKNN tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm ổn định tâm lý của nhà đầu tư, tăng cường lòng tin của các chủ thể tham gia thị trường, công chúng đầu tư trong và ngoài nước vào quyết tâm của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển TTCK minh bạch, công khai, an toàn, hiệu quả.

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Linh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN