Tỷ phú Việt nào kiếm nhiều tiền nhất trong tuần qua?
Với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm điểm, TTCK Việt Nam tăng điểm mạnh trong tuần giao dịch đầu tiên của năm Kỷ Hợi 2019 nhờ tâm lý tích cực của nhà đầu tư vào đầu năm mới, nhờ đó thanh khoản cũng có sự cải thiện tích cực
Tuần tăng điểm ấn tượng
Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch đầu năm mới Kỷ Hợi 2019, VN-Index tăng 44,22 điểm (+4,6%) lên 950,89 điểm; HNX-Index tăng 2,773 điểm (+2,7%) lên 106,11 điểm.
Thanh khoản trong tuần cải thiện tích cực và vượt trên mức trung bình 20 tuần với hơn 4.300 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.
Giá trị giao dịch trên sàn HOSE tăng 41,4% lên 19.709 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 32,3% lên 860 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên sàn HNX tăng 39,4% lên 2.077 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 50,4% lên 173 triệu cổ phiếu.
Với việc cả hai sàn đều tăng mạnh trong tuần qua, các nhóm cổ phiếu trụ cột đều có mức tăng giá tốt. Nhóm cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn dẫn dắt thị trường đều tăng mạnh như: VIC của Vingroup (+13,4%), VHM của CTCP Vinhomes (+1,5%), VRE của CTCP Vincom Retail (+6,7%)...
Nhóm cổ phiếu dầu khí với mức tăng 5,7% giá trị vốn hóa với các mã tiêu biểu như PLX của Petrolimex (+6%), BSR của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (+10%), PVD của PV Drilling (+4,6%), PVS của PTSC (+4,9%), PVB của PV Coating (+8,4%)...
Ảnh minh họa.
Nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trên thị trường là ngân hàng cũng có một tuần đầu năm tích cực với mức tăng 3,7% giá trị vốn hóa, các mã đều tăng tốt như VCB của Vietcombank (+5%), CTG của Vietinbank (+3,5%), BID của BIDV (+4,9%), TCB của Techcombank (+0,2%), VPB của VPBank (+6%), ACB (+2,4%), SHB (+6,9%)...
Về diễn biến các nhóm ngành tuần qua, đa phần các nhóm cổ phiếu đều tăng điểm. Trong đó, tăng mạnh nhất là nhóm cổ phiếu đa ngành có mức tăng trưởng hơn 15% với động lực chính là việc cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tăng điểm mạnh trong tuần qua.
Ngược lại, các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến Vn-Index là VJC của Vietjet Air, BHN của Habeco khi lấy đi của chỉ số VN-Index lần lượt là0,61 và 0,09.
Tỷ phú nào kiếm được nhiều tiền nhất trong tuần đầu năm mới?
Một tuần tăng điểm tích cực của TTCK cũng giúp cho các tỷ phú chứng khoán tích lũy thêm khối tài sản lớn nhờ việc cổ phiếu tăng giá. Tiêu biểu là tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup, người giàu nhất Việt Nam.
Kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của năm mới, giá trị cổ phiếu VIC do ông Vượng nắm giữ đã đạt 209 nghìn tỷ đồng, tăng 24,62 nghìn tỷ đồng so với trước Tết Nguyên đán.
Cũng nhờ việc VIC bứt phá mạnh mẽ, bà Phạm Thu Hương – vợ ông Phạm Nhật Vượng – vượt qua Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát và ông Trần Đình Long, để gia nhập top 5 người giàu nhất sàn chứng khoán.
Hiện giá trị cổ phiếu VIC do bà Hương nắm giữ đạt mức 16.918 tỷ đồng, tăng 1.994 tỷ đồng sau 1 tuần giao dịch.
Top 4 các tỷ phú chứng khoán Việt Nam.
Trong khi đó, dù HPG của Tập đoàn Hòa Phát có chuỗi 5 phiên tăng giá liên tiếp giúp tài sản của ông Trần Đình Long có thêm 2.297 tỷ đồng, đạt 16.880 tỷ đồng, nhưng Chủ tịch HPG vẫn phải ngậm ngùi nhường lại vị trí thứ 5 cho bà Phạm Thu Hương. Trước đó, HPG đã phải trải qua chuỗi những phiên trồi sụt liên tục kể từ mức đỉnh 41.000 đồng/cp hồi tháng 10/2018.
3 vị trí còn lại trong top 5 các tỷ phú chứng khoán lần lượt thuộc về ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch HĐQT Techcombank, Phó chủ tịch HĐQT Masan Group – (đứng thứ hai); ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐQT Masan Group, Phó chủ tịch HĐQT Techcombank – (đứng thứ ba); và bà Nguyễn Thị Phương Thảo – TGĐ Vietjet Air, Phó chủ tịch HĐQT HDBank – (đứng thứ tư).
Với việc TCB của Techcombank tăng nhẹ 0,18% và MSN của Masan tăng 8% trong tuần qua, giá trị cổ phiếu TCB và MSN do ông Hồ Hùng Anh nắm giữ đã tăng thêm 1.560 tỷ đồng, đạt 22.017 tỷ đồng. Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Quang có thêm 1.590 tỷ đồng để tích lũy thêm cho khối tài sản trị giá 21.616 tỷ đồng.
Người còn lại trong top 5 là nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, đây cũng là trường hợp duy nhất không có được niềm vui trong tuần đầu tiên của năm Kỷ Hợi.
Cụ thể, HDB giảm 0,32% và VJC giảm 3% khiến tổng giá trị cổ phiếu do bà Thảo nắm giữ giảm 627 tỷ đồng, còn 21.533 tỷ đồng.
Mặc dù rớt từ vị trí thứ hai xuống vị trí thứ tư chỉ trong tuần đầu giao dịch, nhưng khoảng cách giữa bà Thảo và người đứng trên là ông Nguyễn Đăng Quang hiện chỉ là 83 tỷ đồng, và cách ông Hồ Hùng Anh một khoảng cách bằng 484 tỷ đồng.