Tỷ phú Phạm Nhật Vượng giàu gấp đôi Tổng thống Mỹ
Trong danh sách tỷ phú thế giới năm 2019 do Forbes vừa công bố, Việt Nam có tới 5 tỷ phú USD. So với 2018, Việt Nam có 2 gương mặt mới gia nhập danh sách người giàu nhất thế giới của Forbes. Ông chủ Tập đoàn Vingroup đã tăng tới 260 bậc, với tổng tài sản 6,6 tỷ USD trong khi đó nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lại lùi về phía sau trong bảng danh sách. Đáng chú ý, đây cũng là năm đầu tiên, ông chủ của 1 ngân hàng tư nhân Việt Nam - “á quân” lợi nhuận năm vừa qua cũng được xướng tên trong danh sách tỷ phú USD lần này của Forbes.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng 260 bậc, đón thêm 2 “tân binh”
Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới năm 2019. Việt Nam có 5 đại diện góp mặt, trong đó dẫn đầu là ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Vingroup với tài sản 6,6 tỷ USD. Trên bảng xếp hạng của Forbes, ông Vượng xếp thứ 239.
Ông Vượng được Forbes lần đầu công nhận tỷ phú vào năm 2013 với tổng tài sản 1,5 tỷ USD. Kể từ đó, bảy năm liên tiếp ông Vượng có mặt trong danh sách của Forbes và luôn dẫn đầu trong danh sách tỷ phú của Việt Nam.
Forbes công bố danh sách tỷ phú 2019 (ảnh Forbes Việt Nam)
Nếu so với xếp hạng của năm ngoái, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tăng 2,3 tỷ USD, và tăng 260 bậc trong bảng xếp hạng (năm ngoái tỷ phú Phạm Nhật Vượng xếp vị trí 499 trong bảng xếp hạng). Với số tài sản này, tỷ phú số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng đang giàu hơn cả Tổng thống Mỹ Donald Trump (3,1 tỷ USD), cựu CEO Uber Travis Kalanick (5,8 tỷ USD) và nhiều nhân vật nổi tiếng khác.
CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo lần thứ 3 được Forbes xướng tên trong top tỷ phú thế giới với tài sản 2,3 tỷ USD. Theo đó, thứ hạng của của nữ tỷ phú tự thân duy nhất ở khu vực Đông Nam Á, theo đánh giá của Forbes, cũng giảm mạnh từ vị trí 766 năm ngoái xuống hạng 1.008 năm nay.
Hai "tân binh" trong danh sách tỷ phú 2019 của Forbes là ông Nguyễn Đăng Quang (chủ tịch Masan) và ông Hồ Hùng Anh (chủ tịch Techcombank)
Lý do, trong một năm qua, kể từ mức đỉnh, trên sàn niêm yết cả hai cổ phiếu VJC của VietJet và HDB của ngân hàng HDBank, nơi bà Thảo làm phó chủ tịch thường trực đều giảm giá mạnh, tương ứng khoảng 33% và 40%.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco lần thứ 2 có mặt trong bảng xếp hạng của Forbes, xếp vị trí 1.349 với tài sản 1,7 tỷ USD. Trong khi đó, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát, người được Forbes đưa vào danh sách năm ngoái đã không có mặt trong bảng xếp hạng năm nay. Tuy nhiên, trên bảng xếp hạng Real-Time (thời gian thực), tài sản hiện tại của ông Long được Forbes ước tính khoảng 1 tỷ USD.
Hai “tân binh” tỷ phú USD của Việt Nam là ông Hồ Hùng Anh (1,7 tỷ USD, xếp hạng 1.349) và Nguyễn Đăng Quang (1,3 tỷ USD, xếp hạng 1.717). Ông Quang hiện là Chủ tịch Masan, còn ông Hùng Anh là Chủ tịch Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Ngân hàng vạn tỷ có tỷ phú USD
Hai "tân binh" trong danh sách tỷ phú năm 2019 của Forbes đều là các cựu du học sinh khởi nghiệp kinh doanh từ thị trường Đông Âu. Ông Hồ Hùng Anh, chủ tịch Techcombank có tổng tài sản 1,7 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ 1.349.
Trước khi lên sàn, tổng tài sản của gia đình ông Hồ Hùng Anh tại Techcombank ước tính lên tới 25.401,1 tỷ đồng. Như vậy, ông Hồ Hùng Anh hiện đang là vị đại gia gốc Đông Âu giàu có nhất ngành ngân hàng.
Ông Hồ Hùng Anh, chủ tich Techcombank là tỷ phú USD ngân hàng đầu tiên của Việt Nam được vinh danh
Ông Hùng Anh, 49 tuổi, có bằng kỹ sư điện tử, đầu tư vào ngân hàng Techcombank từ những thập niên 1990 và trở thành chủ tịch Techcombank vào năm 2008.
Với vốn hóa thị trường lên tới 93,7 nghìn tỷ, Techcombank của ông Hồ Hùng Anh là 1 trong 3 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường, chỉ kém Vingroup của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng và Masan của ông Nguyễn Đăng Quang.
Trong năm 2018, Techcombank của đại gia Hồ Hùng Anh đã ghi nhận kết quả kinh doanh đạt kỷ lục với tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 16.927 tỷ đồng, cao hơn 10% so với năm trước; lợi nhuận trước thuế 10.661 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2017. Đây cũng là ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận trong khối ngân hàng tư nhân và trong cả hệ thống Techcombank đứng vị trí thứ 2 sau Vietcombank về con số lợi nhuận.
Năm 2018, lợi nhuận trên tổng tài sản (ROAA) của Techcombank đạt 2,9%, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROEA) đạt 21,5%, tỷ lệ nợ xấu 1,8%. Vốn chủ sở hữu của ngân hàng đạt 52 nghìn tỷ đồng, cũng là mức cao nhất trong nhóm ngân hàng tư nhân.
Theo ông Nguyễn Lê Quốc Anh, CEO Techcombank, kết quả này có được là từ sự tăng trưởng trong tất cả các mảng kinh doanh của ngân hàng, với tăng trưởng tín dụng toàn ngân hàng đạt 20% trong năm 2018.
Hoạt động bán lẻ đạt mức tăng trưởng mạnh dựa trên những nền tảng bền vững đã được xây dựng trong nhiều năm qua. Cho vay mua nhà đạt mức tăng trưởng 20%, kéo theo tỷ trọng cho vay cá nhân trên tổng danh mục cho vay của ngân hàng lên tới 45%.
Ngoài ra, huy động cá nhân tăng trưởng 17% cũng giúp tỷ lệ CASA trên tổng huy động của Techcombank đạt kỷ lục 28,7%.
Phân tích rõ hơn về cơ cấu nguồn thu của Techcombank trong năm 2018, đại diện ngân hàng này cho biết “60% doanh thu của Techcombank hiện là thu nhập từ lãi, 22% nguồn thu đến từ thu nhập từ phí (doanh thu ngoài lãi) như phí sản phẩm bảo hiểm liên kết ngân hàng, tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Tỷ lệ đóng góp từ thu nhập ngoài lãi tăng lên gấp 3 lần trong 3 năm vừa qua, từ mức 1.200 tỷ lên mức 3.600 tỷ như hiện nay.
Ngoài ra, Techcombank cũng đã giảm tỷ lệ cho vay từ doanh nghiệp lớn chuyển sang doanh nghiệp nhỏ, qua đó Techcombank gia tăng thêm được nguồn thu từ các dịch vụ do những doanh nghiệp này sử dụng.
“Sự chuyển dịch cơ cấu nguồn thu này khiến cho lợi nhuận của Techcombank trở lên bền vững hơn và Techcombank sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng thu từ dịch vụ trong năm 2019”, lãnh đạo Techcombank khẳng định.
Hai nhân vật này vừa mới được Forbes vinh danh tỷ phú đô la với tài sản lần lượt 1,7 tỷ và 1,3 tỷ USD.