Tỷ giá một năm nhìn lại

Dù có giai đoạn leo dốc đứng trong một vài tháng đầu năm 2020, nhưng sau đó tỷ giá USD/VND giảm sâu cho đến nay. Giá trị của đồng USD trượt dài do những cú sốc kép từ chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương (NHTW) các nước trên thế giới, triển vọng tiêu cực về tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2020.

Những tháng đầu năm huy hoàng

Bốn tháng đầu năm 2020 là giai đoạn tăng trưởng mạnh của tỷ giá USD/VND. Tỷ giá trung tâm leo lên mức 23,245 đồng/USD vào ngày 25/02, tăng 0.4% so với đầu năm do giá USD tăng mạnh, đây cũng là đỉnh mới được thiết lập trong suốt 3 năm qua.

Nguồn: SBV

Nguồn: SBV

Dù vậy, mức đỉnh này nhanh chóng bị phá vỡ khoảng 2 tháng sau đó, tỷ giá trung tâm tiếp tục leo lên mốc mới 23,272 đồng/USD vào ngày 24/04.

Trong 4 tháng đầu năm, giá mua USD tại ngân hàng dao động quanh mức 23,075-23,300 đồng/USD, và giá bán USD dao động trong khoảng 23,230-23,510 đồng/USD. Còn trên thị trường tự do, giá mua vào dao động ở mức 23,170-23,450 đồng/USD và giá bán dao động 23,180-23,500 đồng/USD.

Trong khi trước đây, giá bán USD trên thị trường tự do luôn thấp hơn tại ngân hàng thì giờ đây đảo chiều cao hơn hẳn. Cũng vì vậy, để bình ổn tỷ giá, vào ngày 24/03/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh tỷ giá bán USD tại Sở giao dịch NHNN với tỷ giá mua – bán ở mức 23,175-23,650 đồng/USD, giữ nguyên giá mua vào và giảm giá bán 257 đồng (tương đương hơn 1%) so với mức công bố hôm 23/03. Như vậy, mức giá bán tại Sở giao dịch NHNN rẻ hơn so với các ngân hàng thời điểm đó khoảng 100 đồng.

Với mức này, NHNN chấp nhận bán ra đồng bạc xanh với giá rẻ hơn thị trường để các ngân hàng thương mại có thể sở hữu nguồn USD giá rẻ.

Nguồn: tygiadola.com

Nguồn: tygiadola.com

Sau khi có sự can thiệp của NHNN, đà tăng của tỷ giá đã được giảm lại. Giá bán USD trên thị trường tự do quay trở lại thấp hơn giá USD tại ngân hàng. Đồng thời, NHNN vẫn giữ tỷ giá bán USD tại Sở Giao dịch cố định ở mức 23,650 đồng/USD trong 3 tháng tiếp theo. Đến ngày 16/07, NHNN đã tăng giá bán USD tại Sở Giao dịch lên mức 23,873 đồng/USD và theo đó tỷ giá bán USD tại Sở Giao dịch lại được điều hành theo biến động của tỷ giá trung tâm.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tỷ giá điều hành tăng mạnh thời gian này là do diễn biến tăng giá sốc của USD trên thị trường thế giới. Cụ thể, chỉ số USD-Index - đo lường sức mạnh của đồng USD - đã bật tăng từ 94 điểm (01/01/) lên 103 điểm (19/03), lần đầu tiên lại vượt qua ngưỡng 100 điểm kể từ đầu năm 2017. So với đầu năm, chỉ số USD-Index đã tăng 5.8%, giá USD thời điểm này ở mức cao nhất trong vòng 3 năm qua so với EUR; trong khi so với GBP, thì USD tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1985.

Cú sốc từ đại dịch Covid-19 đe dọa gây ra một đợt suy thoái kinh tế trên toàn cầu và vì thế các nhà đầu tư tìm đến đồng USD như một kênh trú ẩn an toàn khi các tài sản chính như cổ phiếu, trái phiếu đều có xu hướng giảm giá rất mạnh trong giai đoạn này. Trong khi đó, nguồn cung USD bên ngoài Mỹ lại khá khan hiếm, càng đẩy đồng tiền này tăng giá mạnh. Ngoài ra, các nhà đầu tư đẩy mạnh bán các tài sản để lấy USD bổ sung ký quỹ trên thị trường tài chính cũng góp phần làm tăng giá USD.

Hành trình xói mòn giá trị của đồng bạc xanh

Sau giai đoạn thăng hoa, đà tăng của tỷ giá trung tâm USD/VND chững lại và bước vào giai đoạn giảm đều từ ngày 19/05 cho đến nay. Tính đến ngày 29/12/2020, tỷ giá trung tâm USD/VND quay trở về mức xuất phát của đầu năm 2020, xấp xỉ 23,150 đồng/USD.

Tỷ giá USD/VND tại ngân hàng và trên thị trường tự do cùng suy giảm và đi ngang sau sự can thiệp của NHNN kể từ ngày 24/03/2020. Tính đến ngày 29/12/2020, giá mua-bán USD tại ngân hàng phổ biến ở mức 23,010-23,220 đồng/USD và giá mua-bán trên thị trường tự do phổ biến ở mức 23,290-23,320 đồng/USD. Trong đó, giá mua vào USD tại ngân hàng giảm 0.3% so với đầu năm 2020 trong khi giá bán ra chỉ giảm 0.04%.

Trái với diễn biến trên thị trường ngân hàng, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do giữa tháng 12 lại có xu hướng tăng nhẹ 0.5% và 0.6% so với đầu năm và cao hơn ngân hàng lần lượt 280 đồng và 100 đồng bởi chênh lệch giá vàng trong nước – giá vàng thế giới đang ở mức cao, lên tới hơn 3 triệu đồng/lượng tại ngày 29/12/2020.

Nguồn: tradingview.com

Nguồn: tradingview.com

Một trong những yếu tố khiến tỷ giá giảm đó chính là bởi đồng USD suy yếu trở lại. Chỉ số USD-Index bắt đầu giảm giá trị từ ngày 20/03/2020 đến nay do các gói kích thích hỗ trợ nền kinh tế Mỹ, chế độ in tiền của Fed và kỳ vọng về các gói kích thích mới hỗ trợ nền kinh tế trong tương lai.

Từ ngày 03/12/2020, chỉ số USD-Index đã giảm về mức 90 điểm, đây là mức thấp nhất của chỉ số trong vòng 3 năm trở lại, đồng thời giảm 10% kể từ mức cao của tháng 3/2020.

Bên cạnh đó, nguồn cung USD tại Việt Nam được đánh giá dồi dào nhờ thặng dư thương mại. Tổng Cục Hải quan cho biết tính chung 11 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu kỷ lục 20.1 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10.8 tỷ USD).

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết dự trữ ngoại hối đã đạt khoảng 92 tỷ USD. Đây là mức dự trữ ngoại hối kỷ lục của Việt Nam. Con số đến cuối năm nay có thể đạt 100 tỷ USD, gấp 5 lần mức 20 tỷ USD vào đầu nhiệm kỳ.

Do đó, sau gần 1 năm duy trì giá mua ở mức 23,175 đồng/USD kể từ ngày 29/11/2019, Sở Giao dịch NHNN đã hạ giá USD mua vào xuống 50 đồng, về mức 23,125 đồng/USD vào phiên chiều 24/11/2020. Lần giảm giá USD mua vào  của Sở Giao dịch NHNN mạnh hơn năm 2019 trong bối cảnh NHNN mua vào một lượng lớn ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại, tương đương khoảng hơn 30,000 tỷ đồng (theo số liệu từ SSI Research).

Việc NHNN hạ giá mua vào USD sẽ giảm lực hút ngoại tệ, giúp nguồn cung ngoại tệ ở lại thị trường nhiều hơn, góp phần ổn định tỷ giá trong nước trong bối cảnh nhu cầu ngoại tệ có xu hướng tăng vào cuối năm.

Trong báo cáo mới nhất dự đoán bức tranh tỷ giá năm 2021, ông Tim Evans – Tổng Giám đốc của Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, có cơ sở để kỳ vọng tỷ giá tiếp tục được điều hành theo cơ chế linh hoạt. Đáng chú ý, với việc dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, NHNN có đủ công cụ và nguồn lực để điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, đáp ứng cung-cầu thị trường. Tuy nhiên, vẫn có những thách thức cần quan sát và theo dõi như lộ trình phân phối vaccine cho Covid-19, đà hồi phục của chuỗi cung ứng toàn cầu, quá trình chuyển giao bầu cử Tổng thống Mỹ,...

Tỷ giá USD hôm nay 29/12: Tiếp tục lao dốc

Thị trường ngóng đợi loạt thông tin mới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ái Minh ([Tên nguồn])
Tiền tệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN