Tỷ giá, lãi suất sẽ "đi đâu về đâu" năm 2019
Phía Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nêu quan điểm, áp lực tỷ giá trong năm 2019 sẽ được giảm thiểu. Thế nhưng, với những chuyên gia khác, nỗi lo về tăng tỷ giá vẫn hiệu hữu.
Áp lực hiện hữu
Theo tổng kết của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ giá năm 2018 tăng khoảng 1,5% so với đầu năm trong khi tỷ giá ngân hàng thương mại tăng khoảng 2,8% và tỷ giá thị trường tự do tăng khoảng 3,5% so với đầu năm.
Nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ giá trong nước tăng một phần do chỉ số USD index tăng khoảng 5% so với đầu năm, tăng 9% so với mức đáy hồi tháng 2/2018. Ngoài ra tỷ giá cũng phải chịu áp lực từ phía lạm phát.
Phân tích thêm, báo cáo của Ban Phát triển thị trường tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho thấy, áp lực tăng tỷ giá năm qua còn từ những lo ngại về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Canada, Mexico. Chính yếu tố này đã khiến cầu USD tăng.
Theo Ban Phát triển thị trường tài chính, diễn biến tỷ giá năm qua nhìn chung vẫn ổn định vì cơ chế tỷ giá trung tâm và các công cụ điều tiết thị trường ngoại hối phát huy được hiệu quả hạn chế hành vi đầu cơ, găm giữ ngoại tệ.
Ngoài ra, nguồn cung ngoại tệ tương đối dồi dào do vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng khả quan và thặng dư thương mại.
Với năm 2019, báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nêu quan điểm: Áp lực lên tỷ giá được giảm thiểu do các yếu tố tác động trong nước và quốc tế đang có chiều hướng thuận lợi hơn so với dự báo. Cụ thể, khả năng USD sẽ không tăng nhiều thậm chí có thể suy yếu hơn. Ngoài ra, lạm phát trong nước có khả năng kiểm soát khoảng 4% do giá hàng hóa thế giới tăng không lớn sẽ giúp áp lực lên tỷ giá giảm bớt.
Tuy nhiên, đại diện Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) thì cho rằng: Áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu xuất phát từ các yếu tố bên ngoài.
Theo VCBS, áp lực lên tỷ giá trong năm tới được dự báo sẽ bắt nguồn từ xu hướng thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp diễn trong năm 2019 mà trọng tâm là FED và ECB.
VCBS cũng nhắc tới các sự kiện bất ổn từ nhiều điểm nóng chính trị trên thế giới như: Hạn chót để Anh tiến hành đàm phán rời khỏi EU tháng 3 năm 2019 hay các chia rẽ vốn đã tồn tại lâu trong nội bộ khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Các sự kiện này có thể tiếp tục kích hoạt làn sóng tạm thời rút vốn khỏi các kênh đầu tư rủi ro.
Mặc dù vậy, phía VCBS kỳ vọng tính theo biến động tỷ giá trung tâm VND dự báo sẽ giảm giá không quá 3%. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, các chuyên gia của VCBS cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục sử dụng linh hoạt và kết hợp hài hòa các công cụ và hạn chế các mệnh lệnh hành chính như đã thực hiện trong năm 2018.
Theo đánh giá, tỷ giá USD/VND tăng sẽ có tác động tiêu cực đến những doanh nghiệp đang có nhiều nợ vay bằng đồng USD cũng như những doanh nghiệp nhập khẩu ròng. Ngược lại, việc này sẽ có lợi cho những doanh nghiệp xuất khẩu ròng và không có hoặc có ít nợ vay bằng đồng USD.
Tỷ giá USD/VND tăng sẽ có tác động tiêu cực đến những doanh nghiệp đang có nhiều nợ vay bằng đồng USD.
Năm 2019: Mặt bằng lãi suất tăng dưới 0,5%?
Với lãi suất, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, năm 2018, lãi suất vẫn được bình ổn trong bối cảnh hàng chục ngân hàng trung ương trên thế giới phải tăng. Cụ thể, lãi suất tiền gửi bình quân năm 2018 tăng từ 5,11% (năm 2017) lên 5,25%. Lãi suất cho vay bình quân khoảng 8,91% (năm 2017: 8,86%).
Lãi suất tăng nhẹ theo ông chủ yếu do kỳ vọng lạm phát tăng trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới biến động và các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nguồn vốn.
Với 2019, theo ông, có nhiều cơ sở để kỳ vọng vào hệ thống ngân hàng Việt Nam, hệ thống tài chính Việt Nam tiếp tục phát triển an toàn.
Đây cũng là quan điểm được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nêu lên. Theo đánh giá từ cơ quan này, năm 2019, lãi suất có những yếu tố thuận lợi do áp lực lạm phát có thể giảm bớt khi giá dầu thế giới không biến động nhiều. Ngoài ra, đồng USD dự báo suy yếu sẽ làm giảm áp lực từ phía tỷ giá.
Với những chuyên gia của VCBS, áp lực tăng lên lãi suất cho huy động năm 2019 là hiện hữu nhưng dư dịa tăng trong năm tới được đánh giá là không nhiều.
"Chúng tôi dự đoán, lãi suất huy động sẽ tăng khoảng 50 điểm (0,5%) tập trung nhiều vào giai đoạn cuối năm 2019, tại các kỳ hạn không chịu sự khống chế của NHNN" phía VCBS dự báo.
Đối với lãi suất cho vay, trong bối cảnh lãi suất huy động được dự báo tăng, áp lực lên lãi suất cho vay phần nào có thể được lý giải.
Trong báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng có đánh giá tương đồng. Theo công ty này, lạm phát có tác động lớn tới mặt bằng lãi suất huy động. CPI 2019 được dự báo sẽ dao động quanh mức 3,5% (tương đương với năm 2018) nên mặt bằng lãi suất năm 2019 nhiều khả năng sẽ không có nhiều thay đổi so với cuối năm 2018.
Tuy vậy, nhằm đáp ứng tỷ lệ giảm vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 45% xuống còn 40%, lãi suất theo BVSC vẫn có thể tăng cục bộ tại một số ngân hàng nhưng mức tăng sẽ không quá lớn (dưới 0,5%).
Ngày 20/12, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) lần thứ 4 trong năm 2018 đã tăng lãi suất thêm 0,25%. Theo dự báo mới của FED, lãi...