Tương lai nào cho ngành ô tô Việt Nam?

Hiện nay tỷ lệ nội địa hóa ô tô mới đạt từ 7-10%. Theo các chuyên gia, để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cần ban hành những chính sách mạnh mẽ hơn để bảo vệ và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp nội địa.

Xe nhập chiếm lĩnh thị trường

Theo số liệu từ Cục công nghiệp, Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có sự phát triển khá nhanh trong vài năm lại đây. Số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước có tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 10% trong giai đoạn 2015-2018, đạt 250 nghìn xe vào năm 2018.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2019, Việt Nam nhập khẩu tới 133.696 ô tô nguyên chiếc các loại, tăng 95,6% so với cùng kỳ năm trước

Tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2019, Việt Nam nhập khẩu tới 133.696 ô tô nguyên chiếc các loại, tăng 95,6% so với cùng kỳ năm trước

Tuy nhiên, sản lượng năm 2017 và 2018 lại giảm khoảng 9% và 3% so với năm trước đó. Việc sụt giảm này được đánh giá là do tác động của việc giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước ASEAN, từ mức 50% năm 2015, xuống 40% năm 2016, 30% năm 2017 và 0% năm 2018.

Nền tảng sản xuất còn thấp là một trong những nguyên nhân làm nền công nghiệp ô tô không ứng phó được với cạnh tranh về giảm thuế. Điển hình là tỷ lệ về nội địa hóa. Sau gần 20 năm phát triển ngành công nghiệp ô tô, đến nay phân khúc xe khách, xe tải cơ bản đáp ứng mục tiêu đề ra, là 20% và 45% theo từng loại xe.

Riêng với xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi thì tỷ lệ nội địa hóa mới đạt bình quân 7-10%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra. Sản phẩm nội địa hóa cũng mang hàm lượng công nghiệp thấp, như săm, lốp, ghế ngồi, gương kính, ắc quy… Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt tới 70%, thậm chí 80% như ở Thái Lan.

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2019, Việt Nam nhập khẩu tới 133.696 ô tô nguyên chiếc các loại, tăng 95,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống là 99.261 chiếc, gấp 2,3 lần; ô tô vận tải là 28.427 chiếc, tăng 36,4% so với  11 tháng năm 2018. Trong đó, chủ yếu có xuất xứ từ 5 thị trường chính là Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Mexico và Nhật Bản.

Cũng theo khai báo trị giá hải quan, lượng xe nhập từ Thái có giá hơn 442 triệu đồng/chiếc, trong khi đó xe của Indonesia là 320 triệu đồng/chiếc. Xe nhập từ 2 quốc gia này đều tập trung vào các mẫu giá rẻ, dung tích xi lanh thấp, để được lợi thế tối đa về thuế, đang cạnh tranh mạnh với xe sản xuất lắp ráp trong nước.

Có thể thấy với tốc độ như hiện nay, xe nhập dần chiếm lĩnh thị trường, đẩy lùi xe sản xuất lắp ráp trong nước.

Không những thế, các cơ quan chức năng đang sửa đổi quy định tại Nghị định 116/2017 NĐ-CP về điều kiện kinh doanh ô tô. Theo đó, sẽ bỏ kiểm tra chất lượng theo lô như hiện nay chuyển sang kiểm tra mẫu xe đại diện cho từng kiểu loại. Cùng với đó là bỏ quy định xe nhập khẩu phải có Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại do nước sở tại cấp.

Theo dự kiến quy định mới này sẽ được thực hiện từ đầu năm 2020. Như vậy hoạt động nhập khẩu sẽ thông thoáng hơn nữa.

Lo ngại xe nội “lép vế”

Theo các chuyên gia, khi thủ tục đơn giản, xe nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam dễ dàng hơn và chắc chắn giá sẽ tiếp tục giảm. Nếu số lượng nhập về nhiều, cạnh tranh giữa các đối thủ tăng lên, giá xe nhập khẩu có thể giảm thêm khoảng 10% nữa, so với hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp đang đầu tư lớn cho sản xuất ô tô trong nước không khỏi lo lắng trước các chính sách thông thoáng đối với xe nhập khẩu sắp ban hành

Nhiều doanh nghiệp đang đầu tư lớn cho sản xuất ô tô trong nước không khỏi lo lắng trước các chính sách thông thoáng đối với xe nhập khẩu sắp ban hành

Trước thông tin này, các doanh nghiệp đang đầu tư lớn cho sản xuất ô tô trong nước không khỏi lo lắng. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, chính sách thông thoáng với xe nhập khẩu sắp ban hành, vậy với xe trong nước thì như thế nào? Xe nhập không bị ngăn cản nữa, vậy cần có chính sách gì để xe trong nước phát triển?...

Tuy nhiên, đến nay các chính sách hỗ trợ DN ô tô trong nước vẫn ở dạng đề xuất, không biết có trở thành hiện thưc hay không.

Được biết, điều các doanh nghiệp mong chờ nhất là chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt mới đến nay vẫn chưa được trình ra Quốc hội. Các cơ quan chức năng đã có đề xuất, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô lên cao hơn hiện nay, cùng với đó là ưu đãi miễn khoản thuế này, cho linh kiện mua trong nước để lắp ráp xe.

Bên cạnh đó là các ưu đãi về thuế thu nhập DN, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, chuyển giao công nghệ hay ưu đãi vốn vay cho người mua xe trong nước sản xuất lắp ráp. Những chính sách này được cho là đủ mạnh để giúp các doanh nghiệp ô tô trong nước có thêm lợi thế cạnh tranh với xe nhập khẩu.

“Đã đầu tư rất lớn vào sản xuất ô tô, chúng tôi rất mong chờ chính sách đột phá từ cơ quan chức năng. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu. Thời gian cứ trôi đi, trong khi chính sách không trở thành hiện thực, DN sẽ phải hứng chịu những rủi ro rất lớn và ngành công nghiệp ô tô khó phát triển”, giám đốc một công ty lo lắng.

Theo Bộ Công Thương, các loại thuế, phí đối với sản phẩm ô tô chưa thực sự hợp lý, chưa tạo thuận lợi cho đa số người dân sở hữu ô tô. Đồng thời, các chính sách liên quan đến ngành chậm ban hành so với các nước trong khu vực, làm mất cơ hội thu hút đầu tư. Cùng với đó, chính sách trong nước thiếu ổn định và đồng bộ, do đó chưa tạo được bước đột phá cho việc phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Cần chính sách “mở đường” cho DN nội

Nói về định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô, ông Đỗ Nam Bình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục công nghiệp cho biết, ngành công nghiệp ô tô được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp đi đầu, kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp khác.

Công nghiệp ô tô là “khách hàng” của nhiều ngành công nghiệp có liên quan như kim loại, cơ khí, điện tử, hóa chất… Vì vậy, sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô được xem là nhân tố tác động tích cực thúc đẩy những ngành có liên quan phát triển, tạo động lực xây dựng nên công nghiệp.

Do đó, để ngành công nghiệp ô tô nội địa phát triển, một số chuyên gia cho rằng, trước hết cơ quan chức năng cần tập trung xây dựng, hoàn thiện các chính sách thuế nội địa nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước tăng khả năng cạnh tranh trước làn sóng xe nhập khẩu trong thời gian tới. Ngoài ra, cần có cơ chế ưu đãi, chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy mở rộng hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp hỗ trợ trong nước phù hợp với tình hình mới.

Đặc biệt, muốn thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, khi hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ theo cam kết quốc tế, cần ban hành và đề xuất ban hành những chính sách mạnh mẽ hơn để bảo vệ và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp nội địa. Đồng thời, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong nước để có thế cạnh tranh với sản phẩm nguyên chiếc nhập khẩu.

Nguồn: [Link nguồn]

Ô tô nhập khẩu miễn thuế về nhiều nhưng giá vẫn không rẻ

Ông Lê Mạnh Hùng, Cục phó Cục Thuế Xuất nhập khẩu (Tổng Cục Hải quan- Bộ Tài Chính) cho biết, theo hiệp định FTA năm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Giá xe ô tô Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN