Từ vụ DN có vốn 144.000 tỷ: Đừng nhìn vào vốn đăng ký để đánh giá doanh nghiệp
Từng hào hứng trước thông tin về một doanh nghiệp cổ phần Việt Nam đăng ký vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Thế Hùng cũng khẳng định không thể chỉ nhìn vào vốn đăng ký để đánh giá về quy mô của doanh nghiệp đó.
Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết trong tháng 1, một doanh nghiệp đã đăng kí thành lập mới với số vốn đăng kí 144.000 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD).
Qua tìm hiểu, doanh nghiệp này có tên Công ty CP tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco). Điều bất ngờ với giới tài chính trong nước là người đại diện của công ty ông Nguyễn Gia Phong sinh năm 1979, không phải là một đại gia Việt hay doanh nhân nổi tiếng.
Ngoài ra, cơ cấu cổ đông của công ty còn 2 cá nhân khác là bà Kim Thị Phương và ông Nguyễn Hoàn Sơn. Trong đó, ông Phong và bà Phương đóng góp 43,2 nghìn tỷ đồng, tương đường 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. Ông Nguyễn Hoàn Sơn góp 40% vốn, tương ứng 56,7 nghìn tỷ đồng.
Dù sở hữu vốn đăng ký lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng nhưng USC Interco lại có trụ sở đăng ký kinh doanh tại một ngôi nhà nhỏ ở thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên, một cán bộ văn phòng của xã Kim Chung cho biết nhiều khả năng doanh nghiệp đăng ký vốn ảo vì ông ở gần nhà bà Kim Thị Phương, một trong 3 cổ đông của công ty và hiểu rõ hoàn cảnh gia đình của bà này.
Luật sư Nguyễn Thế Hùng đánh giá việc doanh nghiệp đăng ký “vốn ảo”, về mặt thực tế là vẫn có thể xảy ra
Luật sư Nguyễn Thế Hùng, Công ty Luật BIZLINK cho biết ban đầu ông khá hào hứng trước thông tin về một doanh nghiệp cổ phần Việt Nam đăng ký vốn điều lệ nhiều tỷ USD vượt qua nhiều tập đoàn, ngân hàng hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ hơn thông tin về các cổ đông và trụ sở doanh nghiệp của USC Interco được công bố, luật sư Hùng đã đặt câu hỏi về sự xác thực của việc đăng ký số vốn điều lệ của doanh nghiệp này.
Theo luật sư Hùng, việc doanh nghiệp đăng ký “vốn ảo”, về mặt thực tế là vẫn có thể xảy ra bởi theo nguyên tắc đăng ký kinh doanh, thì tổ chức, cá nhân “tự đăng ký, tự chịu trách nhiệm” về nội dung đăng ký.
Trường hợp Doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân sử dụng con số hiển thị trên dòng “Vốn Điều lệ” của Doanh nghiệp để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì tùy vào hành vi cụ thể, sẽ có những chế tài riêng để áp dụng.
Để đánh giá về một doanh nghiệp, cần có một cách tiếp cận toàn diện, cụ thể là ngoài yếu tố vốn điều lệ ghi trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cần tìm hiểu các yếu tố khác như: cổ đông, thành viên góp vốn, danh tiếng, uy tín của các nhân sự quản trị, điều hành doanh nghiệp, xếp hạng tín nhiệm tín dụng, xếp hạng doanh nghiệp của các tổ chức đánh giá tín nhiệm, kết quả hoạt động kinh doanh, đối tác của doanh nghiệp.
Luật sư Hùng khẳng định Luật Doanh nghiệp năm 2014 tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh bao gồm quyền chủ động lựa chọn ngành nghề kinh doanh, địa bàn kinh doanh và số vốn đưa vào hoạt động kinh doanh; doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo.
Tuy nhiên, đối với các tổ chức/cá nhân không góp đủ số vốn đã đăng ký hoặc chậm góp vốn nhưng không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh, thì có bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, đồng thời với việc phạt tiền này, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đăng ký điều chỉnh vốn Điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp.
Luật sư Bùi Quang Hưng (đứng) cho biết doanh nghiệp đã mạo hiểm khi đăng ký vốn hàng tỷ USD
Trong khi đó, luật sư Bùi Quang Hưng của Văn phòng luật sư BQH và cộng sự cho biết ông cũng rất bất ngờ trước số vốn đăng ký lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp nói trên. Theo ông, dù luật pháp cho phép các cá nhân được tự do đăng ký kinh doanh, nhưng khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, người đăng ký cần căn cứ vào mục đích kinh doanh, thực tế số vốn của mình. Nếu đăng ký vốn quá lớn nhưng sau này không nộp đủ doanh nghiệp sẽ bị phạt.
Luật sư Hưng đánh giá việc các cổ đông của công ty USC Interco đăng ký số vốn lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng cho thấy sự mạo hiểm của những người làm chủ. Do đăng ký vốn lớn mà không góp được thì rủi ro là dễ bị phạt vì không góp đủ vốn đúng thời hạn.
Theo nhiều chuyên gia, vốn đăng ký kinh doanh khai nhiều không có nghĩa là doanh nghiệp lớn và vốn khai ít không có nghĩa là doanh nghiệp bé. Trên thế giới vẫn có những công ty vốn đăng ký chỉ 1 đô la nhưng có thể làm ăn rất bài bản, có những dự án đầu tư tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đô la ở nhiều quốc gia khác nhau. Ngay ở Việt Nam có nhiều công ty thực tế quy mô, phạm vi kinh doanh rất lớn nhưng vốn điều lệ cũng rất khiêm tốn.
Nguồn: [Link nguồn]
Công ty cổ phần tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC gây bất ngờ khi đăng ký vốn sở hữu lên tới 144.000...