Từ tháng 12, đường bay nội địa sẽ mở cửa hoàn toàn?
Cục Hàng không vừa có văn bản kiến nghị Bộ GTVT cho phép tăng tần suất một số đường bay trong tháng 11 và khai thác bình thường từ tháng 12.
Đề xuất khai thác bay nội địa bình thường từ tháng 12
Cục Hàng không vừa có văn bản kiến nghị Bộ GTVT cho phép tăng tần suất một số đường bay trong tháng 11 và khai thác bình thường từ tháng 12.
Theo đó, Cục Hàng không vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đánh giá việc thực hiện quy định tạm thời và kế hoạch tiếp tục tổ chức khai thác các đường bay nội địa chở khách thường lệ.
Cục Hàng không đề nghị khai thác các chặng bay nội địa bình thường trở lại từ tháng 12.
Trong văn bản, Cục Hàng không đề xuất tăng tần suất 3 đường bay trục Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Đà Nẵng và Đà Nẵng - TP.HCM lên tổng số không quá 19 chuyến khứ hồi/ngày trong tháng 11.
Đáng chú ý, cơ quan này đề nghị khai thác các chặng bay nội địa bình thường trở lại từ tháng 12.
Đánh giá việc mở lại mạng bay nội địa thời gian qua, Cục Hàng không cho hay giai đoạn từ 21/10 - 3/11, bốn hãng hàng không Việt Nam đã tổ chức khai thác 42 đường bay nội địa tới toàn bộ 22 cảng hàng không của Việt Nam với tổng cộng 979 chuyến bay khứ hồi (1.958 chặng bay) với tổng lượng khách vận chuyển đạt 170.270 hành khách, hệ số sử dụng ghế trung bình 47,8%.
Sắp có 'xổ số' hóa đơn
Trong Thông tư 78/2021 mới ban hành có quy định về việc Tổng cục Thuế có trách nhiệm hướng dẫn triển khai việc sử dụng mã của cơ quan thuế cấp đối với những hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế để tham gia dự thưởng.
Quy định này nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hóa đơn điện tử nhiều hơn.
Sắp có 'xổ số' hóa đơn.
Bộ Tài chính cho biết theo Nghị định 123/2020 và Thông tư 78/2021, đối tượng áp dụng hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền là các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai.
Trong đó, các đối tượng này bao gồm nhóm đang sử dụng hóa đơn điện tử có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế, nhưng có hoạt động cung cấp hàng hoá, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng theo mô hình kinh doanh.
Tới đây Bộ Tài chính cho biết sẽ có hướng dẫn triển khai việc sử dụng mã của cơ quan thuế cấp để tham gia dự thưởng trong thời gian tới, phù hợp với lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử.
Đề xuất miễn lệ phí trước bạ với ôtô điện trong 3 năm đầu
Theo văn bản giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp về dự án nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 140/2016 quy định về lệ phí trước bạ, Bộ Tài chính đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp liên quan việc thu lệ phí trước bạ với ôtô điện chạy pin.
Trên cở sở các ý kiến tham gia, Bộ Tài chính đã hoàn thiện tại dự thảo Nghị định phương án quy định mức lệ phí trước bạ lần đầu đối với ôtô điện chạy pin là 0% trong 3 năm đầu từ ngày Nghị định có hiệu lực và bằng 50% mức thu đối với ôtô chạy xăng, dầu cùng loại có cùng số chỗ ngồi trong vòng 2 năm tiếp theo.
Theo Bộ Tài chính, quy định này có thể khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất ôtô điện, đảm bảo cung ứng xe cho thị trường trong nước và vừa khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xe ôtô điện, từ đó góp phần giảm lượng khí thải phát tán ra môi trường của phương tiện giao thông.
Bên cạnh đó, lộ trình này cũng tránh gây áp lực đến ngân sách Nhà nước, đặc biệt là ngân sách địa phương.
Thu thuế cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản tăng mạnh
Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thuế, số thu ngân sách tháng 10 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 121.482 tỷ đồng, bằng 10,9% dự toán. Nếu so với tháng 9 liền trước, số thu ngân sách tháng 10 cao hơn tới 134%, tương đương mức tăng ròng gần 69.500 tỷ.
Lý giải nguyên nhân khiến số thu tháng 10 tăng cao so với tháng 8-9, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết số thu tháng vừa qua có ghi nhận đóng góp từ tiền thuế đã hết thời gian gia hạn khoảng 20.000 tỷ đồng. Bao gồm 15.000 tỷ tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và hơn 5.000 tỷ thuế giá trị gia tăng.
Đáng chú ý, Tổng cục Thuế cho biết trong tháng vừa qua, số thu thuế TNCN ước đạt 9.442 tỷ đồng. Trong đó, riêng thuế TNCN từ chuyển nhượng bất động sản đã vào khoảng 1.400 tỷ, cao gấp đôi so với tháng 9 (số thu tương tự trong tháng 8 là 640 tỷ và tháng 9 là 685 tỷ đồng).
Vì sao thâm hụt thương mại 1,45 tỷ USD?
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 10 ước tính xuất siêu 1,1 tỷ USD, tuy nhiên, tính chung 10 tháng năm 2021 Việt Nam lại nhập siêu 1,45 tỷ USD.
Cụ thể, trong tháng 10, xuất khẩu đã có dấu hiệu phục hồi với kim ngạch ước đạt 27,3 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính từ đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 267,93 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước ước đạt 69,77 tỷ USD, tăng 7,7% và chiếm 26,04% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; khu vực kinh tế nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 198,16 tỷ USD, tăng 20,1% và chiếm tỷ trọng 73,96%.
Về nguyên nhân dẫn tới nhập siêu trong 10 tháng năm 2021, Bộ Công Thương lý giải thứ nhất do kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu tăng, các doanh nghiệp của Việt Nam đã tăng lượng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ cho sản xuất.
Thứ hai, giá cả hàng hóa thế giới tăng nên giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, góp phần tăng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Thứ ba, giá cước vận tải biển tăng cũng làm tăng chi phí, tăng trị giá nhập khẩu.
Cuối cùng là xuất khẩu giảm tốc từ tháng 6. Cụ thể, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam được đánh giá đang có những thuận lợi khi khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng Việt Nam có lợi thế.
Nguồn: [Link nguồn]
Tuần qua giá vàng thế giới vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce. Đa số nhà đầu tư và chuyên gia cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục...