Tự độ ô tô thành "căn hộ di động" đi khắp nơi: Coi chừng bị phạt
Gần đây, một số tờ báo và diễn đàn mạng chia sẻ, và dành nhiều lời khen cho câu chuyện nhiều gia đình tự độ xe ô tô thành căn phòng di động có thể vi vu khắp nơi. Tuy nhiên, những chủ phương tiện kiểu này không biết đã vi phạm pháp luật, gây nguy hiểm không chỉ cho gia đình chủ xe, còn nhiều người đi đường...
Chủ xe tháo ghế để "biến" chiếc xe 5 chỗ ngồi thành "căn nhà di động". Ảnh trên FB cá nhân chủ xe.
Theo đó, chủ xe là Huỳnh Lý H., đã chia sẻ lại câu chuyện đưa vợ và con nhỏ vi vu khắp nơi trên chiếc xe hoán cải từ ô tô con 5 chỗ ngồi, nhãn hiệu Suzuki Wagon R, được anh mua năm 2017 với số tiền 90 triệu đồng. Theo anh H., cả 2 vợ chồng đều có đam mê “phượt”, do tài chính eo hẹp nên chọn mua lại xe cũ, sau đó bổ sung thật nhiều trang bị tiện ích khác để chiếc xe trở thành “căn nhà di động”.
Khi mua được xe, anh H. lên mạng tham khảo và tự thiết kế, thi công trong vòng 1 năm, với giường nằm, tủ, kệ, thậm chí là vòi hoa sen để tắm rửa trên xe. Chiếc xe sau đó được anh H. sử dụng chở vợ và con nhỏ vi vu tới nhiều nơi, như: Phan Thiết (Bình Thuận), Đà Lạt (Lâm Đồng), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu)...
Câu chuyện trên đã được nhiều người chia sẻ, bình luận, cho rằng chủ nhân đã rất sáng tạo, và hỏi về kinh nghiệm “độ” xe để nghiên cứu học lại.
Chiếc xe đã cải tạo được chủ xe chở vợ và con nhỏ vi vu qua nhiều tỉnh thành.
Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, việc cải tạo, hoán cải xe như trên là hoàn toàn trái quy định. Đặc biệt, chiếc xe được sử dụng tham gia giao thông không chỉ gây nguy hiểm cho gia đình chủ phương tiện, còn uy hiếp an toàn của những người tham gia giao thông.
Theo dữ liệu đăng kiểm, chiếc xe trên có biển kiểm soát 63A-065.93, được kiểm định lần gần nhất vào ngày 8/7/2020, còn hạn kiểm định tới hết năm nay. Xe được kiểm định tại Trung tâm đăng kiểm 62-01S (tỉnh Long An). Tại thời điểm kiểm định và dán thẻ, chiếc xe còn nguyên bản, với 5 chỗ ngồi, sản xuất năm 2003, tại Việt Nam.
Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm, theo Thông tư 85/2014, với phương tiện ô tô muốn được cải tạo, chủ xe phải làm hồ sơ thiết kế gửi Sở GTVT địa phương hoặc Cục Đăng kiểm để thẩm định. Khi được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt thiết kế, chủ xe mới được thực hiện cải tạo. Sau khi (cải tạo) hoàn thành, chủ xe phải đem phương tiện tới trung tâm đăng kiểm để nghiệm thu, nếu đạt thì mới được cấp đăng kiểm.
“Với chiếc xe của anh H., nếu đem xe tới trung tâm đăng kiểm sẽ không được kiểm định. Còn chủ xe tự ý thay đổi kết cấu xe phải tự chịu trách nhiệm. Khi lưu thông trên đường, lực lượng chức năng là cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông có thể kiểm tra, xử phạt”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm nói.
Chúng tôi đã chuyển thông tin phương tiện trên tới Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), nhưng hiện chưa nhận được câu trả lời về xử lý vi phạm của chiếc xe này khi tham gia giao thông.
Theo Cục Đăng kiểm, hiện trung bình mỗi năm có khoảng 10.000 trường hợp xe ôtô thay đổi kết cấu so với thiết kế của nhà sản xuất. Bộ GTVT cũng đang lấy ý kiến sửa đổi quy định về báo cáo trong lĩnh vực đăng kiểm. Theo đó, định kỳ 6 tháng 1 lần, các trung tâm đăng kiểm phải báo cáo Cục Đăng Kiểm và Sở GTVT các địa phương để tổng hợp và báo cáo Bộ GTVT về công tác thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo, nghiệm thu xe cơ giới sau cải tạo...
Chiếc xe còn nguyên bản tại thời điểm đăng kiểm gần nhất. Ảnh cơ quan đang kiểm cung cấp.
Chiếc xe đã được anh H. cải tạo, lắp thêm cả vòi sen phục vụ tắm rửa.
Hàng ghế sau của xe được tháo đi và thay bằng tủ, kệ...
Theo Điều 30, Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt: Chủ xe có thể bị phạt tiền từ 300-400 nghìn đồng nếu không làm thủ tục khai báo với cơ quan đăng ký xe theo quy định trước khi cải tạo xe. Phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân: Tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy; đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, đục lại số khung, số máy trái quy định tham gia giao thông; Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe Phạt tiền từ 2-4 triệu đồng với cá nhân: Tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy; đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, đục lại số khung, số máy trái quy định tham gia giao thông; Phạt tiền từ 6-8 triệu đồng với cá nhân: Tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy (động cơ), hệ thống phanh, hệ thống truyền động (truyền lực), hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất, hoặc thiết kế đã đăng ký với cơ quan đăng ký xe, hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe… Ngoài ra, tuỳ mức độ vi phạm sẽ có hình phạt bổ sung như tước giấy phép lái xe có kỳ hạn, tạm giữ đăng ký, đăng kiểm, yêu cầu khôi phục nguyên trạng thiết kế xe… |
Nguồn: [Link nguồn]
Sau những thất bại trong những năm đầu khi ra trường, ông bố hai con sinh năm 1985 này đã hoàn toàn thay đổi bản thân nhờ...