Từ 1-1-2025, không cung cấp dữ liệu sinh trắc học có thể bị ngừng mọi giao dịch điện tử
Một chùm thông tư đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành đồng bộ với lộ trình triển khai Quyết định 2345, trong đó đưa ra thời hạn từ 1-1 năm tới, khách hàng không cung cấp dữ liệu sinh trắc học có thể bị ngừng mọi giao dịch điện tử.
Những ngày gần đây, việc các ngân hàng yêu cầu xác thực sinh trắc học với các giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu thu hút nhiều sự quan tâm của giới chuyên môn cũng như người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng
“Thượng đế” của một ngân hàng phải được toàn ngành ngân hàng bảo vệ
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 17h ngày 3-7 đã có 16,6 triệu tài khoản ngân hàng được kiểm tra, đối chiếu với dữ liệu của Bộ Công an.
Nhiều mục tiêu nằm sau con số ấy, nhưng công khai và thiết thực nhất với người dùng là giải pháp này sẽ góp phần loại bỏ những tài khoản ngân hàng không chính chủ.
Đây không chỉ là lợi ích, trách nhiệm của từng ngân hàng. Vượt lên trên đó, như ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nói: “Mục đích chung là các ngân hàng phải xây dựng quy trình bảo vệ khách hàng an toàn. Muốn vậy, các đơn vị phải phối hợp bảo đảm tài khoản của khách hàng an toàn, dù khách hàng là khách hàng của ngân hàng nào”.
Thẳng thắn chỉ ra mặt hạn chế trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của toàn ngành, vị Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết vẫn còn hiện tượng khách hàng được bảo vệ tại ngân hàng này nhưng khi tiền được chuyển sang ngân hàng khác lại không được bảo vệ nữa.
"Quan niệm đó nên thay đổi. Thượng đế của một ngân hàng tức là thượng đế của cả ngành ngân hàng, cả ngành chung tay bảo vệ”, ông Hùng nói.
Hiệp hội Ngân hàng đang bắt tay vào việc đó. Cụ thể, Hiệp hội đang xây dựng quy trình xử lý, hỗ trợ phối kết hợp bảo vệ khách hàng, cùng với cơ quan quản lý xây dựng bộ tiêu chí nhận diện giao dịch lừa đảo áp dụng chung cho toàn ngành ngân hàng.
Động thái quyết liệt của nhà điều hành
Quyết định 2345 mà Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 18-12-2023 về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng đang thu hút sự quan tâm những ngày này.
Kèm với đó, nhà điều hành cũng ban hành một loạt văn bản quy phạm pháp luật, gồm Thông tư 15/2024/TT- NHNN về cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; Thông tư 17/2024/TT-NHNN về mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; Thông tư 18/2024/TT-NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng.
Tất cả đều cũng có hiệu lực pháp lý từ ngày 1-7, đồng nhịp với Quyết định 2345.
Điểm mới của Thông tư 17 và Thông tư 18 là từ ngày 1-1-2025, nếu khách hàng không cung cấp dữ liệu sinh trắc học, hoặc dữ liệu qua đối chiếu không khớp, thì tài khoản hiện có của khách hàng đó sẽ bị dừng toàn bộ các giao dịch trên phương tiện điện tử.
Giải thích thêm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết điều kiện để được cung ứng dịch vụ trên môi trường internet là thông tin phải được xác thực sinh trắc học với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà Bộ Công an đang là đầu mối quản lý, vận hành.
Đây là giải pháp để Ngân hàng Nhà nước thực hiện kế hoạch 2025 của mình là quản lý thống nhất trên toàn quốc hệ thống tài khoản, thẻ, ví, đơn vị chấp nhận thanh toán... để rồi có thể đánh giá tổng thể về từng tài khoản. Trên cơ sở đó hỗ trợ các tổ chức tín dụng làm sạch dữ liệu, ngăn chặn các giao dịch có dấu hiệu giả mạo, lừa đảo.
Hiệp hội Ngân hàng rất đồng lòng với nỗ lực của nhà quản lý. Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng nói: "Chúng tôi đang trao đổi xây dựng quy trình chung, cơ chế phối hợp của các ngân hàng cũng như bên công an để xử lý hữu hiệu hơn khi xảy ra vấn đề. Phải có tiêu chí nhận diện giao dịch lừa đảo. Cần sự phối hợp thống nhất hơn giữa các tổ chức tín dụng".
Sẵn sàng các giải pháp đối đầu công nghệ lừa đảo deepfake
Trao đổi với báo chí, Trung tá Triệu Mạnh Tùng – Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) cho biết trên bình diện toàn cầu, lừa đảo qua mạng đang gia tăng và diễn biến phức tạp. Việt Nam đang phối hợp với các quốc gia để có giải pháp đấu tranh hiệu quả hơn.
Thu thập dữ liệu sinh trắc học, gắn giao dịch trên 10 triệu đồng với thủ tục xác thực sinh trắc học theo Quyết định 2345 là một trong những đối sách của Ngân hàng Nhà nước trước vấn nạn này.
Quá trình triển khai Đề án 06, Bộ Công an đã dày công xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, cấp mới, cấp đổi căn cước gắn chip, phát triển ứng dụng VNeID. Giờ là lúc các ngành, nhất là ngân hàng kết nối, phát triển ứng dụng xác thực sinh trắc, vừa để tăng tính an toàn, vừa cùng nhau làm sạch dữ liệu cho nhau.
Về lo ngại khả năng dùng ảnh chụp để qua mặt hệ thống xác thực sinh trắc học, đại diện Bộ Công an cho rằng, các ngân hàng phải đầu tư thiết bị, công nghệ kiểm soát được các thủ thuật giả mạo không chỉ bằng ảnh chụp mà cả các kỹ thuật deepfake hiện và và tương lai.
"Vẫn có rủi ro khi tội phạm phát triển công nghệ deepfake vượt qua lớp bảo mật sinh trắc học. Ngành ngân hàng cùng các cơ quan liên quan phải sẵn sàng giải pháp, phương án để ứng phó", Trung tá Triệu Mạnh Tùng cảnh báo.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo các chuyên gia an ninh mạng, khách hàng không nên quan niệm chỉ chuyển khoản trên 10 triệu mới cần xác thực sinh trắc học, mà số tiền bao nhiêu cũng là quý, việc xác thực sinh trắc học nên áp dụng với mọi giao dịch chuyển khoản.