"Trượt" tỷ phú thế giới, tài sản của ông Trần Đình Long còn bao nhiêu?
Lọt vào danh sách tỷ phú đô la được Forbes ghi nhận năm 2018 nhưng năm nay ông Trần Đình Long đã "rơi" khỏi danh sách này.
Cổ phiếu Hòa Phát tăng trở lại, ông Trần Đình Long cũng trở lại danh sách tỷ phú đô la của Forbes
Cập nhật của Forbes tới ngày 6/3/2019, khối tài sản do ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát - đang sở hữu là 1 tỷ đô la. Con số này thấp hơn 0,3 tỷ đô la so với tháng 3/2018.
Ngoài tài sản của ông Phạm Nhật Vượng vẫn tăng với tốc độ đáng kinh ngạc trong vòng 1 năm qua kể từ tháng 3/2018 thì tài sản của tất cả những vị tỷ phú đô la còn lại của Việt Nam trong danh sách Forbes đều bị giảm.
Đơn cử như tỷ phú giàu thứ hai là bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng giảm từ 3,2 tỷ đô la xuống còn 2,3 tỷ đô la, ông Trần Bá Dương cũng giảm nhẹ 0,1 tỷ đô la xuống còn 1,7 tỷ đô la và ông Trần Đình Long giảm 0,3 tỷ đô la.
Mức giảm của ông Long không lớn so với bà Thảo, song vì lượng tài sản của ông Long ở mức cận dưới nên khi giảm xuống dưới 1 tỷ đô la và đã bị Forbes loại khỏi danh sách những tỷ phú đô la giàu nhất hành tinh.
Ông Long trở lại danh sách tỷ phú đô la với vị trí 1756
Với 1 tỷ đô la tài sản hiện tại, ông Long đã trở lại danh sách kể từ tháng 3/2019 với vị trí 1.756 những người giàu nhất hành tinh, nhưng vẫn không được ghi nhận trong ngày công bố 5/3/2019 (theo giờ địa phương).
Điều này là bởi ngày “chốt sổ” tính toán tài sản của Forbes là 8/2/2019. Tài sản chính của ông Long được Forbes công nhận là từ lượng cổ phần của Hòa Phát mà ông Long sở hữu.
Theo báo cáo quản trị năm 2018 của doanh nghiệp này, ông Long và người thân sở hữu 32,5% vốn của Hòa Phát, riêng ông Long sở hữu trực tiếp 25,15% vốn.
Ở thời điểm Forbes “chốt sổ”, cổ phiếu HPG của Hòa Phát giảm mạnh xuống mức đáy.
Ông Long gặp vận đen khi giá cổ phiếu HPG tạo đáy đúng thời điểm Forbes "chốt sổ" tính toán tài sản để xếp hạng
Đáng chú ý, thời điểm chốt sổ của Forbes (8/2) lại trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại Việt Nam nên thị trường chứng khoán cũng ngừng giao dịch. Phiên cuối cùng của năm Âm lịch chính là phiên giao dịch ngày 1/2.
Đóng cửa phiên này, HPG giảm còn 27.300 đồng/cổ phiếu, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2017 và giảm hơn 40% so với mức 48.000 đồng/cổ phiếu tại thời điểm ông Long được Forbes công nhận là tỷ phú năm 2018.
Do mức giá thấp này đã khiến tài sản của ông Long tại thời điểm tính toán của Forbes rơi xuống dưới mốc 1 tỷ đô la và đã không được ghi nhận trong kỳ công bố danh sách tỷ phú đô la 2019.
Theo hồ sơ Forbes, ông Trần Đình Long là tỷ phú tự thân, hoạt động trong ngày thép và công nghiệp nặng. Ông đã thành lập Tập đoàn Hòa Phát khởi đầu là một nhà phân phối thiết bị và phụ tùng tại Hà Nội năm 1992.
Đến nay, Hòa Phát đã trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam, sản xuất thiết bị văn phòng, ống thép và thép xây dựng.
Hòa Phát cũng đang xây dựng nhà máy thép trị giá 3 tỷ USD tại Dung Quất
Một chi tiết thú vị mà hồ sơ Forbes ghi nhận là vị doanh nhân 58 tuổi này là doanh nhân thứ hai tại Việt Nam mua máy bay riêng, cùng một câu nói rất nỏi tiếng như một triết lý kinh doanh của ông Long là “Một công ty cần phải không ngừng phát triển. Nếu dừng lại, nó sẽ chết”.
Ông chủ Tập đoàn Vingroup đã tăng tới 260 bậc, với tổng tài sản 6,6 tỷ USD.