Trước tranh cãi về HAG, vì sao loạt cổ phiếu bị huỷ niêm yết?
Hàng loạt cổ phiếu đứng trước “án” huỷ niêm yết bắt buộc khiến nhà đầu tư thiệt thòi.
Loạt lý do bị huỷ niêm yết
Cuối năm 2021, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã hủy niêm yết 4.612.953 cổ phiếu VAT của CTCP VT Vạn Xuân kể từ 24/12/2021.
VAT bị huỷ niêm yết do công ty vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, thuộc trường hợp huỷ niêm yết bắt buộc theo quy định Nghị định số 155/2020-NĐ-CP ngày 31/12/2020.
Nhiều cổ phiếu bị huỷ niêm yết thời gian qua. Ảnh minh hoạ
Cụ thể, từ quý 2/2019, công ty chưa công bố các báo cáo tài chính, báo cáo quản trị công ty, báo cáo thường niên, thông tin về việc họp đại hội đồng cổ đông năm 2019, 2021, 2021 và các thông tin bất thường khác theo quy định.
HNX đánh giá mức độ vi phạm nghĩa vụ công thông tin của công ty là nghiêm trọng sau 10 năm doanh nghiệp lên sàn chứng khoán.
Trước VAT, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cũng quyết định huỷ niêm yết toàn bộ hơn 75 triệu cổ phiếu PME của CTCP Pymepharco từ 6/12/2021 do công ty bị hủy tư cách công ty đại chúng.
Trước đó, theo thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), công ty dược lớn thứ 3 trên sàn chứng khoán đã bán mình cho đối tác ngoại (Đức) với tỷ lệ sở hữu gần 100% vốn và không còn đủ điều kiện là công ty đại chúng.
Thương vụ diễn ra khi đầu năm 2021, Hội đồng quản trị PME đã thông qua việc cho phép cổ đông lớn Stada Service Holding B.V - công ty con của Tập đoàn dược phẩm STADA Arzneimittel AG (Đức) và người có liên quan nâng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 100% vốn điều lệ của công ty mà không cần thực hiện chào mua công khai.
Hội đồng quản trị cũ bãi nhiệm, thay thế là người từ Stada. Được biết, cổ đông này gia nhập PME từ năm 2008, sau đó trở thành cổ đông chiến lược nắm giữ 62% vốn. Tính đến cuối năm 2020, Stada Service Holding B.V tăng sở hữu lên 88% và tiếp tục tăng lên 99,5% vào cuối tháng 2/2021.
Một trường hợp khác cũng bị huỷ niêm yết trên HoSE đầu năm 2021 là PXT khi thua lỗ trong 3 năm liên tục (2018, 2019, 2020).
Trước đó, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2018 là 1,96 tỷ đồng, tuy nhiên ý kiến kiểm toán ngoại trừ và cho rằng kết quả kinh doanh trước thuế của công ty năm 2018 bị chuyển từ lãi 1,96 tỷ đồng thành lỗ 1,82 tỷ đồng. Năm 2019 công ty cũng lỗ 21,8 tỷ đồng và năm 2020 lỗ 18,01 tỷ đồng.
Trước VAT, PME và PXT, nhiều cổ phiếu khác cũng bị huỷ niêm yết do vi phạm hoặc không đáp ứng điều kiện để được tiếp tục niêm yết và giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Những cổ phiếu treo lơ lửng “án” rời sàn
Không chỉ cổ phiếu HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai gây chú ý những ngày qua do có khả năng bị huỷ niêm yết bắt buộc do công ty kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tục 2017, 2018 và 2019, nhiều mã cổ phiếu khác cũng trong tình cảnh tương tự.
Đơn cử như cổ phiếu RIC của CTCP Hoàng Gia có khả năng bị hủy niêm yết nếu lợi nhuận sau thuế năm 2021 tại báo cáo kiểm toán năm 2021 âm. Bởi trước đó, báo cáo tài chính quý 4/2021 của RIC ghi nhận lợi nhuận sau thuế cả năm 2021 âm 96,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2021 cũng âm 406,3 tỷ đồng.
Báo cáo kiểm toán các năm 2019, 2020 cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế lần lượt âm 72,79 tỷ đồng và 81,54 tỷ đồng.
Tương tự, cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân cũng đang đối diện “án” hủy niêm yết bắt buộc khi công ty lỗ gần 92 tỷ đồng trong quý 4/2021, đánh dấu quý thứ 12 liên tiếp thua lỗ. Lũy kế năm 2021, công ty lỗ sau thuế hơn 223 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 và 2020 của FTM đã ghi nhận khoản lỗ sau thuế lần lượt là 93,75 tỷ đồng và hơn 200 tỷ đồng.
Một số cổ khác cũng đang đối mặt với “án” bị huỷ niêm yết cũng do kinh doanh thua lỗ như cổ phiếu PIX của CTCP Xây dựng Công nghiệp và Dân dụng Dầu khí.
Chỉ rất ít trường hợp hiếm hoi thoát “án” trong phút chót như cổ phiếu QBS của CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình. Công ty này đã lỗ 2 năm liên tiếp 2019 và 2020 với lần lượt 173 tỷ và 97 tỷ đồng.
Đến quý 4/2021, doanh nghiệp báo lãi đột biến 98 tỷ đồng nhờ khoản lợi nhuận khác đóng góp 75 tỷ đồng giúp cả năm QBS chuyển lãi 491 triệu đồng.
“Phép màu” giúp công ty chuyển lãi là do quý 4 vừa qua, công ty có một khoản chi phí được hoàn nhập 70,8 tỷ đồng sau khi hủy hợp đồng bán 2 miếng đất tại xóm Suối Nảy, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình.
Ngoài ra, doanh nghiệp trích lập dự phòng đầu tư tài chính đối với khoản đầu tư vào Công ty xuất nhập khẩu Đức Nguyễn và CTCP Cảng cạn Quảng Bình – Đình Vũ, giúp giảm chi phí tài chính từ 27,6 tỷ đồng về hoàn nhập 4,5 tỷ đồng.
Thế cờ lật ngược này đã giúp QBS được HoSE thu hồi công văn cảnh báo huỷ niêm yết và cổ phiếu này tiếp tục được ở lại sàn.
Huỷ niêm yết: Cổ đông nhỏ thua thiệt
Theo quy định hiện hành, sau khi hủy niêm yết, các doanh nghiệp sẽ tự động được đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM để duy trì thanh khoản.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia chứng khoán, thanh khoản của cổ phiếu phụ thuộc lớn vào khả năng hồi phục của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có quản trị kém, kinh doanh bết bát, tài chính cạn kiệt, khả năng hoạt động không hiệu quả thì dù đưa lên sàn UPCoM cũng chỉ mang tính hình thức.
Trên thị trường, việc đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết để tăng hàng hoá và việc sàng lọc cổ phiếu yếu kém để tăng chất lượng của “chợ” chứng khoán là việc làm cần thiết nhưng khi cổ phiếu đang giao dịch bị huỷ niêm yết sẽ khiến giá cổ phiếu sụt giảm, thanh khoản kém đi và nhà đầu tư cũng như cổ đông nhất là cổ đông nhỏ chịu thiệt thỏi nhất khi thiếu thông tin về doanh nghiệp.
Thực tế đã có nhiều trường hợp cổ phiếu trước thời điểm bị huỷ niêm yết đã lao dốc không phanh, khối lượng giao dịch “đóng băng”.
Hoặc ngược lại, có nhiều trường hợp các cổ phiếu trước thời điểm hủy có hiện tượng bị làm giá và xả hàng, nếu nhà đầu tư thiếu thông và không tỉnh táo sẽ là người gánh hậu quả. Do đó, nhà đầu tư hãy tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp trước khi mạo hiểm rót tiền vào các mã chứng khoán.
Thị trường có một phiên bứt phá khá tốt nhờ lực kéo của nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Nguồn: [Link nguồn]