Trước khi bị bắt, ông Nguyễn Duy Hưng còn làm lãnh đạo những doanh nghiệp nào?
Ngoài Thuận An Group, trước khi bị bắt ông Nguyễn Duy Hưng cũng đang làm lãnh đạo và người đại diện theo pháp luật của một loạt doanh nghiệp khác.
Tối 15/4, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, căn cứ kết quả điều tra, xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An (Thuận An Group) và các đơn vị, tổ chức có liên quan.
Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét với ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và 5 bị can khác. Theo tìm hiểu, Tập đoàn Thuận An tiền thân là CTCP Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An do ông Nguyễn Duy Hưng sinh năm 1974 làm Chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật.
Thuận An Group được thành lập vào tháng 8/2004 với vốn điều lệ khiêm tốn 3,9 tỷ đồng. Đến năm 2014, vốn đăng ký của doanh nghiệp đã lên 300 tỷ đồng, tức tăng gần 80 lần sau 10 năm. Đến tháng 10/2021, vốn đăng ký của doanh nghiệp tiếp tục tăng mạnh từ 300 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng. Đến tháng 12/2021, doanh nghiệp tiếp tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng. Thuận An Group hiện đóng trụ sở tại số 141 đường Trường Chinh, tổ 20, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội.
Bị can Nguyễn Duy Hưng (áo trắng) và bị can Trần Anh Quang tại cơ quan điều tra. Ảnh: Bộ Công an
Ngoài Thuận An Group, trước khi bị bắt, ông Nguyễn Duy Hưng cũng đang làm lãnh đạo và người đại diện theo pháp luật của một loạt doanh nghiệp khác.
Trong đó, ông Nguyễn Duy Hưng từng giữ vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần đầu tư Haru được thành lập tháng 2/2022 với vốn điều lệ 250 tỷ đồng. Trong đó, ông Hưng và cổ đông Dương Đình Dũng mỗi người góp 82,5 tỷ đồng, tương đương 33% vốn góp, cổ đông Bùi Văn Tiến góp 85 tỷ đồng, tương đương 34% vốn góp của doanh nghiệp này.
Đến tháng 12/2023, Công ty cổ phần đầu tư Haru đổi tên thành Công ty cổ phần xuất nhập khẩu xây dựng vận tải dịch vụ Thành Đạt, vị trí người đại diện theo pháp luật cũng chuyển từ ông Hưng sang ông Lê Văn Lợi sinh năm 1994. Đến tháng 3/2024, doanh nghiệp này giảm mạnh vốn điều lệ từ 250 tỷ đồng xuống chỉ còn 9,9 tỷ đồng tuy nhiên cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.
Mới nhất đầu tháng 4/2024, vị trí lãnh đạo của doanh nghiệp tiếp tục có sự thay đổi khi ông Ngô Quốc Việt sinh năm 2000 thay vị trí ông Lê Văn Lợi giữ vị trí Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật tại Thành Đạt.
Ông Nguyễn Duy Hưng cũng giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ điện lực. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 1/2019 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng gồm 3 cổ đông sáng lập gồm Bùi Công Kiền, Nguyễn Văn Nam mỗi người góp 25 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ góp vốn mỗi người là 25%, cổ đông Phạm Hồng Hà góp 50 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ góp vốn 50%.
Ban đầu ông Phạm Hồng Hà sinh năm 1968 giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật. Ông Hưng được bổ nhiệm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật tại doanh nghiệp này vào tháng 9/2020.
Ông Nguyễn Duy Hưng cũng đang giữ vị trí Chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần phát triển công nghệ tài nguyên xanh từ năm 2019. Doanh nghiệp được thành lập tháng 4/2011, doanh nghiệp có vốn điều lệ 100 tỷ đồng do 4 cổ đông góp vốn. Trong đó, cổ đông Nguyễn Tiến Dũng và Nguyễn Hồng Quang mỗi người góp 45 tỷ đồng, tương đương 45% cổ phần. Cổ đông Nguyễn Bắc Hải góp 3 tỷ đồng và cổ đông Nguyễn Văn Vinh góp 7 tỷ đồng.
Tại thời điểm tháng 11/2016, cơ cấu cổ đông doanh nghiệp này có sự thay đổi khi chỉ còn 2 cổ đông sáng lập góp vốn gồm Nguyễn Tiến Dũng góp 42,5 tỷ đồng, tương đương 42,5% vốn góp và cổ đông Nguyễn Hồng Quang góp 47,5 tỷ đồng, tương đương 47,5% vốn góp. Ông Nguyễn Hồng Quang sinh năm 1975 giữ vị trí Chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Trong thời gian sau đó, doanh nghiệp đã giảm mạnh vốn điều lệ về 30 tỷ đồng. Phải đến tháng 12/2020, doanh nghiệp này mới tăng vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng lên thành 70 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được công bố chi tiết.
Một doanh nghiệp khác ông Hưng giữ vị trí lãnh đạo là Công ty TNHH một thành viên GMC Hà Nội doanh nghiệp được thành lập tháng 10/2020 có ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình điện. GMC Hà Nội có vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Ông Hưng giữ vị trí Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này.
Trước phiên lao dốc giảm điểm như đứt phanh ngày 15/4, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã có hàng chục phiên giảm điểm mạnh trong 3 năm gần nhất.
Nguồn: [Link nguồn]