Trung Quốc trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới
Trung Quốc đã cung cấp hơn 1 nghìn tỷ USD cho các dự án trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường, đưa nước này trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới, một báo cáo mới cho biết.
Trung Quốc cho biết hơn 150 quốc gia đã tham gia BRI. (Ảnh: Reuters)
Bắc Kinh cho biết, hơn 150 quốc gia, trải dài từ Uruguay đến Sri Lanka, đã đăng ký tham gia Vành đai và Con đường (BRI), một dự án hạ tầng toàn cầu mà Chủ tịch Tập Cận Bình công bố từ cách đây 1 thập kỷ.
Trong thập kỷ đầu tiên của dự án, Trung Quốc cung cấp những khoản vay lớn để thực hiện nhiều dự án cầu cảng và đường cao tốc ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.
Hơn một nửa trong số những khoản vay đó giờ đã chuyển sang giai đoạn trả nợ, theo báo cáo của AidData, một viện nghiên cứu ở Mỹ chuyên theo dõi các hoạt động cấp vốn phát triển.
Dựa trên số liệu về hoạt động cấp vốn của Trung Quốc cho gần 21.000 dự án trên khắp 165 quốc gia, AidData cho biết đến nay Bắc Kinh đã cam kết viện trợ và cho vay “khoảng 80 tỷ USD mỗi năm, cho các nước thu nhập thấp và trung bình".
Trong khi đó, Mỹ cung cấp khoảng 60 tỷ USD mỗi năm cho nhóm quốc gia này.
Báo cáo nói rằng Trung Quốc đã trở thành nước cho vay chính thức lớn nhất thế giới.
Tổng số dư nợ, gồm cả gốc nhưng không bao gồm lãi, mà Trung Quốc cho các nước vay đã lên đến ít nhất 1,1 nghìn tỷ USD, AidData cho biết.
AidData ước tính rằng 80% danh mục cho vay của Trung Quốc ở nước ngoài là dành cho những quốc gia đang gặp áp lực tài chính.
Những người ủng hộ BRI ca ngợi sáng kiến này giúp mang đến nguồn lực và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cho Nam bán cầu.
Nhưng những người phản đối chỉ trích các dự án do công ty Trung Quốc thực hiện với giá mập mờ, khiến một số quốc gia như Malaysia muốn đàm phán lại để hạ giá.
Theo báo cáo của AidData, uy tín của Trung Quốc ở các nước đang phát triển bị tổn hại trong những năm gần đây, khiến tỷ lệ ủng hộ nước này giảm từ 56% năm 2019 xuống 40% năm 2021.
Tuy nhiên, báo cáo nói rằng Trung Quốc “đang học từ sai lầm để trở thành nhà quản lý khủng hoảng thành thạo”.
Báo cáo cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực giảm rủi ro của BRI bằng cách áp dụng quy định cho vay giống chuẩn mực quốc tế.
Tại hội nghị cấp cao kỷ niệm 10 năm triển khai BRI diễn ra tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, Bắc Kinh sẽ bơm hơn 100 tỷ USD từ các quỹ mới vào BRI.
Một báo cáo chung công bố năm nay của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác, trong đó có AidData, nói rằng Bắc Kinh buộc phải cung cấp hàng tỷ đô la dưới dạng khoản vay cứu trợ cho các nước tham gia BRI trong những năm gần đây.
Tài sản của người từng giàu nhất Trung Quốc đã giảm 98% so với đỉnh năm 2017.
Nguồn: [Link nguồn]