Trung Quốc đáp trả Mỹ: Tăng thuế lên 125%, niềm tin vào đồng USD lung lay dữ dội

Sự kiện: Tỷ giá USD
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Việc Tổng thống Donald Trump liên tục thay đổi chính sách thương mại và tăng thuế lên hàng hóa từ Trung Quốc đã không chỉ kích hoạt cuộc chiến thương mại leo thang mà còn làm sụp đổ hình ảnh đồng USD như một nơi trú ẩn an toàn toàn cầu. Đồng tiền từng được xem là biểu tượng ổn định của kinh tế thế giới giờ đang mất dần niềm tin từ giới đầu tư quốc tế.

Trung Quốc đã nhanh chóng đáp trả bằng việc nâng thuế đối với hàng hóa Mỹ lên mức tương đương 125% – ngang với mức thuế mà Mỹ vừa áp lên hàng hóa Trung Quốc. Đây là bước leo thang đáng kể trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Động thái này không chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi thương mại của Trung Quốc mà còn gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng Bắc Kinh sẵn sàng đối đầu trực diện nếu Washington tiếp tục gây áp lực.

Giới phân tích cho rằng với việc cả hai bên đều không nhượng bộ, cuộc chiến thương mại có thể kéo dài và tạo ra nhiều hệ lụy hơn nữa cho kinh tế toàn cầu – đặc biệt là với các thị trường mới nổi và doanh nghiệp phụ thuộc vào chuỗi cung ứng quốc tế.

Ngoài ra, việc Trung Quốc thắt chặt kiểm soát dòng tiền và giảm phụ thuộc vào USD có thể khiến hệ thống tài chính quốc tế bước vào giai đoạn điều chỉnh sâu, buộc các nước phải định hình lại chính sách kinh tế.

Đồng USD đang đánh mất vai trò trú ẩn an toàn như thế nào?

Trong vòng một tuần, đồng USD đã chuyển từ biểu tượng an toàn sang tâm điểm chỉ trích của giới đầu tư, sau khi Tổng thống Trump bất ngờ tăng thuế mạnh tay lên hàng hóa Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Động thái thiếu ổn định này đã khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo.

Thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ – vốn là nơi thu hút các dòng tiền trú ẩn – đã ghi nhận mức tăng chi phí vay lớn nhất kể từ năm 1982. Giới đầu tư quốc tế ồ ạt rút vốn, phản ánh rõ sự mất niềm tin vào nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh thương chiến chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ray Attrill, trưởng chiến lược ngoại hối tại Ngân hàng Quốc gia Úc, nhận định: “Mỹ gần như đã đánh mất hình ảnh quốc gia an toàn trong mắt nhà đầu tư quốc tế chỉ sau một đêm”.

Cảm nhận chung là nền kinh tế Mỹ có thể bị tổn thương nhiều hơn các nền kinh tế khác trong ngắn hạn, bởi chính sách thuế của chính họ đang gây tác dụng ngược.

Đồng USD hiện đang trên đà ghi nhận năm tồi tệ nhất kể từ 2017. Trong phiên giao dịch gần nhất, USD rớt xuống mức thấp nhất trong 10 năm so với đồng franc Thụy Sĩ – một loại tiền tệ trú ẩn khác. So với đồng euro, USD cũng chạm mức yếu nhất trong hơn ba năm.

Theo Attrill, toàn bộ nền tảng của đồng USD với vai trò là đồng tiền dự trữ toàn cầu đang bị thách thức, đặc biệt sau những biến động kể từ khi ông Trump nhậm chức.

Kể từ sau Thế chiến thứ hai, hệ thống Bretton Woods đã giúp USD trở thành đồng tiền trung tâm của thương mại toàn cầu. Dù hệ thống này sụp đổ vào thập niên 1970, vai trò của đồng USD vẫn tiếp tục được duy trì. Tuy nhiên, chính sách “xoay như chong chóng” của Trump đã khiến giới đầu tư đặt dấu hỏi về độ tin cậy của chính quyền Mỹ.

Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu – mất hàng nghìn tỷ USD – là bằng chứng rõ ràng về tác động tiêu cực từ chính sách thương mại thiếu nhất quán của Mỹ.

Theo chuyên gia Richard Yetsenga từ ANZ, “dù 90 ngày tới có diễn biến ra sao, thì danh tiếng quốc tế của Mỹ đã bị tổn hại nghiêm trọng”. Ông nhấn mạnh rằng nền kinh tế toàn cầu hiện đã yếu đi so với thời điểm trước khi các mức thuế được áp dụng.

Martin Whetton, trưởng bộ phận chiến lược thị trường tài chính tại ngân hàng Westpac, mô tả sự sụt giảm nhanh chóng của đồng USD và biến động trong thị trường trái phiếu Mỹ là “dấu hiệu của việc tấm khiên an toàn tài chính đang bị bóc trần”.

Việc mất uy tín khiến Mỹ phải trả lãi cao hơn để vay tiền từ các nhà đầu tư. Tình trạng thậm chí nghiêm trọng đến mức Mỹ hiện đang phải trả lãi vay cao hơn cả những quốc gia từng được xem là rủi ro cao như Ý, Tây Ban Nha hay Hy Lạp.

Dù một số chuyên gia nhận định sự sụt giảm của USD có thể chỉ là tạm thời, nhưng bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy USD không còn là nơi trú ẩn an toàn đều gây ảnh hưởng lớn đến nhà đầu tư toàn cầu.

Trung Quốc đáp trả Mỹ: Tăng thuế lên 125%, niềm tin vào đồng USD lung lay dữ dội - 1

Điều gì sẽ xảy ra nếu đồng USD tiếp tục yếu?

Một đồng USD yếu đi sẽ dẫn đến việc lãi suất tại Mỹ phải duy trì ở mức cao lâu hơn, vì áp lực lạm phát nội địa sẽ lớn hơn. Điều này có thể gây bất lợi cho cả thị trường trái phiếu lẫn chứng khoán – vốn là nơi mà nhà đầu tư toàn cầu đã đổ vào hàng chục nghìn tỷ USD trong những thập niên qua.

Tính đến cuối năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ tới 33 nghìn tỷ USD tài sản tài chính của Mỹ, gồm trái phiếu và cổ phiếu. Nếu xu hướng mất niềm tin tiếp diễn, một phần dòng vốn này có thể rút khỏi thị trường Mỹ.

Chris Wood, trưởng chiến lược cổ phiếu toàn cầu của Jefferies, nhận định chính quyền Trump đang theo đuổi một chương trình cải cách tài chính toàn cầu đầy tham vọng mà dường như không nhận thức được thực tế: Mỹ phụ thuộc sâu sắc vào nguồn vốn từ nước ngoài.

Sự bất ổn từ chính sách thương mại và tài chính của Mỹ không chỉ đe dọa vị thế toàn cầu của đồng USD mà còn có thể gây ra khủng hoảng niềm tin dài hạn trong hệ thống tài chính quốc tế.

Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố tạm thời hoãn áp thuế nhập khẩu cao đối với hầu hết các nước đối tác thương mại của Mỹ trong 90 ngày, nhưng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kì Lân (Theo Reuters) ([Tên nguồn])
Tỷ giá USD Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN