Trung Quốc có giải cứu ''ngôi sao'' bất động sản đang bên bờ sụp đổ?
Có khả năng Trung Quốc sẽ không can thiệp vào cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande để ổn định thị trường bất động sản trong tương lai.
Các nhà đầu tư trên thế giới đang hướng về Trung Quốc, nơi ông trùm bất động sản Evergrande đang "vật lộn" với món nợ 300 tỉ USD. Evergrande từng là ngôi sao trên thị trường bất động sản Trung Quốc hiện đang rơi vào khủng hoảng nợ dù đang nắm trong tay 1.300 dự án trên 280 thành phố tại Trung Quốc.
Thế nhưng tại sao Evergrande lại gặp rắc rối?
Nguyên nhân chính là do vào năm ngoái, khi chính quyền Trung Quốc siết chặt các quy định về nợ với các công ty bất động sản, Evergrande bắt đầu lâm vào tình trạng thiếu tiền và buộc phải bán rẻ các dự án để có dòng tiền hoạt động. Hai nhân tố này đã dồn nén ông trùm này vào thế không thể trả lãi cho các khoản vay. Nếu Evergrande sụp đổ, điều gì sẽ ảnh hưởng đến thị trường?
Theo các chuyên gia, Evergrande được cho là đang nợ khoảng 171 ngân hàng trong nước và 121 công ty tài chính khác.
Nếu Evergrande vỡ nợ, các ngân hàng và những người cho vay khác có thể buộc phải cho vay ít hơn. Điều này có thể dẫn đến tình trạng khủng hoảng tín dụng, khi các công ty gặp khó khăn trong việc vay tiền với lãi suất hợp lý.
Nhiều người đã mua nhà từ Evergrande và đã trả tiền đặt cọc trước khi công việc xây dựng bắt đầu có thể mất tiền nếu nó bị phá sản.
Ngoài ra còn có các công ty kinh doanh với Evergrande. Các công ty này bao gồm các công ty xây dựng và thiết kế, các nhà cung cấp vật liệu có nguy cơ phải chịu những tổn thất lớn, thậm chí phá sản nếu Evergrande không thể trả nợ cho họ.
Do nợ của Evergrande quá lớn và có thể ảnh hưởng đến nhiều đối tượng nên một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh có thể can thiệp để giải cứu. Hãng tin Financial Times gọi Evergrande là công ty bất động sản thiếu nợ nhiều nhất thế giới.
Theo S&P Global Ratings, Chính phủ Trung Quốc có khả năng sẽ không can thiệp để hỗ trợ trực tiếp cho Evergrande mà sẽ thực thi từng bước nếu như sự sụp đổ của Evergrande bắt đầu gây ảnh hưởng và rủi ro lên thị trường tài chính.
Ông Logan Wright, Giám đốc Rhodium Group, một tập đoàn chuyên phân tích thị trường trên toàn cầu cho rằng, có nhiều khả năng Trung Quốc chờ đợi các dấu hiệu căng thẳng tài chính từ tác động Evergrande thành hiện thực, hơn là hành động từ trước. Có nghĩa rằng, Trung Quốc sẽ để Evergrande tự xoay xở với số nợ của mình.
Trong một bài đăng trên ứng dụng trò chuyện và nền tảng truyền thông xã hội WeChat của Trung Quốc, ông Hu Xijin, Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu, tờ báo phản ánh quan điểm của Trung Quốc, cho biết Evergrande không nên dựa vào gói cứu trợ của chính phủ mà thay vào đó cần tự cứu lấy mình.
Nguồn: [Link nguồn]
Những ồn ào về chuyện sao kê từ thiện của người nổi tiếng không chỉ khiến ngân hàng mà còn khiến cả những nhãn hàng...