Trở thành tỷ phú USD, tài sản của hai đại gia Việt đã biến động ra sao?
Ở thời điểm hiện tại, sau ba tháng, Forbes đang thống kê tài sản ròng của ông Hồ Hùng Anh là 1,7 tỷ USD (không thay đổi), còn tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang đã tăng thêm 100 triệu USD lên 1,4 tỷ USD.
Đầu tháng 3, Tạp chí Forbes đã công bố danh sách tỷ phú USD năm 2019, trong đó Việt Nam có thêm 2 tỷ phú là ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Techcombank) và ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Tập đoàn Masan) với tổng tài sản 3 tỷ USD. Trong đó, ông Hồ Hùng Anh sở hữu 1,7 tỷ USD, đứng thứ 1349 thế giới. Ông Nguyễn Đăng Quang có 1,3 tỷ USD, đứng thứ 1717 thế giới.
Ở thời điểm hiện tại, sau ba tháng, Forbes đang thống kê tài sản ròng của ông Hồ Hùng Anh là 1,7 tỷ USD (không thay đổi), còn tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang đã tăng thêm 100 triệu USD lên 1,4 tỷ USD.
Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank
Theo thông tin từ Forbes, hai vị đại gia này gặp nhau và thiết lập mối quan hệ kinh doanh mật thiết khi là các du học sinh tại Nga và Đông Âu. Năm 1993, ông Nguyễn Đăng Quang bắt đầu đầu tư vào Ngân hàng Techcombank. Năm 1995, ông Hồ Hùng Anh đầu tư chung vào Techcombank cùng ông Quang.
Năm 2004, hai vị này tiếp tục thành lập nên Masan. Sau đó, ông Nguyễn Đăng Quang tập trung xây dựng và phát triển Masan, còn ông Hồ Hùng Anh phụ trách và dẫn dắt ngân hàng Techcombank. Hiện tại, Masan và Techcombank đều là hai doanh nghiệp có quy mô thuộc top đầu trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Kết thúc ba tháng kinh doanh đầu năm 2019, Techcombank báo lãi trước thuế 2.617 tỷ đồng, tăng trưởng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh sụt giảm 18%, nhưng bù lại chi phí dự phòng cũng giảm mạnh.
Tổng tài sản của Techcombank đến cuối kỳ đạt 326.112 tỷ đồng, tăng 1,6% so với hồi đầu năm. Nợ xấu tại Techcombank là 2.924 tỷ đồng, tăng 120 tỷ so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng có tăng nhẹ từ 1,75% lên 1,78%.
Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan
Còn đối với Masan, doanh thu trong Quý I giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 8.160 tỷ đồng. Trong đó, nguồn thu từ mảng tiêu dùng (nước nắm, gia vị, mỳ gói…) của Masan Consumer tăng nhẹ lên 3.800 tỷ đồng, nguồn thu từ mảng chuỗi giá trị thịt Masan Nutri-Science đạt 3.200 tỷ đồng, còn mảng khoáng sản của Masan Resource giảm 20% về 1.200 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế thu về cho cổ đông công ty đạt 865 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Về giá cổ phiếu, so với thời điểm đầu tháng 3, cổ phiếu MSN (Masan) suy giảm từ ngưỡng 89.400 đồng/cổ phiếu xuống 87.000 đồng/cổ phiếu khi kết thúc phiên giao dịch 28/5, tương ứng giảm 2,7% giá trị. Còn cổ phiếu TCB (Techcombank) cũng giảm từ 26.800 đồng/cổ phiếu xuống 23.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng mất 13,8% giá trị. Diễn biến này là do thị trường chứng khoán chung không thuận lợi và sự tăng trưởng chậm lại của cả Techcombank và Masan trong ba tháng đầu 2019.
Nếu tính toán từ lượng cổ phiếu đang sở hữu tại Masan và Techcombank, khối tài sản chứng khoán niêm yết của hai đại gia này đều suy giảm so với thời điểm được công nhận là tỷ phú USD. Trong đó, ông Hồ Hùng Anh hiện đang nắm khoảng 22.422 tỷ đồng, còn ông Nguyễn Đăng Quang đang nắm khoảng 22.152 tỷ đồng.
Khối tài sản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết biến động mạnh theo giá cổ phiếu ROS.