Triển khai gói an sinh 26 nghìn tỷ: Nhận hồ sơ, trả lời và giải ngân trong 7 ngày
Chiều 7/7, Bộ LĐ-TB&XH đã họp báo công bố Quyết định 23/2021 của Thủ tướng ban hành cùng ngày về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ), người sử dụng LĐ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ (gói an sinh trị giá 26.000 tỷ đồng). Theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, việc triển khai gói hỗ trợ an sinh lần này được rút kinh nghiệm sâu sắc từ thực tế triển khai gói an sinh lần 1 - với một số chính sách hỗ trợ không mấy thành công.
Người nghèo sẽ được hỗ trợ an sinh gói 26 nghìn tỷ đồng với thủ tục đơn giản. Ảnh: Như Ý
Giảm thủ tục, tăng hậu kiểm
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, việc triển khai các chính sách hỗ trợ lần này theo hướng giảm tối đa thủ tục, thời gian, để giúp NLĐ, doanh nghiệp (DN) tiếp cận nhanh nhất sự hỗ trợ của Nhà nước. Các hướng dẫn lần này được thiết kế trên cơ sở rút kinh nghiệm từ triển khai gói hỗ trợ lần 1 (theo Nghị quyết 42, trị giá 62.000 tỷ đồng). Ông Dung dẫn chứng về chính sách cho DN vay trả lương cho NLĐ, gói hỗ trợ lần 1 (dự kiến cho vay 16.000 tỷ đồng), Ngân hàng Chính sách xã hội mỗi tháng chỉ xét 1 lần, nay nhận hồ sơ là xét duyệt ngay, sau 4 ngày trả lời và giải ngân sau đó 3 ngày (tổng 7 ngày). Các điều kiện cho vay cũng đơn giản, thuận lợi hơn. “Gói vay trả lương cho NLĐ lần trước triển khai không đạt yêu cầu, vì điều kiện vay quá khắt khe, thủ tục phiền hà, không khả thi. Lần này thủ tục cho vay sẽ thông thoáng tới mức không còn gì để thông thoáng hơn. Chính sách lần này được thiết kế trên tinh thần mở hết cỡ cho người dân và DN dễ tiếp cận”, ông Dung nói. Tương tự, trước đây quy định NLĐ phải đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) tới tháng liền kề nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ, nhưng thực tế nhiều NLĐ nghỉ việc và dừng đóng BHXH từ đầu năm 2020 do dịch bệnh, nên gói an sinh trước nhiều NLĐ, DN không tiếp cận được, lần này chỉ tính tổng thời gian từng đóng BHXH từ trước tới nay.
Người đứng đầu ngành LĐ - TB&XH cũng tiếp tục khẳng định quan điểm: “Ai, cơ quan, tổ chức, địa phương nào chậm triển khai hỗ trợ là có lỗi với dân, nếu để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách là có tội với dân”. Những ngày qua, người dân, NLĐ tại nhiều địa phương đang rất khó khăn, mong chờ từng ngày được hỗ trợ. Ông Dung dẫn chứng, 21 công ty xổ số từ Bình Thuận trở vào có hơn 100.000 LĐ bị ảnh hưởng trực tiếp, chưa kể NLĐ các lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, khách sạn... Hiện tại, nguy cơ dịch lây lan vào khu công nghiệp, nhà máy nhiều LĐ rất rõ ràng. Riêng TPHCM có 1,6 triệu công nhân, Bình Dương 1,2 triệu, Đồng Nai hơn 1 triệu. Công nhân ở 3 địa phương này đã chiếm 1/4 tổng số công nhân cả nước. Do đó, tác động của dịch bệnh rất lớn, mong từng ngày được hỗ trợ. “Sau Quyết định 23 của Thủ tướng sẽ không cần thêm bất kỳ hướng dẫn nào nữa, căn cứ theo đó các đơn vị, địa phương triển khai. Giảm thủ tục đầu vào, tăng hậu kiểm. Gói hỗ trợ lần trước theo Nghị quyết 42 chúng tôi cũng thực sự chưa hài lòng, nên gói hỗ trợ lần này có kinh nghiệm hơn, đề cao giám sát và hậu kiểm”, ông Dung nói thêm.
Lao động tự do ở đâu hỗ trợ tại đó
Với chính sách hỗ trợ nhóm LĐ tự do lần này, ông Đào Ngọc Dung cho biết, các cấp ngành đều rất quan tâm, vì chịu nhiều tác động, lại không có tích luỹ, không có thu nhập. Tuy nhiên, để hỗ trợ rất khó, do không có cơ sở dữ liệu, lao động tự do di chuyển nơi ở liên tục. Rút kinh nghiệm từ gói 62.000 tỷ đồng lần trước, lần này trao cho địa phương quyết định. “Thay vì phải xác nhận cả nơi thường trú tới nơi tạm trú như gói hỗ trợ trước, lần này các địa phương lập danh sách và hỗ trợ cho tất cả LĐ tự do đang có mặt trên địa bàn mình, kết nối dữ liệu để quận/huyện khác không cấp trùng. Nếu NLĐ di chuyển sang tỉnh khác, nơi họ tới vẫn áp dụng giãn cách, phong toả sẽ tiếp tục cấp hỗ trợ, nếu địa phương không áp dụng giãn cách sẽ không hỗ trợ nữa, vì họ vẫn được đi làm”, ông Dung nói thêm.
Về các thắc mắc vì sao hỗ trợ nghệ sĩ, theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, nghệ sĩ và người hoạt động nghệ thuật được hỗ trợ lần này không phải là tất cả giới nghệ sĩ, chỉ khoảng 2.000 người đang hoạt động trong khoảng 100 đơn vị nghệ thuật công lập. Dù hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, nghệ sĩ, nhưng thu nhập từ 3,7 triệu đồng/tháng trở xuống được hỗ trợ. Tương tự, với hơn 26.000 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ, chỉ hỗ trợ với người bị ảnh hưởng, phải dừng việc, không phải tất cả.
Về chính sách miễn đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và gia hạn thời gian đóng quỹ hưu trí, tử tuất cho chủ sử dụng LĐ, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết: Dù miễn đóng hay gia hạn đóng BHXH, chế độ của NLĐ vẫn được đảm bảo đầy đủ. Trường hợp sau thời gian hoãn đóng, chủ sử dụng LĐ không nộp được tiền đã hoãn sẽ xử lý theo quy trình nợ đọng BHXH, vi phạm tới đâu xử lý tới đó, kể cả xử lý hình sự.
Theo Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng LĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, có 12 nhóm chính sách hỗ trợ được áp dụng, gồm hỗ trợ bằng tiền mặt, miễn và hoãn nộp BHXH, cho vay DN trả lương, hỗ trợ đào tạo lại LĐ.
Để được hỗ trợ, với NLĐ nghỉ việc không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, NLĐ cần đề xuất, cung cấp quyết định thôi việc, sổ BHXH, gửi về Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH các địa phương để được xét hỗ trợ. Với nhóm LĐ ngừng việc do cách ly y tế, nhiễm bệnh, cần cung cấp quyết định chữa bệnh, cách ly, xác nhận đóng BHXH của cơ quan BHXH. Trường hợp phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ cần cung cấp thêm giấy xác nhận mang thai của cơ sở y tế, hoặc giấy khai sinh, chứng sinh của con.
Với nghệ sĩ, người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật tại các đơn vị công lập, hồ sơ đề xuất hỗ trợ do các đơn vị sự nghiệp công lập trình. Với hướng dẫn viên du lịch phải nghỉ việc, cần cung cấp hợp đồng LĐ, thẻ hướng dẫn viên gửi về Sở VH-TT&DL.
Ngay trong tuần tới Bộ LĐ-TB&XH sẽ ban hành hướng dẫn thực hiện gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng cho người gặp khó khăn...
Nguồn: [Link nguồn]