Tranh cãi đề xuất ở nhà thuê tối thiểu 20m2 mới được đăng ký thường trú Hà Nội
Hà Nội dự thảo quy định đối với những trường hợp thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn TP (nhà ở không có nguồn gốc sở hữu nhà nước), thì công dân khi làm thủ tục đăng ký thường trú phải có chỗ ở hợp pháp có diện tích bình quân tối thiểu 20m2. Đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều của giới chuyên gia, người dân.
Ở nhà thuê 20m2 mới được đăng ký thường trú
HĐND TP Hà Nội đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại TP Hà Nội.
Theo đó, dự thảo quy định đối với nhóm nhà ở có nguồn gốc sở hữu nhà nước thì hạn mức diện tích bình quân tối thiểu là 8 m2. Đây là nhà do các cơ quan, đơn vị bố trí phân phối, cho thuê trước đây hoặc có hợp đồng thuê nhà ở cũ do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội.
Hà Nội đưa ra dự thảo quy định công dân làm thủ tục đăng ký thường trú phải có chỗ ở hợp pháp có diện tích bình quân tối thiểu 20m2, đối với nhóm nhà ở không có nguồn gốc sở hữu nhà nước.
Đối với nhóm nhà ở còn lại (không có nguồn gốc sở hữu nhà nước), diện tích bình quân tối thiểu là 20m2, tính theo m2 sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ.
Được biết, tại khoản 3 Điều 20 Luật Cư trú năm 2020 quy định rõ công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng hai điều kiện.
Thứ nhất là được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó. Thứ hai là đảm bảo điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người.
Ý kiến trái chiều
Trước đề xuất này, nhiều ý kiến cho rằng việc Hà Nội đưa ra điều kiện diện tích nhà ở tối thiểu là 20m2 khi đăng ký thường trú cao hơn so với quy định chung của Luật Cư trú (8m2) là phù hợp.
Bởi với Hà Nội, Luật Thủ đô cho phép TP có cơ chế, chính sách đặc thù để hạn chế tình trạng di dân tự phát vào khu vực nội thành. Cụ thể tại mục b khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô quy định điều kiện được đăng ký thường trú tại nội thành là phải tạm trú liên tục tại nội thành từ ba năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở.
Nhiều người nhập cư lo lắng với đề xuất đăng ký thường trú phải có diện tích thuê nhà tối thiểu 20m2.
Đối với nhà thuê phải đảm bảo điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND TP Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê cho đăng ký thường trú vào nhà thuê.
“Hiện nay dân số của Hà Nội quá đông rồi, đường phố thường xuyên ùn tắc, hạ tầng đô thị quá tải. Bởi vậy, Hà Nội xây dựng chính sách hạn chế di dân tự phát vào nội thành là cần thiết. Tuy nhiên, Hà Nội cũng cần phải đánh giá kỹ tác động của quy định là như thế nào, tránh gây khó khăn cho người dân có nhu cầu đăng ký thường trú mà vẫn đảm bảo phù hợp với quy định về cư trú”, một vị chuyên gia nói.
Trong khi đó, đề xuất này khiến không ít những người nhập cư trên địa bàn TP Hà Nội lo lắng. Anh Nam (32 tuổi, quê Ninh Bình) làm nghề thợ xây cho biết, gia đình anh có 3 người, thuê phòng trọ rộng 20m2 tại Khương Đình (Thanh Xuân) với giá 4 triệu đồng. Vợ anh làm công nhân, 2 vợ chồng thu nhập tháng 15 triệu đồng.
“Con trai tôi chuẩn bị vào lớp 1, hai vợ chồng dự tính đăng kí hộ khẩu thường trú để cho đi học trường công. Nhưng nếu giờ áp dụng theo quy định mới tối thiểu mỗi người 20m2 thì gia đình tôi phải thuê nhà rộng tới 60m2 mới đáp ứng. Nếu áp dụng quy định về diện tích chỗ ở như vậy, chắc chắn vợ chồng tôi phải gửi con về quê để đi học bởi chi phí học trường công đắt đỏ vợ chồng tôi không kham nổi”, anh Nam lo lắng.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo qui định của Luật cư trú 2020 vừa được Quốc hội thông qua, từ ngày 01/7/2021, thời điểm Luật này có hiệu lực, nếu mua nhà tại Hà Nội (có chỗ ở hợp pháp tại Hà Nội)...