Tràn lan hội nhóm, "thầy" dạy lôi kéo chơi vàng online

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Nhiều người liên tục nhận được những lời mời, lôi kéo tham gia các hội nhóm đầu tư vàng online, với tỉ suất sinh lời rất cao. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cảnh báo đây đa phần là những chiêu thức lừa đảo

Chị L.D. (ở Mỹ Đình, Hà Nội) nhận được lời mời tham gia vào nhóm Zalo với tên gọi "Thời kỳ vàng dầu lên ngôi". Sau khi tham gia, chị thấy hội nhóm này có gần 1.000 thành viên, liên tục cập nhật những con số chốt lời khủng, lợi nhuận được quảng cáo đem về đều như "vắt chanh", dù giá lên hay xuống đều có thể "kiếm lợi nhuận và kiếm tiền".

Nhiều thành viên liên tục cập nhật những con số chốt lời khủng sau phiên giao dịch

Nhiều thành viên liên tục cập nhật những con số chốt lời khủng sau phiên giao dịch

Đáng chú ý, nhiều thành viên thường xuyên gửi tin nhắn cảm ơn "trưởng nhóm" và "phó nhóm" đã hướng dẫn đem lại cơ hội kiếm tiền, với những hình ảnh về tỉ suất sinh lời "khủng".

Không chỉ Zalo, trên mạng xã hội cũng có rất nhiều nhóm đầu tư vàng - ngoại hối với hàng ngàn thành viên. Một người tên Duy, tự nhận là trưởng nhóm tư vấn, giới thiệu nếu có vốn ở thời điểm này nên chuyển sang mua vàng chỉ số - tức là vàng thế giới, mua bán qua sàn thay vì mua vàng vật chất trong nước. Ngoài vàng, các sàn còn có ngoại tệ như USD, GBP, JPY…

Theo người tên Duy, để tham gia khách hàng cần số vốn tối thiểu ban đầu khoảng 500 USD - 1.000 USD. "Với số vốn hơn 80 triệu đồng, khách hàng chỉ mua được lượng vàng vật chất và ăn chênh lệch ở lượng vàng đó với điều kiện giá tăng. Nhưng trên sàn, khách hàng có thể mua tới 300 lượng vàng. Nhờ đòn bẩy hỗ trợ, mua bán chốt lời luôn trong ngày. Bên em sẽ cung cấp các tín hiệu miễn phí" - anh Duy dẫn dụ.

Trong khi đó, người có tên Đạt, tự xưng là nhà đầu tư lâu năm, kể ban đầu năm 2020, người này mới tập chơi chỉ bỏ ra 5.000 USD, sau đó lời lên 7.000 USD. Giờ thì trong 6 tháng qua, Đạt đầu tư 130 triệu USD, rút ra được 175 triệu USD. Một số tiền lời cực lớn.

Đó là cách mà những "thầy" dạy online dẫn dụ người tham gia đầu tư. Người tham gia các sàn sẽ được tham gia vào các hội nhóm, trong đó có "trưởng nhóm", "phó nhóm" được gọi là "thầy online" hướng dẫn cách chốt thời điểm mua vào, bán ra.

Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho biết các hoạt động đầu tư trên được các cơ quan chức năng cảnh báo nguy cơ rủi ro cao, cũng như không được bảo vệ pháp lý tại thị trường Việt Nam.

Hiện, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa cấp phép cho các sàn kinh doanh vàng online. Do đó, các hoạt động kinh doanh vàng theo hình thức này đang được nhà đầu tư thực hiện trên các sàn giao dịch quốc tế.

"Họ dùng số lượng tiền của mình ký quỹ, mua theo dạng margin, tức vay tiền để đầu tư, ký quỹ 1, mua 10, đến khi giá biến động, cháy tài khoản là mất hết"- ông Hùng cho hay.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội vàng Việt Nam, trước năm 2012 có sàn giao dịch vàng của một số công ty, ngân hàng, khách mua bán vàng qua tài khoản ngân hàng. Nhưng điều này làm cho thị trường vàng biến động, có động thái đầu cơ, làm giá, ảnh hưởng tới quyền lợi của nhà đầu tư. Vì vậy, nhà nước đã cấm.

Trên thực tế, thời gian qua, cơ quan công an đã liên tục phát đi cảnh báo về hành vi lừa đảo trên. Trong đó, đầu tháng 2-2024, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TP Hà Nội tiếp nhận đơn của một người đàn ông ở Hà Nội, trình báo việc anh tham gia ứng dụng đầu tư vàng SoonTransfer5, bị chiếm đoạt 4,2 tỉ đồng.

Trước đó, cuối năm 2023, tại Hà Nội cũng đã có nạn nhân bị lừa đảo bằng hình thức tương tự. Anh P. (SN 1984, quê Hải Dương) nhận được lời mời tham gia đầu tư thị trường vàng quốc tế thông qua ứng dụng IG VIP với mức lãi "khủng". Anh P. đã chuyển khoản 100 triệu đồng để đầu tư.

Nhưng khi thực hiện lệnh rút tiền thì anh P. được thông báo không rút được, phải đăng ký gói mới. Thấy có dấu hiệu lừa đảo, anh P. đã đến Công an quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội) trình báo sự việc.

Công an TP Hà Nội liên tục cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo khi tham gia các ứng dụng đầu tư tài chính online. Người dân không làm theo những hướng dẫn, "dẫn dụ", "mời chào" của các tài khoản cá nhân, nhóm trên Zalo, Facebook, Telegram,... không xác thực danh tính. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.

Với cách tặng quà, làm nhiệm vụ để có thưởng, không ít người đã “sập bẫy” của những kẻ lừa đảo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Linh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN