TP.HCM: Hàng loạt quán karaoke 'kêu cứu', đứng trước nguy cơ phá sản
Đại diện các quán karaoke tại TP.HCM cho biết dù đã cải tạo, sửa chữa lại theo quy định nhưng quán vẫn chưa được phép mở cửa. Điều này khiến nhiều cơ sở chịu lỗ nặng, đứng trước nguy cơ phá sản.
Sau khi xảy ra liên tiếp nhiều vụ cháy trên địa bàn cả nước, các cơ quan chức năng siết chặt hơn về quy định PCCC, nhiều quán karaoke trên địa bàn TP.HCM đã bị yêu cầu tạm ngừng kinh doanh để khắc phục các vấn đề liên quan. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Theo ghi nhận tại phố karaoke Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP.HCM), nhiều quán hát cũng đã ngừng hoạt động và trả mặt bằng. Quán karaoke Gia đình E3 đã trả lại mặt bằng sau nhiều tháng không thể kinh doanh. Được biết, nơi đây đã có chủ thuê mới và dự định sẽ kinh doanh các mặt hàng thời trang. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Bên trong quán hàng loạt các thiết bị nằm ngổn ngang chờ được dọn dẹp. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Các nhân công đang tiến hành tháo dỡ một quán karaoke trên đường Sư Vạn Hạnh. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Tọa lạc tại đường Ba Tháng Hai (quận 10, TP.HCM), quán karaoke Fyou đang tạm ngưng kinh doanh để sửa chữa, phía ngoài biển hiệu “karaoke” được trùm kín lại. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Nhiều quán karaoke khác cũng trong tình trạng đang ngổn ngang, chờ tháo dỡ để trả mặt bằng. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Ông Huỳnh Văn Cường, chủ quán Karaoke Star (đường Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ trước khi đi vào hoạt động nhiều cơ sở của ông đã đảm bảo được các tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy và đã được thẩm định trước đó. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Tuy nhiên, ông Cường cho biết, sau khi có yêu cầu cải tạo, sửa chữa lại theo Thông tư 147/2020/TT-BCA bao gồm: lắp đặt hệ thống liên động, hệ thống báo cháy, hệ thống hút khói,... cơ sở cũng khắc phục xong, phía quận tổ chức kiểm tra và không có yêu cầu gì thêm. Dù vậy, hiện tại quán karaoke vẫn đang bị đình chỉ hoạt động kinh doanh. Ông Cường hy vọng sẽ sớm hướng dẫn cụ thể để quán hoàn thiện và được hoạt động trở lại. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Một trong 17 chi nhánh của hệ thống karaoke Icool trên đường Trần Não (TP Thủ Đức) cũng đóng cửa nửa năm nay. Chị Đinh Hoàng Thùy Dương, đại diện chuỗi cho biết, mỗi tháng tốn hàng chục tỉ đồng để bảo trì trang thiết bị và trang trải chi phí thuê mặt bằng. Hiện phòng hát đã tháo dỡ nhiều hạng mục trang trí dễ gây cháy nổ, lắp cửa chống cháy mới, đóng kín buồng thang, hệ thống tự động ngắt âm thanh toàn bộ quán nếu phát hiện cháy, sữa chữa hai lối thoát hiểm... Ảnh: VÕ THƠ
Bên ngoài quán là thông báo đang sửa chữa và ngưng hoạt động do UBND Phường An Khánh, TP Thủ Đức dán. Đại diện Icool đã gửi biên bản yêu cầu nghiệm thu từ tháng 10 nhưng hiện vẫn chờ đợi. Việc ngưng hoạt động lâu ngày khiến các chi nhánh karaoke này chịu lỗ nặng, hầu hết nhân viên đã phải nghỉ kiếm việc làm khác. Ảnh: VÕ THƠ
Một quán karaoke trên đường QL50 (phường 5, quận 8, TP.HCM) đã đóng cửa sau nhiều tháng tạm ngừng kinh doanh. Sống đối diện với quán karaoke, bạn Trần Minh Thư (ngụ quận 8) cho biết trước khi đóng cửa, đây là địa điểm vui chơi quen thuộc của người dân khu vực này, nhưng sau hàng loạt vụ cháy trên cả nước, người dân hạn chế đến hát hơn, sau khi có đợt kiểm tra của lực lượng chức năng, quán đã đóng cửa đến nay. "Ban đầu quán chỉ treo bảng đang sữa chữa, vài tháng sau thì mình thấy treo biển tìm khách thuê mới. Hiện chỗ này đang sửa chữa để mở phòng tập Yoga"- Minh Thư chia sẻ. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Tại đường Nguyễn Thị Thập (phường Bình Thuận, quận 7, TP.HCM), một quán karaoke cũng đang treo biển tạm ngưng để sữa chữa. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Việc hoạt động trở lại các dịch vụ karaoke, vũ trường cần căn cứ trên kết quả đánh giá cấp độ dịch tại mỗi địa phương, khu vực.
Nguồn: [Link nguồn]