TP HCM: Một người mất tiền oan còn bị đòi... bồi thường 500.000 USD!
Thủ đoạn mạo danh nhân viên ngân hàng lừa cho vay tiền online không mới nhưng khách hàng vẫn bị sập bẫy, mất tiền oan.
Phản ánh đến Báo Người Lao Động ngày 5-8, anh M.T. (ngụ TP HCM) cho biết vừa mất 22 triệu đồng tiền phí dịch vụ để giải ngân khoản vay, khi tin lời kẻ giả mạo nhân viên ngân hàng.
"Sáng 4-8, tôi nhận được cuộc gọi của người lạ tự xưng là nhân viên Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) mời vay vốn với lãi suất tiêu dùng chỉ khoảng 0,7%/tháng. Thấy mức lãi suất hợp lý, lại được cho biết sẽ giải ngân khoản vay ngay nên tôi tin. Sau khi làm xong hồ sơ trực tuyến, người tự xưng nói cần nộp khoảng 10% phí dịch vụ, tương đương khoảng 22 triệu đồng để được giải ngân" - anh M.T. kể.
Văn bản giả mạo ngân hàng MB gửi tới anh M.T.
Tuy nhiên, sau khi đã chuyển khoản cho kẻ gian, anh M.T. không được giải ngân hồ sơ như mong muốn mà nhận được thông báo biên bản xử lý, mạo danh MB. Thông báo từ biên bản nêu: "Khách hàng đã tự ý nhập mật khẩu rút tiền khi trên hệ thống chưa mở khóa khoản vay xong, làm cho quá trình mở khóa khoản vay bị hủy, dẫn đến toàn bộ số tiền của khách hàng đã bị đóng băng và khóa lần 2"!
Chưa hết thủ đoạn, thông báo mạo danh ngân hàng còn nêu: "Trong trường hợp xấu nhất, khoản tiền hiện tại sẽ bị treo vĩnh viễn và khách hàng có thể phải bồi thường thiệt hại cho phía ngân hàng. Với trị giá hệ thống giải ngân là… 500.000 USD và 5 bộ hồ sơ khách hàng đang chờ xử lý với giá trị tổng khoản vay 850 triệu đồng".
Kẻ gian yêu cầu anh M.T tổng cộng phải đóng thêm phí thu xếp xử lý sự cố là 44 triệu đồng. Anh M.T. cho biết cảm thấy lo lắng, bất an khi đọc thông báo biên bản xử lý của ngân hàng, nhất là quy định phải bồi thường cho ngân hàng lên tới 500.000 USD. Thậm chí, thông báo còn "hù" trong trường hợp nghiêm trọng hơn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự!
Theo tìm hiểu của Báo Người Lao Động, thông báo của anh M.T. nhận được là giả mạo, khi kẻ gian mạo danh nhân viên MB để lừa khách hàng cho vay online. Phía MB cũng xác nhận đây là thông báo giả mạo. Thực tế, thủ đoạn mạo danh nhân viên các ngân hàng không mới, nhưng nhiều người vẫn bị lừa và mất tiền oan.
Báo Người Lao Động cũng vừa phản ánh loạt bài "Lừa đảo bủa vây, làm sao thoát?", trong đó để tiếp tục góp phần ngăn ngừa, hạn chế việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán cho mục đích gian lận, lừa đảo, bất hợp pháp, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát quy trình, quy định nội bộ về mở, sử dụng tài khoản thanh toán và chỉ đạo cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống thực hiện nghiêm trình tự, thủ tục mở tài khoản theo quy định. Không được mở tài khoản thanh toán theo danh sách khách hàng lập sẵn, bảo mật thông tin khách hàng mở tài khoản…
Nguồn: [Link nguồn]
Nhóm duy nhất không biết gì về vụ lừa đảo quy mô lớn này là gần 28.000 nhà đầu tư nhỏ lẻ, trong đó có nhiều người đã về hưu.