Tổng Giám đốc SJC: “Dù giá chênh lệch 15-20 triệu hay hơn nữa công ty cũng không được lợi”
Lãnh đạo SJC nhìn nhận độc quyền vàng miếng không mang lại lợi ích cho SJC, thậm chí doanh nghiệp còn bị mang tiếng trục lợi
Ngày 16-5, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Thông tin về giá vàng liên tục biến động trong thời gian qua được đề cập tại buổi họp báo.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TP HCM, cho biết giá vàng biến động có nhiều yếu tố như xung đột địa chính trị các nước, khu vực. Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới mua vào kim loại quý này.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TP HCM thông tin về giá vàng tại buổi họp báo
Trong nước, người dân xem vàng là kênh đầu tư tài chính, tài sản bảo toàn vốn giữa những biến động thị trường. Điều này khiến tạo áp lực lên cung - cầu vàng trong nước.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cung ra thị trường qua đấu thầu để ổn định lại thị trường vàng. Sau 7 phiên thầu được tổ chức trong gần một tháng qua, trong đó 3 phiên bị hủy, đã có trên 27.000 lượng vàng miếng SJC được cơ quan quản lý tung ra thị trường.
Rút kinh nghiệm từ các lần đấu thầu "ế ẩm" trước, cơ quan quản lý đã nới điều kiện về quy mô tối thiểu và tối đa đặt thầu. Việc điều chỉnh này, theo nhà điều hành, giúp các phiên gần đây tăng số thành viên tham gia và quy mô vàng cung ra thị trường.
Tuy vậy, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đầu tuần này yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chậm nhất ngày 17-5 phải công bố quyết định thanh tra thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch giữa giá trong nước và quốc tế; đồng thời siết chặt sử dụng hóa đơn điện tử từng lần giao dịch, tăng cường ngăn chặn tình trạng buôn lậu vàng.
Phát biểu tại buổi họp báo, bà Lê Thúy Hằng, Tổng Giám đốc SJC, đồng tình cho rằng việc thanh, kiểm tra sẽ giúp thị trường này phát triển lành mạnh hơn.
Bà Lê Thúy Hằng, Tổng Giám đốc SJC đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng
Liên quan đến vàng miếng, bà Hằng cho biết năm 2012, SJC được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chọn là thương hiệu vàng miếng quốc gia vì chiếm gần 97% giao dịch trên thị trường.
Cùng thời điểm này, Nghị định 24/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động kinh doanh vàng ra đời để kiểm soát nguồn cung, chống "vàng hóa" nền kinh tế. Theo đó, SJC không được nhập, dập vàng miếng. Toàn bộ khuôn dập được giao về Ngân hàng Nhà nước quản lý, công ty chỉ được dập lại vàng móp.
Bà Hằng nhìn nhận độc quyền vàng miếng không mang lại lợi ích cho SJC, thậm chí doanh nghiệp còn bị mang tiếng trục lợi. Dù giá chênh lệch 15-20 triệu hay hơn nữa công ty cũng không được lợi.
"Nghị định 24 có thành công nhất định khi giúp ổn định nền kinh tế, chống "vàng hóa" nhưng cũng tạo ra những rào cản" - bà Hằng nói.
Từ thực tiễn trên, bà Hằng kiến nghị sửa đổi Nghị định 24 cho phù hợp thực tế.
Nhà nước cũng cần xóa bỏ độc quyền vàng miếng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được dập vàng miếng, giúp đa dạng nguồn cung. Người dân dựa vào uy tín, thương hiệu doanh nghiệp để chọn mua sản phẩm phù hợp.
Tổng Giám đốc SJC cũng kiến nghị cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu vàng để có nguồn nguyên liệu, giúp tránh tình trạng nhập lậu nhức nhối hiện nay.
Thời gian qua, giá vàng trong nước liên tục biến động. Đỉnh điểm, ngày 10-5, kim loại quý này vượt 92 triệu đồng một lượng - mức cao nhất từ trước đến nay.
Giá vàng trong nước tăng cùng chiều với thế giới, nhưng mức chênh vẫn cao, dao động 16-17 triệu đồng, có thời điểm lên tới 20 triệu đồng một lượng.
Nguồn: [Link nguồn]
Đã có 11 thành viên trúng thầu trong phiên đấu thầu vàng miếng hôm nay, với tổng khối lượng vàng trúng thầu là 12.300 lượng.