Lưu bài Bỏ lưu bài

Bức tranh kinh tế 9 tháng đầu năm thể hiện nhiều gam màu trầm, nhiều chỉ số vĩ mô bị kéo tụt. Trong đó, lần đầu tiên GDP hàng quý ghi nhận mức tăng trưởng âm; nhập siêu hơn 2 tỷ USD trong 9 tháng; ngành du lịch bị đóng băng hoàn toàn...

Toàn cảnh kinh tế 9 tháng đầu năm và những “kỷ lục sốc” lần đầu có trong lịch sử - 2

Dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến tất cả các ngành các lĩnh vực… nhưng có lẽ du lịch là ngành thiệt hại đầu tiên và lớn nhất. Ông Nguyễn Tuấn Linh, Giám đốc Công ty Mr Linh’s Adventures - công ty lữ hành chuyên tổ chức các đoàn khách quốc tế tham quan tại Việt Nam (du lịch inbound), cho biết doanh nghiệp của ông cũng không ngoại lệ, bao nhiêu kế hoạch, dự định đều phải gác lại đó.

Được biết, những thiệt hại mà ông Linh chia sẻ chỉ là một trong hàng nghìn những khó khăn tương tự mà các doanh nghiệp đang phải đối diện.

“Làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 đã khiến sản xuất ngưng trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ, trong đó COVID-19 đã đánh thẳng vào các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ... ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khoẻ, tính mạng của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh” - Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói thêm.

Toàn cảnh kinh tế 9 tháng đầu năm và những “kỷ lục sốc” lần đầu có trong lịch sử - 3

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.

Trong đó, các khu vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ giảm rất sâu, lần lượt ở các mức giảm 5,02% và giảm 9,28%.

Riêng quý 3 năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%, khu vực dịch vụ giảm sâu nhất 9,28%.

Toàn cảnh kinh tế 9 tháng đầu năm và những “kỷ lục sốc” lần đầu có trong lịch sử - 4
Toàn cảnh kinh tế 9 tháng đầu năm và những “kỷ lục sốc” lần đầu có trong lịch sử - 5

Theo ông Phạm Đình Thúy, vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, nhiều chuỗi cung ứng sản xuất đã bị đứt gãy do dịch bệnh, đặc biệt tại TP.HCM.

Theo Tổng Cục Thống kê Việt Nam, dịch COVID-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 9 có sự sụt giảm nghiêm trọng cả về số lượng và số vốn đăng ký.

Lũy kế 9 tháng, cả nước có khoảng 90.300 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Trong đó số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45.100 doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32.400 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%.

Như vậy bình quân một tháng, có hơn 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Và mỗi ngày có khoảng hơn 330 doanh nghiệp ngừng hoạt động.

Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy trong tổng số 50,4 triệu người trong độ tuổi lao động, có 2,91% đang thất nghiệp. Trong đó, tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị là 3,78%, ở nông thôn là 2,39%. Tỉ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi 9 tháng qua ước tính khoảng 3,04% tổng số lao động.

Toàn cảnh kinh tế 9 tháng đầu năm và những “kỷ lục sốc” lần đầu có trong lịch sử - 7

Đánh giá về chỉ số tăng trưởng âm trong quý III/2021, trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) nhấn mạnh: Mức tăng trưởng âm 6,17% là “cú sốc” khá mạnh ngoài mong đợi, làm thay đổi nhận thức về tăng trưởng cả năm.

"Các giải pháp chặn đà suy giảm hầu như không đạt như mong đợi đặc biệt giải pháp đẩy mạnh tiêm vaccine chưa thật kịp thời và khẩn trương" - PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nêu ý kiến.

Cách đây ít ngày, tại một sự kiện chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành dự báo tăng trưởng quý III/2021 có thể dưới 0% do COVID-19 đã “đánh thẳng” vào các trung tâm kinh tế và khu công nghiệp lớn trên cả nước, mà thành phố công nghiệp đầu tiên bị làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 làm ảnh hưởng là các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội…

“Nhiều khả năng chúng ta sẽ có quý tăng trưởng âm đầu tiên kể từ những năm 80” - ông Võ Trí Thành nêu ý kiến.

Toàn cảnh kinh tế 9 tháng đầu năm và những “kỷ lục sốc” lần đầu có trong lịch sử - 8

Thực tế số liệu quý III/2021 đã cho thấy, COVID-19 đã tác động sâu, rộng lên toàn nền kinh tế.

Tương tự, nhóm phân tích CTCP chứng khoán SSI cũng cho rằng, việc tốc độ tăng trưởng GDP ghi nhận giá trị âm sẽ không quá bất ngờ khi hầu hết các cấu thành chính trong GDP đều sụt giảm, bao gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu ròng.

Việc thực hiện giãn cách xã hội mức cao nhất trong thời gian dài (hơn 2 tháng đối với TP HCM và các tỉnh Nam Bộ và hơn 1 tháng đối với Hà Nội) đã khiến tất cả các hoạt động của nền kinh tế bị gián đoạn.

Toàn cảnh kinh tế 9 tháng đầu năm và những “kỷ lục sốc” lần đầu có trong lịch sử - 9
Toàn cảnh kinh tế 9 tháng đầu năm và những “kỷ lục sốc” lần đầu có trong lịch sử - 10

Nói về vấn đề hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, mới đây Chủ tịch của Vietravel - ông Nguyễn Quốc Kỳ - đã so sánh doanh nghiệp với "trâu đi cày". "Khi nó ốm thì người nói phải cho ăn cỏ, người khác nói cho đắp chăn, nhưng không ai làm… Ai cũng sợ trách nhiệm, sợ vất vả, kết quả thì con trâu chết mà các ông vẫn chưa bàn xong", doanh nhân này chia sẻ.

Ông Kỳ cho rằng câu chuyện của doanh nghiệp cũng là chuyện của ngân hàng. "Các anh kinh doanh tiền, doanh nghiệp vay để đi cày thì cũng để trả lãi ngân hàng. Sản phẩm của ngân hàng là tiền, doanh nghiệp vay để tạo ra sản phẩm của mình, có chuyện thì chúng ta phải xúm vào cùng giải quyết", lãnh đạo Vietravel đề xuất.

Toàn cảnh kinh tế 9 tháng đầu năm và những “kỷ lục sốc” lần đầu có trong lịch sử - 11

Bên cạnh đó, khi đề cập tới thực trạng, những khó khăn do dịch bệnh đang "ngấm" ngày càng sâu vào từng người lao động, từng doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, những giải pháp tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ an sinh, hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ là rất kịp thời. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hiện nay là tốc độ thực thi các chính sách hỗ trợ, với tiêu chí dễ tiếp cận hơn để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu COVID-19.

Toàn cảnh kinh tế 9 tháng đầu năm và những “kỷ lục sốc” lần đầu có trong lịch sử - 12

Còn theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, đà suy giảm GDP cần được bù lại bằng giải pháp quyết liệt hơn ở quý IV/2021. Trong đó, đặc biệt là phải giảm thiểu giãn cách xã hội. Song song với đó, cần đẩy mạnh kết nối chuỗi cung ứng và tìm các chuỗi mới; tăng cường các giải pháp để thu hút đầu tư công. Đặc biệt, cần có chính sách hấp dẫn đề thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

"Cần tận dụng tối đa mọi lợi thế, triển khai các giải pháp để mở rộng thị trường đã có, khai thông thêm thị trường mới để đẩy mạnh cung - cầu, phục hồi nhanh chóng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh ở mức cao nhất có thể. Đặc biệt, cần loại bỏ các rào cản thiếu phù hợp làm chậm cơ hội của doanh nhân và doanh nghiệp” - PGS TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.

Góp ý thêm, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Việt Nam và Thái Lan của Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, Việt Nam đang trên con đường tiến tới mục tiêu trở thành trung tâm chuỗi cung ứng mang tầm khu vực, một nền kinh tế công nghiệp hiện đại và một quốc gia có thu nhập cao trong tương lai. Việt Nam cũng được hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng trong thời gian gần đây.

"Song, cần chú ý, khả năng kiểm soát dịch COVID-19 sẽ đóng vai trò quan trọng đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn", ông Tim Leelahaphan nhận định.

Toàn cảnh kinh tế 9 tháng đầu năm và những “kỷ lục sốc” lần đầu có trong lịch sử - 13

Kinh tế Việt Nam đã đi được 3/4 chặng đường với mức 9 tháng là 1,42%. Về khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6% mà Quốc hội giao và 6,5% theo mục tiêu của Chính phủ theo Tổng cục Thống kê là khó khả thi. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, Việt Nam vẫn có cơ hội cải thiện tăng trưởng. Tăng trưởng GDP quý III âm nhưng quý IV sẽ phục hồi.

Toàn cảnh kinh tế 9 tháng đầu năm và những “kỷ lục sốc” lần đầu có trong lịch sử - 14

Hiện, Việt Nam đang quyết liệt kiểm soát dịch, và chiến lược tiêm chủng hướng tới mục tiêu 70% mũi 2 toàn dân vào năm 2022. Đồng thời triển khai mô hình chống dịch mới. Trong khi đó, động lực tăng trưởng sẽ đến từ 3 trụ cột đầu tư công, thúc đẩy xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng dân cư.

''3 tháng cuối năm, gần 250.000 tỷ đầu tư công cần giải ngân. Xuất khẩu cùng với mở cửa nền kinh tế và triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp sẽ thúc đẩy chung cho sản xuất và xuất khẩu. Về tiêu dùng dân cư, các dịch vụ mở cửa trở lại, cùng với đó là nhu cầu tiêu dùng dịch vụ cuối năm, đặc biệt phải giải ngân nhanh gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng khó khăn do Covid-19 hy vọng tiêu dùng sẽ tăng nhanh", bà Nguyễn Thị Hương chia sẻ.

Bên cạnh đó, các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Bắc Giang đang lấy lại đà tăng trưởng sẽ bù đắp phần nào suy giảm của các tỉnh thực hiện Chỉ thị 16 vừa qua.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Độ lưu ý, hiện tại, mặc dù các địa phương bắt đầu bình thường hóa các hoạt động kinh tế trở lại, nhưng do dịch COVID-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn nên nền kinh tế chưa thể hoạt động với đầy đủ công suất hiện có. Vì vậy, tăng trưởng GDP quý IV có khả năng sẽ tương đương mức trung bình 6 tháng đầu năm 2021, khoảng 5,5%. Tăng trưởng cả năm 2021 khoảng trên dưới 2,5%.

Toàn cảnh kinh tế 9 tháng đầu năm và những “kỷ lục sốc” lần đầu có trong lịch sử - 15

“GPD quý IV/2021 khả năng vẫn tăng trưởng dưới 6% do nền tăng trưởng GDP quý IV/2020 năm ngoái không thấp”-TS Nguyễn Đức Độ dự báo.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, động lực tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào tốc độ triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp; mở rộng hoạt động thương mại, tận dụng cơ hội từ FTA, chuyển đổi số, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đây chính là động lực cả trước mắt và dài hạn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và cũng là các biện pháp mà Việt Nam đã quyết liệt thực hiện kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết cơ quan này đang tính toán lại các kịch bản tăng trưởng, dự báo GDP năm nay có thể tăng 3,5-4% với điều kiện kiểm soát tốt dịch bệnh trong tháng 9.

Bộ trưởng cho rằng dự báo thấp hơn mục tiêu 6,5% trong năm nay, nhưng để đạt được mức này là phải sự nỗ lực rất lớn, đòi hỏi sự quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị và cả địa phương.

Toàn cảnh kinh tế 9 tháng đầu năm và những “kỷ lục sốc” lần đầu có trong lịch sử - 16
 

Bài viết: Hồng Hương

Thiết kế: Nãm Trung Nguyên

Thứ Bảy, ngày 02/10/2021 05:00 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hồng Hương - Trung Nam ([Tên nguồn])