Tòa nhà tai tiếng làm 'xấu mặt' TPHCM suốt 16 năm
Sau 16 năm khởi công, dự án Saigon One Tower vẫn chưa thể hoàn thành và bị “điểm mặt” là một trong số ít dự án làm xấu bộ mặt TPHCM trong nhiều năm qua. Hiện nay, số phận dự án còn treo lơ lửng vì chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Số phận long đong
Saigon One Tower được xem là một trong những dự án có vị trí đắc địa bậc nhất TPHCM khi nằm trên khu đất vàng rộng hơn 6.600 m2 tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi (quận 1, TPHCM) nhưng có số phận khá hẩm hiu.
Cụ thể, cao ốc Saigon One Tower do liên doanh Công ty CP Sài Gòn One Tower làm chủ đầu tư gồm các cổ đông, như: Công ty CP M&C, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - Saigontourist, Ngân hàng TMCP Đông Á, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ.
Cao ốc Saigon One Tower được khởi công xây dựng từ 2007 nhưng đến nay vẫn chưa thể khánh thành.
Dự án được xây dựng trên khu đất hơn 6.672 m2, mật độ xây dựng 46% với quy mô 41 tầng (không tính 5 tầng hầm và 3 tầng kỹ thuật). Tổng vốn đầu tư là 256 triệu USD (tương đương 5.000 tỷ đồng thời điểm đó). Theo thiết kế, công trình cao 185 m, gồm 180 căn hộ và khu văn phòng. Đây được xem là dự án đình đám, sang trọng bậc nhất TPHCM tại thời điểm công bố.
Thế nhưng, dự án khởi công xây dựng từ năm 2007 thì đến năm 2011 dừng thi công cho đến nay, khi đang trong giai đoạn hoàn thiện. Nguyên nhân được cho là thiếu vốn. Dự án từng bị lãnh đạo UBND TPHCM “điểm mặt” là một trong số ít dự án làm xấu bộ mặt TPHCM trong nhiều năm qua.
Toàn bộ dự án này từng là tài sản thế chấp cho khoản vay tín dụng tính cả gốc và lãi đến năm 2017 là hơn 7.000 tỷ đồng tại MSB và DongA Bank, trở thành khoản nợ xấu. Dự án này từng được Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thu giữ để xử lý và thu hồi nợ của Công ty CP Sài Gòn One Tower.
Đầu tháng 3/2018, VAMC công bố bán đấu giá dự án này với giá khởi điểm 6.110 tỷ đồng nhưng không ai mua. Do đấu giá không thành công nên VAMC đã bàn giao lại tài sản khoản nợ cho phía ngân hàng xử lý.
Phải chờ kết luận
Đến năm 2021, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Viva Land xuất hiện với tư cách là đơn vị quản lý và phát triển dự án Saigon One Tower. Dự án này cũng được đổi tên thành IFC One Saigon.
Cao ốc Saigon One Tower có vị trí đắc địa bậc nhất Sài Gòn.
Đáng chú ý, ngoài dự án IFC One Sài Gòn, Viva Land còn được giới thiệu là nhà phát triển dự án và nhà quản lý tại nhiều dự án “khủng”, gồm Landmark tại quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng; dự án Đảo Tuần Châu tại TP.Hạ Long, Quảng Ninh; dự án Diamante tại Thảo Điền, TP.Thủ Đức và dự án D4 DVD tại quận 4, TPHCM; dự án Capital Palace Hà Nội tại quận Ba Đình, Hà Nội; dự án Sài Gòn Peninsula tại quận 7, TPHCM; dự án Waterfront Saigon tại Tôn Đức Thắng, quận 1, TPHCM.
Viva Land thành lập ngày 15/5/2019. Dù đăng ký vốn điều lệ lên tới 2.000 tỷ đồng với các cổ đông sáng lập bao gồm bà Nguyễn Thị Kim Khánh (sở hữu 30% vốn điều lệ), Nguyễn Thị Ngọc Mai (25% vốn điều lệ) và Dương Thị Hạnh (20% vốn điều lệ) nhưng các cổ đông lại không nộp tiền đúng như đăng ký. Do đó, tại thời điểm cuối năm 2019, công ty âm vốn nhẹ, tổng tài sản chỉ đạt 28,2 tỷ đồng. Bước sang 2020 và 2021, vốn chủ sở hữu cũng chỉ lên tới 30,9 tỷ đồng và 41,1 tỷ đồng.
Do kinh doanh kém khởi sắc nên tài sản công ty đứng ở mức thấp. Cụ thể, năm 2020, Viva Land chỉ đạt 7 tỷ đồng doanh thu và 29,9 triệu đồng lợi nhuận sau thuế. Sang năm 2021, doanh thu Viva Land vọt lên 151 tỷ đồng. Tại thời điểm ngày 31/3/2021, tổng tài sản của Viva Land đạt 242 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong nhóm cổ đông thành lập, gồm bà Dương Thị Hạnh và bà Nguyễn Thị Kim Khánh đồng thời là cổ đông của Công ty CP Đại Chấn Hưng, bà Khánh cũng là Tổng giám đốc của doanh nghiệp này.
Ở thời điểm hiện tại, Viva Land với các nhân tố mới, các thông tin công bố của đơn vị này cho biết hiện doanh nghiệp đang hoạt động tại thị trường Việt Nam và Singapore. Tổng diện tích quỹ đất mà công ty này sắp triển khai lên đến 800 ha với hơn 17.000 căn hộ, trị giá khoảng 5 tỷ USD.
Viva Land có trụ sở tại số 39 đường Robinson, Singapore và có 2 văn phòng tại số 1-1A-2, đường Tôn Đức Thắng (phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) và tại tầng 32 Tòa nhà Capital Place Building (số 29 Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội).
TPHCM đã có thông báo kết luận cho chủ trương tháo và lắp đặt lại khung kính mới để đảm bảo cảnh quan đô thị, đảm bảo an toàn còn số phận dự án Saigon One Tower phải chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Trả lời về việc toà nhà Saigon One Tower ngưng thi công kéo dài, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Trương Công Nam cho biết, dự án này có giấy phép thi công của Sở Xây dựng từ năm 2008, chủ đầu tư là Công ty CP Địa ốc Đầu tư Sài Gòn MB và hiện nay đổi tên là Công ty CP SaiGon One Tower.
Ông Nam thông tin, công trình ngưng thi công từ cuối năm 2011, đến nay đã được 12 năm. Do chủ đầu tư ngừng thi công khá lâu và trước đây có lắp đặt khung kính bên ngoài. Đến nay, khung kính này chịu lực không an toàn, bên cạnh đó ảnh hưởng mỹ quan đô thị nên UBND TPHCM đã có nhiều cuộc họp chỉ đạo hoàn thiện.
Đại diện Sở Xây dựng cho biết, vừa rồi, chủ đầu tư có nộp hồ sơ về sở đề nghị được tháo dỡ khung kính mặt ngoài đã có dấu hiệu không an toàn.
“TPHCM đã có thông báo kết luận cho chủ trương tháo và lắp đặt lại khung kính mới để đảm bảo cảnh quan đô thị, đảm bảo an toàn. Chủ đầu tư cam kết với UBND TPHCM, Sở Xây dựng, UBND quận 1 là thi công xong khung kính mặt ngoài và sẽ kết thúc vào 1/9/2022. Các hạng mục khác, chủ đầu tư không được làm vì hiện dự án này đang chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ” - ông Nam thông tin.
Biệt thự tọa lạc ở khu nhà giàu tại TPHCM, bên trong có khoảng xanh cho sân vườn.
Nguồn: [Link nguồn]