Tỉnh nào đang có thu nhập bình quân cao nhất nước?
Bà Rịa - Vũng Tàu đang là địa phương có thu nhập bình quân tháng cao nhất với 12 triệu đồng; TPHCM đứng thứ hai với 10,9 triệu đồng; Bắc Ninh 10,5 triệu đồng; Quảng Ninh 10,3 triệu đồng; Hà Nội 10,2 triệu đồng. Đồng Nai và Bình Dương cùng có thu nhập bình quân lao động ở mức 9,8 triệu đồng.
Chi tiết "bảng xếp hạng" thu nhập bình quân
Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2022, thu nhập bình quân tháng một lao động của doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020 đạt 9,5 triệu đồng, tăng 2,4% so với năm 2019.
7/63 địa phương có thu nhập bình quân tháng của người lao động trong các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020 cao hơn mức thu nhập trung bình cả nước (9,5 triệu đồng/người/tháng). Chủ yếu là các địa phương có doanh nghiệp quy mô lớn, thuộc các vùng kinh tế trọng điểm.
Địa phương có thu nhập bình quân tháng lao động cao nhất là Bà Rịa - Vũng Tàu với 12 triệu đồng; TPHCM đứng thứ hai với 10,9 triệu đồng; Bắc Ninh 10,5 triệu đồng; Quảng Ninh 10,3 triệu đồng; Hà Nội 10,2 triệu đồng. Đồng Nai và Bình Dương cùng có thu nhập bình quân lao động ở mức 9,8 triệu đồng.
Địa phương có thu nhập bình quân tháng lao động cao nhất là Bà Rịa - Vũng Tàu với 12 triệu đồng.
Tại 56/63 địa phương còn lại, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020 thấp hơn mức thu nhập trung bình cả nước, trong đó 9/63 địa phương có mức thu nhập bình quân tháng một lao động dưới 6 triệu đồng.
Cụ thể, Điện Biên 4,3 triệu đồng; Quảng Trị 5,5 triệu đồng; Trà Vinh và Thanh Hóa 5,6 triệu đồng; Phú Yên 5,7 triệu đồng; Sơn La, Bạc Liêu và Đắk Lắk 5,8 triệu đồng; Quảng Bình 5,9 triệu đồng.
Cũng theo báo cáo, nếu xét theo khu vực kinh tế thì khu vực dịch vụ có mức thu nhập bình quân tháng một lao động năm 2020 đạt cao nhất với 10,6 triệu đồng, giảm 1,4% so với năm 2019 (trong đó, ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có mức thu nhập bình quân lao động đạt cao nhất trong các ngành kinh tế với 25 triệu đồng).
Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 9 triệu đồng, tăng 4,7% (trong đó ngành sản xuất và phân phối điện có mức thu nhập bình quân đạt cao nhất với 18,7 triệu đồng). Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức thấp nhất trong các khu vực kinh tế với 6,2 triệu đồng, tăng 10,1% so với năm 2019.
So với năm 2019, doanh nghiệp nhà nước có mức thu nhập bình quân tháng một lao động trong năm 2020 đạt cao nhất với 15,3 triệu đồng, tăng 7,9% (trong đó doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đạt 15,5 triệu đồng, tăng 12,1%); doanh nghiệp ngoài nhà nước 8,3 triệu đồng, giảm 0,5%; doanh nghiệp FDI 10,5 triệu đồng, tăng 4,5%.
8,7 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến thời điểm 31/12/2021, cả nước có 857.551 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 5,7% so với cùng thời điểm năm 2020, tăng 16,7% so với bình quân giai đoạn 2017-2020.
Theo địa phương, 29/63 tỉnh thành có tốc độ tăng doanh nghiệp đang hoạt động thời điểm 31/12/2021 so với thời điểm 31/12/2020 cao hơn bình quân cả nước (5,7%). Trong đó, Lạng Sơn tăng 10,2%; Yên Bái tăng 9,3%; Bắc Ninh tăng 9,2%; Tuyên Quang tăng 8,9%; Bắc Kạn tăng 8,8%; Bắc Giang tăng 8,7%; Hưng Yên tăng 8,5%…
Một số địa phương có số doanh nghiệp đang hoạt động năm 2021 cao, gồm TPHCM có 268.465 doanh nghiệp, chiếm 31,3% số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước, tăng 5,4% so với năm 2020; Hà Nội có 178.493 doanh nghiệp, chiếm 20,8%, tăng 7,6%; Bình Dương có 37.668 doanh nghiệp, chiếm 4,4%, tăng 8,1%; Đồng Nai có 25.055 doanh nghiệp, chiếm 2,9%, tăng 3,2%; Đà Nẵng có 24.703 doanh nghiệp, chiếm 2,9%, tăng 4,4%; Hải Phòng có 19.806 doanh nghiệp, chiếm 2,3%, giảm 1,9% so với năm 2020.
Năm 2021, bình quân cả nước có 8,7 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1000 dân. Tại 8/63 địa phương, mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1000 dân cao hơn bình quân cả nước, gồm TPHCM có 29,3 doanh nghiệp; Hà Nội có 21,4 doanh nghiệp; Đà Nẵng có 20,7 doanh nghiệp; Bình Dương có 14,5 doanh nghiệp; Bà Rịa - Vũng Tàu có 9,7 doanh nghiệp; Hải Phòng có 9,6 doanh nghiệp; Bắc Ninh có 9,5 doanh nghiệp và Khánh Hòa có 8,9 doanh nghiệp.
Tại 55/63 địa phương, mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân thấp hơn bình quân cả nước, gồm: Hà Giang có 1,4 doanh nghiệp; Sơn La có 1,6 doanh nghiệp; Điện Biên có 1,7 doanh nghiệp; Tuyên Quang và Bắc Kạn cùng có 2,0 doanh nghiệp; Yên Bái và Cao Bằng có 2,2 doanh nghiệp; Lai Châu, Đồng Tháp và Sóc Trăng cùng có 2,3 doanh nghiệp.
Tổng doanh thu thuần của toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020 đạt 27,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,0% so với năm 2019. Theo khu vực kinh tế, doanh thu thuần của doanh nghiệp khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 đạt 158.100 tỷ đồng, giảm 6,2% so với năm 2019; doanh nghiệp khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 13,7 triệu tỷ đồng, tăng 4,4%; doanh nghiệp khu vực dịch vụ đạt 13,5 triệu tỷ đồng, tăng 3,7%.
Theo loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp ngoài nhà nước năm 2020 có tổng doanh thu thuần cao nhất với 15,8 triệu tỷ đồng, chiếm 57,6% doanh thu thuần của toàn bộ doanh nghiệp; doanh nghiệp FDI đạt 8,2 triệu tỷ đồng, chiếm 29,8%; doanh nghiệp nhà nước đạt 3,4 triệu tỷ đồng, chiếm 12,6%, giảm 4%.
Nguồn: [Link nguồn]
Tại đất nước giàu có này, 100 người giàu nhất sở hữu số nhà lên đến hàng chục ngàn căn khiến ai cũng choáng.