Tỉnh giàu nhất Trung Quốc đau đầu vì các nhà máy “chạy” sang Việt Nam
Các nhà sản xuất ở Côn Sơn (Trung Quốc) đang cắt giảm nhân công và tiền lương, đồng thời đẩy các đơn đặt hàng ra các nước như Việt Nam do lo ngại rủi ro địa chính trị
Công nhân tại một trong những trung tâm sản xuất giàu có nhất của Trung Quốc đang phải vật lộn để tìm kiếm việc làm khi triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu và căng thẳng với Mỹ buộc các nhà sản xuất phải di dời nhà máy ra khỏi Trung Quốc.
Côn Sơn, cách Thượng Hải 50 km, ở tỉnh Giang Tô của Trung Quốc, từng tự hào về mức lương cao hơn tới 30% so với các tỉnh khác nhờ có hàng nghìn nhà sản xuất hợp đồng lắp ráp các linh kiện quan trọng xây dựng trụ sở ở nơi đây. Với dân số gần 1 triệu người, Côn Sơn có tới 1.529 nhà sản xuất chuyên phục vụ xuất khẩu đến từ Đài Loan. Đây chính là quận giàu nhất ở Trung Quốc.
Nhưng các công ty đang cắt giảm hoạt động ở đây để đối phó với vấn đề xuất khẩu giảm mạnh, lĩnh vực vốn đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vượt qua đại dịch. Xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm trong 5 tháng liên tiếp, kể từ tháng 10 năm ngoái, khi các công ty nhập khẩu phương Tây giảm đơn đặt hàng trong bối cảnh lạm phát cao và triển vọng kinh tế ảm đạm.
Tình trạng bất ổn của Côn Sơn phản ánh những thách thức mà nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Trung Quốc phải đối mặt khi nước này thoát khỏi ba năm hạn chế do đại dịch và khi các nhà hoạch định chính sách đấu tranh để tìm một động cơ tăng trưởng khác, bù đắp cho sự sụt giảm trong ngoại thương.
Theo nhiều nhà tuyển dụng, số lượng nhân viên tại các nhà máy tại đây đã giảm mạnh và các công ty đã cắt giảm tới 1/3 tiền lương theo giờ, trong khi các khoản tiền thưởng hấp dẫn khi tuyển dụng đã bị loại bỏ. Nhiều nhà máy đã bắt đầu từ chối những ứng viên lớn tuổi vì đơn hàng giảm đã tạo ra tình trạng thừa lao động, đảo ngược xu hướng thời kỳ đại dịch khi các nhà máy tăng tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ.
Mặc dù kết quả khảo sát cho thấy hoạt động kinh tế đã khởi sắc chút ít trong vài tuần gần đây, các công ty và những người đi tìm việc làm vẫn chưa cảm nhận được sự phục hồi. Tiền lương mà các công ty Đài Loan (Trung Quốc) trả cho người lao động ở Côn Sơn đã giảm từ mức hơn 25 nhân dân tệ/giờ ở thời điểm 1 năm trước xuống còn chưa đến 19 tệ (tương đương 2,75 USD). Thay vì khoản thưởng lên tới 1.450 USD cho nhân viên mới, nhiều nhà máy bắt đầu thu phí tuyển dụng.
James Gao, giám đốc 1 công ty logistics hợp tác với Foxconn và Pegatron, cho biết lượng hàng xuất đi trong quý I đã giảm ít nhất 1/3 so với năm ngoái. “Các tài xế từng khó khăn lắm mới tìm được chỗ đỗ xe ở cảng Thượng Hải, giờ thì bãi đỗ xe ở đó trống 1 nửa”, Gao nói.
Gao nói thêm rằng một số khách hàng nhà máy Đài Loan của ông, chủ yếu phục vụ các thương hiệu điện tử tiêu dùng phương Tây, đã bắt đầu phân bổ đơn hàng sản xuất cho các công ty ở Việt Nam và Ấn Độ do căng thẳng địa chính trị khuyến khích họ đa dạng hóa.
“Nếu trước đây, một nhà máy ở Côn Sơn có thể nhận được đơn đặt hàng trị giá 10 tỷ USD từ Apple hoặc Dell, thì bây giờ nó nhận được 8 tỷ USD và phần còn lại chảy về Việt Nam,” ông nói.
Vì nhu cầu đối với các sản phẩm có giá trị thặng dư thấp giảm mạnh, gần đây Côn Sơn đã bắt đầu thu hút các nhà đầu tư nước ngoài bằng những sản phẩm công nghệ cao và tập trung vào thị trường nội địa để thúc đẩy tăng trưởng. Chiến lược này giúp thu hút một số công ty nhờ thế mạnh chuỗi cung ứng và mối quan hệ gắn bó với Thượng Hải – thị trường tiêu dùng cao cấp nhất và cũng là cái nôi R&D của Trung Quốc. Mục đích để các công ty này lựa chọn Côn Sơn nhằm nội địa hóa hoạt động sản xuất và phục vụ thị trường nội địa, khác hẳn với các công ty tập trung vào xuất khẩu như trước kia.
Nguồn: [Link nguồn]
Năm 2022, giới siêu giàu ở Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề với 229 người bị mất danh hiệu tỷ phú. Kinh tế tăng trưởng chậm khi thực hiện chính sách zero-COVID đã tác động...