Tín dụng đen vẫn tràn lan, vì sao?

Tại cuộc họp bàn giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen, ngày 9/4, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Sẽ “bơm” các nguồn “tín dụng đỏ” cho tiêu dùng để đẩy lùi tín dụng đen; cùng đó sẽ sửa đổi quy định siết các công ty tài chính cho vay lãi suất “cắt cổ” như thời gian qua.

Tín dụng đen tăng

Ông Tiết Văn Thành, Tổng Giám đốc NH NN&PTNT Việt Nam (Agribank) cho biết, đến đầu tháng 4/2019, tổng dư nợ của Agribank khoảng 1,24 triệu tỷ đồng, trong đó, cho vay  khu vực nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 70% tổng dư nợ với khoảng 4 triệu hộ vay vốn. Trong các khoản vay trên, có tới 225 nghìn tỷ đồng cho vay tiêu dùng, góp phần hạn chế rủi ro tín dụng đen.

Cũng theo ông Thành, Agribank đang triển khai đề án cho vay lưu động (dùng ô tô), nhằm tiếp cận người dân ở vùng sâu, vùng xa. Trên xe có đầy đủ chức năng nhiệm vụ như một phòng giao dịch. “Ở giai đoạn đầu, chúng tôi đã triển khai 86/250 xe cho vay hiệu quả, an toàn. Chúng tôi đã báo cáo tổng kết giai đoạn một, còn 182 xe nữa theo đề án, sẽ đề xuất NHNN tiếp tục cho triển khai tiếp”- ông Thành nói.

Tổng Giám đốc Agribank cho biết, đã triển khai gói vay 5.000 tỷ đồng cho người dân vay khám chữa bệnh, đóng tiền học, mua trang thiết bị gia đình. Thủ tục cho vay cải tiến hết mức, chỉ cần có phương án sử dụng vốn vay, có UBND xã xác nhận, sau đó ngân hàng giải ngân. “Chương trình mới triển khai 3 tháng, đã cho vay được 400 tỷ đồng, gần 14.200 khách hàng”- ông Thành nói.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân (T.Ư Hội Nông dân Việt Nam) đặt câu hỏi: Các ngân hàng triển khai rất tốt chương trình vay vốn, tăng khả năng tiếp cận cho người dân, nhưng sao tín dụng đen vẫn tăng) như con số của NHNN thống kê tới 2.500 tỷ đồng?

Chưa kể, với học sinh, sinh viên, công nhân… vấn đề tín dụng đen còn nhức nhối. Công nhân ở đây cũng phần lớn là con em nông dân. “Có những điểm ngân hàng phối hợp với đoàn thể triển khai cho vay rất mạnh, nhưng tín dụng đen rất nghiêm trọng, khốc liệt như ở Thanh Hóa”- ông Thắng nêu rõ.

Tín dụng đen vẫn tràn lan, vì sao? - 1

Nhiều công nhân phải tìm đến tín dụng đen để lấy tiền trang trải do ốm đau, lo tiền học cho con Ảnh: Bình Phương

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Toản, Phó Trưởng Ban Kinh tế Chính sách, Thi đua khen thưởng (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, tín dụng đen đã len lỏi mọi ngóc ngách, đặc biệt là tại những khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo ông, công nhân phải tìm đến tín dụng đen do bị ốm đau, lo tiền học hành con cái, dịp lễ tết, gia đình khó khăn... “Nhiều công nhân vì tín dụng đen mà không dám đến nơi làm việc, bỏ vợ con, về quê. Thậm chí, nhiều người bị nhóm đòi nợ uy hiếp đánh đập”, ông Toản nói.

Cũng theo ông Toản công nhân tiếp cận vốn phải xử lý nhiều thủ tục. Còn những người cho vay tín dụng đen họ vào tận nhà, tận nơi công nhân làm việc phát  tờ rơi. Họ cho công nhân vay chỉ cần có chứng minh nhân dân, ký xác nhận vay là đủ. Tuy nhiên, họ có một lực lượng xã hội đen đòi nợ rất lớn.

Ông Toản kiến nghị, các ngân hàng xây dựng thêm gói, chương trình cho công nhân lao động vay vốn, hướng dẫn cụ thể, để khi cần họ biết vay ở đâu, vay bao nhiêu.

Siết công ty tài chính cho vay lãi suất quá cao

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho biết, tốc độ cho vay tiêu dùng tăng chóng mặt, trung bình 5 năm qua tăng 38%, trong khi tín dụng chung chỉ tăng khoảng 14-16%.

Trong đó, có nhiều địa phương tăng cho vay tiêu dùng rất mạnh. Dù còn nhiều khó khăn nhưng cho vay tiêu dùng Quảng Bình tăng tới 119%/năm; Lâm Đồng tăng gần 58%; Thái Bình trên 55%; Bình Thuận khoảng 50%; TPHCM gần 50%...

Về tín dụng đen, ông Tú cho biết, qua khảo sát tại 8 tỉnh, khu vực Tây Nguyên đang phổ biến. Liên quan đến các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, ông Tú cho rằng, không thể phủ nhận các tổ chức này sát sườn với nhu cầu người dân. Tuy nhiên, cần phải chặn mặt trái hoạt động cho vay của các tổ chức này, hạn chế lãi suất quá cao không thể chấp nhận.

Do vậy, NHNN sẽ sửa Thông tư 43 về việc các công ty tài chính cho vay tiêu dùng. Chẳng hạn, hiện lãi suất quá cao, không khác gì tín dụng đen. Có người còn ví von là tín “dụng đen nhà nước”… “Một số công ty tài chính lại tiếp tay cho xã hội đen để đi đòi nợ thuê thì không được, như thế anh chẳng khác gì xã hội đen”- ông Tú nói.

Lãnh đạo NHNN cũng cho biết, năm 2019, NHNN sẽ tạo cơ chế, cấp phép thêm cho một số tổ chức tài chính vi mô. Đây là nơi thiết thực cho người nghèo, xử lý tín dụng cho người nghèo, hạn chế tín dụng đen trong ngắn hạn. Ngoài ra, theo ông Tú, NHNN cũng chỉ đạo Agribank triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng.

“Còn với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), chúng tôi cũng vừa trình Thủ tướng về việc sửa đổi Nghị định 28, trong đó có đưa thêm một gói tín dụng cho những hộ thoát nghèo và đặc biệt là không gò bó lãi suất. Việc này rất tốt cho những vùng nông thôn, cho những hộ thoát nghèo, tránh tái nghèo”- ông Tú nói. 

Tín dụng đen lãi suất 200%/năm bủa vây, “siết cổ” sinh viên

Do thiếu tiền, chưa biết xoay xở vào đâu, nhiều người tìm đến những công ty hỗ trợ tài chính để có được khoản tiền...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nam Khánh ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN