Tín dụng đen lãi suất 200%/năm bủa vây, “siết cổ” sinh viên
Do thiếu tiền, chưa biết xoay xở vào đâu, nhiều người tìm đến những công ty hỗ trợ tài chính để có được khoản tiền mặt nhanh chóng và không đòi hỏi nhiều thủ tục phức tạp. Chính lý do này khiến nhiều người, đặc biệt là sinh viên dính bẫy tín dụng đen với lãi suất lên tới 200%/năm
N.V.S (Sinh viên trường Đại học Mỏ - Địa Chất) cần một khoản tiền đóng học phí năm cuối, sau khi vay khắp nơi không được S. tìm đến công ty hỗ trợ tài chính, tại đây S. được người công ty tài chính đưa ra nhiều lựa chọn để xem gói vay phù hợp. “Họ nói có hai hình thức vay chủ yếu, một là em vay 10 triệu lấy 8 triệu trả trong vòng 60 ngày, hoặc là vay theo ngày, lãi suất tính 1 triệu/5000 đồng ngày, vay 10 triệu tính ra là 1,5 triệu đồng tháng”. Thủ tục nhanh chóng, đơn giản, chỉ cần để lại chứng minh thư, đăng kí xe và sổ hộ khẩu người vay có thể thoải mái vay.
Quảng cáo hỗ trợ tài chính được dán khắp nơi.
Sau đó, S. lựa chọn hình thức vay theo ngày, hẹn vay 1 tháng, tuy nhiên đến hẹn nhưng chưa gom đủ tiền, S. liên tục nhận được những tin nhắn dọa nạt từ phía công ty trước đó ngon ngọt cho vay. “Tâm trạng em khi nào cũng lo lắng, bất an khi ngày nào người ta cũng nhắn tin đe dọa, lãi mẹ đẻ lãi con”.
Sau khi gom đủ tiền cả gốc lẫn lãi sau hơn 1 tháng, nhưng khi trả S. hoang mang khi số tiền nay đã không còn là 11.5 triệu đồng mà lên tới hơn 15 triệu đồng. “Công ty nói do đến hẹn chưa trả đủ nên lãi lên gấp đôi gấp ba nên thế”. Không còn cách nào khách S. cầu cứu gia đình để thoát khỏi vòng vây của tín dụng đen.
Không chỉ S., nhiều sinh viên cũng bị những công ty hỗ trợ tài chính bủa vây, thủ tục nhanh chóng, gọn gàng và có tiền luôn khiến nhiều bạn trẻ “sa lưới” của hệ thống tín dụng đen.
Thủ tục nhanh chóng, gọn gàng và có tiền luôn khiến nhiều bạn trẻ “sa lưới” của hệ thống tín dụng đen.
Theo đó, những người tìm đến những công ty hỗ trợ tài chính là “bước đường cùng”, cần vay tiền nhưng không có nơi nào nên tìm đến những công ty này. Tuy nhiên với hứa hẹn của nhiều công ty, lãi suất thấp, 5%, 10% chứ không cao, nhưng thực ra con số này tính theo năm có thể lên tới vài trăm % một năm.
Liên hệ qua số điện thoại 098xxx... mà S đã vay, chúng tôi được một người đàn ông tự xưng là quản lý tài chính của công ty Tcsv đon đả tiếp chuyện. Khi chúng tôi giớ thiệu là sinh viên, đang cần vay tiền đóng học phí, người này nhiệt tình tư vấn về chế độ cho vay cùng thủ tục vô cùng đơn giản.
Khi chúng tôi hỏi về lãi suất và phương án trả tiền, người này cho biết, vay nhiều thì lãi thấp, vay ít thì lãi cao hơn một chút, lãi tính theo ngày, trả 10 ngày/lần, tiền gốc thu vào cuối tháng để đôi bên sòng phẳng.
Mức lãi 3.000 - 5.000 đồng/triệu/ngày được công ty này đưa ra để chúng tôi lựa chọn. Người đàn ông này luôn miệng nói, nếu vay nhiều từ 20 triệu trở lên thì mức vay chỉ còn 3000 đồng/triệu, còn dưới 20 triệu thì mức vay là 5000 đồng/triệu. Thủ tục vay chỉ cần chứng minh thư và thẻ sinh viên cùng hộ khẩu photo công chứng là có thể vay được.
Nhẩm tính lãi suất dao động từ 180% - 200%. Khi tỏ thái độ thắc mắc, trong trang web quảng cáo lãi suất thấp hơn nhiều mà sao nhẩm tính đây cao như vây, người này phân trần: “Mức phí như vây là không cao, ngoài kia còn đầy chỗ còn cao hơn, chỗ anh còn làm ăn uy tín, mỗi tuần em trả trăm mấy ngàn đồng thôi”. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn giảm mức lãi suất, người này liền tỏ thái độ và dập máy ngay lập tức.
Với thủ tục vay nhanh chóng, đơn giản, lợi nhuận cao “siết cổ” con nợ, hình thức cho vay qua mạng bùng nổ, trong đó có tín dụng đen. Hiện có rất nhiều công ty cho vay qua mạng hoạt động công khai nhưng không đăng kí và không ai quản lý, chỉ cần chứng minh thư, sổ hộ khẩu người dân có thể vay hàng trăm triệu đồng.
Lãi suất cho vay được quảng cáo là 5,6% tháng, nhưng thực chất lên tới 15% - 20% tháng (khoảng 200%/năm) cộng thêm các điều khoản phí phát sinh.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng đề nghị, cần có khung pháp lý để quản lý hình thức cho vay này. Theo quy định của NHNN, chỉ có các ngân hàng hoặc công ty tài chính được sự cho phép của cơ quan điều hành mới được phép huy động vốn từ người có tiền và cho vay người có nhu cầu. Thế nhưng những công ty hoạt động cho vay ngang hàng dù chưa được NHNN cấp phép song vẫn hoạt động như một định chế tài chính. Nghĩa là họ cũng huy động vốn rồi cho vay như ngân hàng.
Điều này không chỉ vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng mà còn gây rủi ro rất lớn cho người đi vay lẫn người cho vay.